Hấp dẫn kép từ dự án phát triển nhiệt điện

Thứ sáu, 13/01/2012, 15:55
Trong năm 2011, các nhà đầu tư đến từ Thái Lan cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 700 MW tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) với vốn đầu tư 850 triệu USD.


 

Ba thỏa thuận hợp tác với mục tiêu phát triển các nhà máy nhiệt điện quy mô lớn ở khu vực miền Trung và miền Nam trong nửa tháng trở lại đây cho thấy mối quan tâm của các nhà đầu tư với các dự án nhiệt điện.

Hấp dẫn từ giá điện

Ít ngày sau khi giá điện được tăng thêm 5% vào cuối năm 2011, đã có tới 3 dự án điện được ký kết hợp tác nghiên cứu phát triển. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư rất nhạy bén trước những tín hiệu thị trường của giá điện, nhất là khi theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị ngành công thương mới đây, ngành điện sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường, giá điện không được bán thấp hơn giá thành hợp lý.

Hai trong số ba thỏa thuận hợp tác phát triển dự án điện này thuộc về một nhà đầu tư nước ngoài là Tập đoàn PHI Group. Mặc dù tại địa chỉ www.phiglobal.com không có nhiều thông tin về nhà đầu tư này, thậm chí, ngay cả một số doanh nghiệp nhà nước được giao “nhiệm vụ chủ đạo” trong phát triển nguồn điện ở Việt Nam cũng không biết nhiều về tên tuổi trên, nhưng 2 dự án được PHI Group ký thỏa thuận có quy mô khá lớn.

Đó là dự án nhiệt điện quy mô 2.400 – 3.600 MW dự kiến đặt tại Hải Lăng (Quảng Trị) được hợp tác với đối tác Việt Nam là Saonam Group và Dự án nhiệt điện 2.000 MW tiếp theo được thỏa thuận hợp tác phát triển với CTCP Hoàng Ngọc sẽ đặt tại An Giang.

Thỏa thuận còn lại là của Tập đoàn Sembcorp. (Singapore), với mục tiêu nghiên cứu phát triển một dự án nhiệt điện than đặt tại Khu kinh tế Dung Quất, với quy mô 1.200 MW, bên cạnh dự định phát triển thêm một Khu công nghiệp VISP tại khu vực này. Sembcorp. được biết tới là nhà đầu tư có cổ phần trong chuỗi Khu công nghiệp VISP ở nhiều địa phương của Việt Nam hay đang nắm giữ 33,3% cổ phần ở Nhà máy Điện Phú Mỹ 3 (Bà Rịa- Vũng Tàu) có quy mô 749 MW đã hoạt động từ năm 2004.

Trước đó, trong năm 2011, các nhà đầu tư đến từ Thái Lan cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 700 MW tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) với vốn đầu tư 850 triệu USD.

Ông Đặng Hoàng An, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, sự có mặt của các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện rất được hoan nghênh, bởi đó là những tác động cần thiết để giảm áp lực về nguồn vốn đầu tư cho EVN.

Trước đó, Tổng sơ đồ điện VIII, giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 cũng nhấn mạnh và khuyến khích các dòng vốn từ xã hội vào ngành điện. Theo đó, Nhà nước sẽ tạo điều kiện tối đa để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nguồn điện không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư, khai thác và bán điện theo quy định của pháp luật về điện lực.

Như vậy, những khó khăn về giá bán điện tồn tại trong những năm qua, có vẻ như đã được tháo gỡ phần nào. Hơn thế, với xu hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào ngành điện, sự khai thông các cơ chế chính sách cũng đã tạo ra những thuận lợi không nhỏ đối với những nhà đầu  tư tâm huyết.

Ngổn ngang khó khăn

Cũng để đẩy nhanh tiến độ một số dự án điện có vốn đầu tư nước ngoài, tháng 9/2011, Chính phủ  đã ra thông báo 1604/TTg-KTN cho phép áp dụng một số nội dung liên quan về hợp đồng BOT như luật áp dụng, thuế các loại, quyền sử dụng đất kèm theo một số bảo lãnh của Chính phủ với hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện, mua bán than (nếu mua than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam), nghĩa vụ thanh toán tiền điện của EVN…

Nghĩa là, các chủ đầu tư nước ngoài chưa ký được Hợp đồng BOT nếu chấp nhận được các điều khoản này (đã được thỏa thuận tại dự án BOT khác là Mông Dương 2 và Hải Dương), thì có thể chuyển sang các điều khoản khác để rút ngắn thời gian đàm phán.

Dẫu vậy, để các thỏa thuận hợp tác phát triển nguồn điện nói trên trở thành hiện thực, nhà đầu tư vẫn còn phải vượt qua những khó khăn khác.

Một quan chức của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cho hay, các dự án nói trên chưa có mặt trong danh sách các dự án được nêu ra ở Quy hoạch điện VII, nên muốn được triển khai, trước tiên cần phải có sự chấp thuận bổ sung vào quy hoạch từ các cơ quan hữu trách.

Tuy nhiên, với suất đầu tư khoảng 1,2-1,5 tỷ USD cho 1.000 MW công suất, vấn đề nhà đầu tư chủ động cân đối được nguồn vốn mà không đòi hỏi các bảo lãnh liên quan tới ngoại tệ từ phía Chính phủ sẽ không đơn giản.


Cũng do là nhà máy nhiệt điện than nên việc chủ động nguồn than nhập khẩu ổn định cho vài chục năm hoạt động của dự án đòi hỏi những cam kết rất cụ thể từ bên bán than. Cạnh đó, cơ sở hạ tầng và cảng trung chuyển than nhập khẩu để phục vụ cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, (ước tính cần tới 1 tỷ USD như nghiên cứu của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản) cũng là số tiền không dễ huy động trong điều kiện kinh tế thế giới còn khó khăn như hiện nay.

Theo Báo đầu tư

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích