Chọn mua bánh kẹo tết tại Co.opMart Cống Quỳnh tối 13-1. Ảnh: THANH TÂM |
Tăng nguồn cung, tăng điểm bán
Những ngày gần đây, tại nhiều hệ thống siêu thị, sức mua bắt đầu tăng khá mạnh. Tại Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu, Đinh Tiên Hoàng… vào giờ cao điểm, khách hàng phải xếp hàng chờ tính tiền. Sức mua tập trung chủ yếu vào các nhóm hàng như thực phẩm; hàng gia dụng; quần áo; rượu - bia - nước giải khát… Hiện Saigon Co.op đã tập trung đủ các nhóm hàng để đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu mua sắm của khách hàng. Tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Vissan, không khí mua sắm cũng khá nhộn nhịp.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP, cho biết các DN đã lên kế hoạch phục vụ với lượng hàng tăng gấp 3 - 4 lần TP giao, chiếm 30% - 40% nhu cầu thị trường. Với lượng hàng này, hàng bình ổn sẽ đủ sức chi phối thị trường tết.
Cùng với việc tăng lượng hàng bình ổn, nét mới mùa tết năm nay là hàng bình ổn đã bắt đầu phủ kín các quận, huyện ngoại thành và các chợ truyền thống của TP. Ngoài những cửa hàng chuyên doanh của các DN, TP cũng đã ký hợp tác phát triển mạng lưới phân phối giữa các DN với Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ TP để vận động các thành viên trong đoàn, hội cùng tham gia vào việc phân phối hàng hóa.
Tính đến nay, các DN đã phát triển 879 điểm bán bình ổn thị trường tại 151 chợ; 467 điểm bán tại các quận, huyện vùng ven.
Riêng huyện Cần Giờ đã khai trương 5 cửa hàng tiện ích tại khu vực thị trấn Cần Thạnh, kết hợp Hội Phụ nữ huyện, HTX Muối Tiến Thành phát triển 6 điểm bán lẻ các mặt hàng bình ổn thị trường (trong đó có 2 điểm tại xã nông thôn mới Lý Nhơn)... Tại các KCX-KCN cũng đã xây dựng được 6 điểm phân phối hàng bình ổn.
Tính đến nay, TP đã có 2.568 điểm bán bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (tăng 380 điểm so với Tết Tân Mão 2011). Từ nay đến tết, TP đang yêu cầu các DN cần tăng cường các chuyến xe bán hàng lưu động để phục vụ tối đa nhu cầu người dân ở các huyện ngoại thành.
Khách hàng chọn mua hàng bình ổn giá tại Co.op- Mart Cống Quỳnh tối 13-1. Ảnh: THANH TÂM |
Siết chặt vệ sinh an toàn thực phẩm
Năm nay các DN bình ổn cũng thể hiện mạnh mẽ trách nhiệm xã hội của mình trước cộng đồng trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu những năm trước, công tác này chỉ dừng ở mức các DN bắt tay với các cơ quan chức năng tăng cường việc kiểm tra, giám sát thì năm nay được thể hiện ở những văn bản ký kết mang tính pháp lý.
Ngày 13-1, Sở NN-PTNT TPHCM ký kết thỏa thuận hợp tác với 5 tỉnh là Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang về “Cung ứng, tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc động vật đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Công ty Vissan cùng với các đơn vị cung ứng nguyên liệu là HTX chăn nuôi Tài Đức (Bình Dương) và Công ty TNHH San Miguel ký một thỏa thuận cam kết không sử dụng chất tăng trọng, chất cấm đối với mặt hàng thịt heo. Saigon Co.op cũng ký thỏa thuận với các DN cung ứng về thịt gia cầm, gia súc nhằm đảm bảo tuyệt đối về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo bà Trương Thị Kim Châu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, hiện lượng sản phẩm động vật tiêu thụ trên địa bàn TP khoảng 1.000 - 1.100 tấn/ngày cùng khoảng 3 - 3,5 triệu quả trứng gia cầm/ngày. Trong đó khoảng 75% - 85% lượng hàng từ các tỉnh và nhập khẩu, còn lại là nguồn địa phương. Riêng trứng gia cầm 100% đều nhập từ các tỉnh về TP tiêu thụ.
Để đảm bảo sản phẩm động vật tiêu thụ đạt chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm thì việc kiểm tra, kiểm soát từ gốc là điều cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân TP trong mùa cao điểm mua sắm tết.
Theo SGGP