Hạ bậc tín dụng và hiệu ứng domino

Thứ hai, 16/01/2012, 05:01
Theo Standard & Poor’s, chính sách thắt lưng buộc bụng chỉ làm kinh tế tệ hơn.

 

Không chờ đến sáng đầu tuần, đêm 14-1, Công ty Thẩm định tài chính Standard & Poor’s của Mỹ (S&P) đã tổ chức họp báo để giải thích quyết định hạ bậc tín nhiệm tín dụng của 9/16 nước châu Âu.

S&P nêu nguyên nhân chung dẫn đến bị hạ bậc là hội nghị thượng đỉnh khu vực đồng euro hôm 9-12-2011 không tìm ra giải pháp thích hợp với quy mô khủng hoảng. Quan trọng hơn, châu Âu không chẩn đoán đúng bệnh.

Theo S&P, các nước châu Âu chỉ lo cắt giảm ngân sách nhưng tác nhân quan trọng dẫn đến khủng hoảng nợ xuất phát từ tính cạnh tranh ngày càng cách biệt giữa các nước, từ đó dẫn đến cán cân thanh toán mất cân đối.

S&P lấy ví dụ trước năm 2007, Tây Ban Nha gần như cân đối ngân sách trong khi Đức bị thâm hụt ngân sách cao hơn. Sau đó, nhờ nâng tính cạnh tranh của kinh tế, Đức chống chọi với khủng hoảng tốt còn Tây Ban Nha xấu đi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chung tay giải cứu Hy Lạp khỏi khủng hoảng nợ. Nay đến lượt Pháp bị giảm mức tín nhiệm nợ. Biếm họa của PETAR PISMESTROVIC, báo Kleine Zeitung (Áo)


Nói tóm lại, theo S&P, thắt lưng buộc bụng chỉ làm khủng hoảng nặng thêm vì nhu cầu nội địa giảm, không kích thích đầu tư.

Thông báo hạ bậc tín nhiệm tín dụng của chín nước châu Âu là đòn giáng mạnh vào kinh tế châu Âu. Một khi bậc tín dụng của Pháp từ AAA bị hạ xuống AA+, kế hoạch chặn đứng khủng hoảng nợ châu Âu có thể vỡ bởi Pháp là nền kinh tế thứ nhì trong khu vực đồng euro. Sắp tới không chỉ chi phí vay nợ của Pháp tăng mà chi phí tái cấp vốn của các nước châu Âu khác cũng sẽ tăng lên.

Hiệu ứng domino tiếp theo là Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) chắc chắn sẽ bị hạ bậc theo vì EFSF dựa trên mức tín nhiệm AAA của Pháp và Đức.

Đài phát thanh quốc gia Mỹ dẫn lời ông Philippe Dessertine, Giám đốc Viện Tài chính cấp cao Paris (Pháp), nhận định: Nếu EFSF sa sút, áp lực sẽ đè nặng lên Ngân hàng Trung ương châu Âu. Lúc đó, giải pháp ngắn hạn duy nhất còn lại của ngân hàng này là mua ồ ạt nợ của các nước châu Âu để mua thời gian.

Theo báo Business Week, EFSF có khả năng cho vay khoảng 440 tỉ euro. Khi Pháp và Áo bị hạ bậc tín nhiệm nợ, khả năng cho vay của EFSF sẽ giảm 1/3.

Riêng với Pháp, sự kiện hạng AAA bị hạ bậc còn mang ý nghĩa chính trị. Tổng thống Nicolas Sarkozy đang vận động cho bầu cử tổng thống vào tháng 5.

Hồi tháng 10-2011, ông khoe khoang: “Trong 27 quốc gia châu Âu, chỉ có năm nước có bậc tín dụng AAA… và Pháp là một trong số đó”. Nay, khi ông biết mất bậc tín dụng AAA, ông thay đổi lập luận ngay và nói: “Tình hình hiện giờ khó khăn, chỉ có tôi mới có thể điều hành đất nước qua cơn bão táp”.

Báo Le Nouvel Observateur (Pháp) nhận định hiện nay phe đối lập tại Pháp còn yếu lại chưa đề xuất giải pháp nào khả dĩ giải quyết khủng hoảng nợ, do đó điều nghịch lý là sự nghiệp chính trị của ông Nicolas Sarkozy có thể được cứu nhờ Pháp bị hạ bậc tín dụng AAA.

Báo The New York Times (Mỹ) nhận định hậu quả quan trọng không kém ở Pháp là đàm phán nợ ở Hy Lạp sẽ bị đình chỉ. Hồi tháng 10-2011, Liên minh châu Âu cam kết tha cho khoản 100 tỉ euro nợ Hy Lạp nếu các chủ nợ của Hy Lạp (bên sở hữu trái phiếu) chịu thiệt hại 50%. Cuối tuần trước, đàm phán giữa chính phủ Hy Lạp và các ngân hàng thương mại đổ bể. Vòng đàm phán mới sẽ diễn ra vào tuần tới. Nếu chính phủ không thuyết phục được các chủ nợ, các nhà phân tích lo ngại hậu quả xảy ra tương tự khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2007-2008.

Theo Phapluattp.


 

Các tin cũ hơn