Bạo loạn ở Nigeria do chính phủ cắt viện trợ giá xăng

Thứ năm, 12/01/2012, 06:05
SaigonNews - Thực tế nghèo khó của người dân ở một mỏ "vàng đen" đã gây nên cuộc bạo loạn ngày nay.

Người dân Nigeria đã phát động một cuộc đình công toàn quốc hôm thứ Hai. Một số cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ cắt trợ cấp nhiên liệu đã trở thành các cuộc đụng độ khiến 16 người chết và 205 người bị thương, theo thống kê của Hội chữ thập đỏ Nigeria.
 
Hai thực tế khác nhau ở Nigeria

 
 

Quốc gia này có trữ lượng dầu mỏ lên tới 36 tỷ thùng, hằng ngày xuất khẩu 2,1 triệu thùng và là nhà phân phối dầu lớn nhất của Mỹ. Lượng FDI đầu tư vào Nigeria lên tới 67 tỷ USD với mức tăng trưởng 7-8% một năm và Goldman Sachs cho rằng nước này là một trong nhóm “Next – 11” (các nền kinh tế tiềm năng trong tương lai).
 
Thế nhưng, Nigeria là một nền kinh tế bị xói mòn vì tham nhũng. Một thực tế phũ phàng là Nigeria đứng thứ 133 trong bảng xếp hạng thu nhập bình quân đầu người của IMF với phần lớn dân số (khoảng 57%) kiếm được dưới 2 USD một ngày, thật khó tin ở một đất nước giàu tài nguyên như thế. Đó là chưa kể đến thứ hạng gần “đội sổ” thứ 143 của tổ chức Minh bạch quốc tế về vấn đề tham nhũng. Người dân Nigeria đang phải chống chọi với những khó khăn về cơ sở hạ tầng và thiếu hụt năng lượng.
 
“Con giun xéo lắm cũng quằn”
 
Thật không có gì đáng bất ngờ khi người dân hoàn toàn phẫn nộ về việc chỉ qua một đêm, Tổng thống Goodluck Jonathan đã ra quyết định chấm dứt trợ cấp giá nguyên liệu cho quốc gia đông dân nhất châu Phi này. Giá xăng dầu đã tăng lên hơn 2 lần, từ 1,55 USD/ gallon lên 3,50 USD/ gallon. Nhà cầm quyền nước này hy vọng việc tăng giá xăng dầu sẽ giúp ngân sách có thêm khoảng 6,21 tỷ USD cho năm nay.
 


 

“Trong vòng 50 năm nay, quốc gia này chưa hề biết đến lợi nhuận từ dầu mỏ, nhưng tham nhũng thì đã quá rõ.”, Yinka Odumakin, một phát ngôn viên của SaveNigeria Group, một tổ chức xã hội cho biết. “Động thái tăng giá của chính phủ đẩy những người nghèo tới bờ vực không thể sống nổi.”
 
Việc tăng giá xăng dầu đang ảnh hưởng lên đời sống người dân rất lớn, nhất là người nghèo, vốn đã phải chật vật mưu sinh. Theo bà Catherine Grant, nhà kinh tế thuộc Viện Quan hệ quốc tế Nam Phi, “Kết thúc viện trợ làm khó tất cả mọi người, từ những người đi xe hơi riêng đến những người dùng phương tiện di chuyển công cộng cũng như giá hàng hóa, thức ăn…”
 
Bismarck Rewane, CEO của công ty tư vấn tài chính Financial Derivatives tại Lagos cho rằng Tổng thống Goodluck Jonathan đã có một bước đi vào vũng lầy tiến thoái lưỡng nan. “Nếu chính phủ thừa nhận sai sót và tiếp tục viện trợ, họ sẽ mất uy tín cũng như đối mặt với những yêu sách mới từ phía người dân. Thế nhưng nếu Tổng thống vẫn tiếp tục giữ ý kiến của mình, người dân sẽ không khoan nhượng.”
 
"Cuộc đình công có thể sẽ ngăn chặn việc sản xuất dầu.Sau đó tất nhiên chính phủ sẽ biết điều gì đang xảy ra", ông Remi Adepoju, 30 tuổi, một luật sư ở Lagos cho biết.
 
Chính quyền Mỹ và phương Tây hiện cũng đang lên kế hoạch bắt tay vào xử lý những vấn đề bất ổn này.


Mỹ An

Các tin cũ hơn