Giảm lãi suất, ngân hàng chưa sẵn sàng

Thứ sáu, 13/01/2012, 10:24
Trong cuộc đối thoại trực tuyến với người dân vào ngày 12.1, thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã cho rằng chưa có điều kiện để giảm lãi suất trong giai đoạn này.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng chưa có điều kiện để giảm lãi suất trong giai đoạn này. Ảnh: L.Q.N

 

Theo ông, dù đã điều hành với cố gắng lớn, nhưng mức lạm phát năm 2011 vẫn quá cao. Với mức lạm phát như vậy, muốn giảm ngay lãi suất là chưa phù hợp. Quan trọng hơn, điều thống đốc cân nhắc và lo ngại nằm ở nội lực ngân hàng, bởi theo ông, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang là vấn đề hết sức quan trọng và nhức nhối.

Trong mười năm qua, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng rất mạnh, trung bình 29,4%/năm, trong năm 2010 là 33%/năm. Trong đó, phần lớn nguồn vốn huy động là ngắn hạn, nhưng các tổ chức tín dụng lại sử dụng một tỷ lệ rất lớn cho vay trung và dài hạn.

Theo quy định của NHNN, tỷ lệ này chỉ ở mức 30%, nhưng trên thực tế có tổ chức lên đến 60 – 70%, có tổ chức đến cả 100%. Vì vậy, đến khi ban hành chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát, lập tức các tổ chức này khó khăn về thanh khoản.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí trước đó, thống đốc cho biết NHNN biết rất rõ ngân hàng nào đang huy động vượt trần bao nhiêu. Vì vậy, trong ba tháng đầu năm 2012, NHNN sẽ tập trung để xử lý các ngân hàng yếu kém, để không quấy đảo thị trường. Sau đó, sẽ xử lý quyết liệt hơn vấn đề thanh khoản, tạo vốn tốt hơn, từ đó mới đẩy mạnh cung tiền để vốn đi vào khu vực sản xuất.

Ước cả năm, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 10%; tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tăng ở mức thấp nhưng cơ cấu tín dụng chuyển theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, giảm cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất. Ước đến cuối năm 2011, tín dụng tăng 12%, trong đó VND tăng 10,2%, tín dụng ngoại tệ tăng 18,7%.

Thống đốc cho biết, từ cuối năm 2011 lạm phát có xu hướng giảm, nhưng nhu cầu về vốn của hệ thống ngân hàng để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống vẫn rất lớn. Vì vậy, ông nói rõ rằng, yếu tố lạm phát giảm chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ để giảm lãi suất trong hệ thống ngân hàng.

Như thống đốc từng chia sẻ trên báo chí, điều ông lo ngại nhất trong năm nay là làm thế nào để hạ lãi suất. Năm nay, NHNN sẽ phải đau đầu tìm giải pháp để từng bước hạ lãi suất, trong khi đó, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục “cân đo đong đếm” giữa nghĩa vụ và quyền lợi của mình; khi vừa bị ám ảnh bởi nỗi lo thanh khoản, vừa phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn, vừa phải song hành cùng các chính sách của NHNN.

Một số tổ chức đầu tư chuyên nghiệp đã đưa ra đánh giá bước đầu, với tin tưởng về chính sách giảm lãi suất có thể thực hiện được, lãi suất huy động sẽ về 12%/năm, cho vay 14 – 16%/năm. Hiện nay, sau năm tháng đưa lãi suất về mức trần 14%, các ngân hàng đã có đủ thời gian để trung hoà vốn lãi suất cao, thì nay họ lại đang đối mặt với một cuộc đua tranh huy động mới, mà không ít ngân hàng đã mời chào mức lãi suất 18 – 21%/năm.

Lãi suất thì luôn trong tư thế rình rập để tăng, dù thống đốc đã khẳng định, trong năm 2012 việc thanh tra, giám sát, xử lý sẽ được làm kiên quyết và chặt chẽ hơn.

Có thể thấy, quyết tâm chống lạm phát của người chịu trách nhiệm chính về chính sách tiền tệ. Quyết tâm đó được thể hiện qua thông điệp chính sách về lãi suất và luôn được đặt trong mối tương quan giữa mong muốn và khả năng thực thi.

Thừa nhận phần trách nhiệm của chính sách tiền tệ về lạm phát trong năm qua, thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nói rõ những bất cập trong hệ thống ngân hàng, huyết mạch của cơ thể kinh tế, như ví von của thống đốc. Khi có tới 80% nguồn máu – lượng vốn nuôi cơ thể là vay mượn, duy trì sự tồn tại là điều khó. Càng khó hơn, khi phải duy trì sự tồn tại trong môi trường kinh tế thế giới có nhiều bất ổn.

Thời điểm hạ lãi suất đến nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào khả năng điều trị những bất cập. Song lâu dài, các cơn sốt lãi suất hay giá có thể gây tác động không lớn, nếu cơ thể kinh tế khoẻ mạnh và có hệ thống miễn dịch tốt, luôn sẵn sàng.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn