Kinh tế Việt Nam: Bàn tay hữu hình hay vô hình đang thắng thế?

Thứ sáu, 13/01/2012, 10:35
Trong khủng hoảng, những khiếm khuyết của thị trường đã làm cho tư duy "Nhà nước cần can thiệp mạnh vào thị trường" trở nên thắng thế.


 


Khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bất ổn vĩ mô vào đầu năm 2008, một số chuyên gia kinh tế nguyên là thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng bày tỏ lo ngại cái giá mất mát từ phương châm điều hành có thể là cực lớn.

Gánh nặng từ quy định

Nỗi lo ngại này xuất phát từ những kinh nghiệm ám ảnh gắn với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung mà Việt Nam đã cố gắng rũ bỏ khi tiến hành đổi mới cách đây gần ba thập kỷ. Cho đến gần đây, nhận định này đáng để suy nghĩ lại, khi đang có rất nhiều nỗ lực để đưa nền kinh tế ra khỏi quỹ đạo của lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô. Luật sư Trần Hữu Huỳnh của VCCI tỏ ra lo lắng: "Đang có một nghịch lý, càng chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì mức độ can thiệp của nhà nước vào thị trường càng cao".

Chuyên gia của Dự án Sáng kiến cạnh tranh (VNCI) Scott Jacobs nhận xét: "Số lượng văn bản càng ngày càng tăng. Việt Nam đang phải gánh chịu nhiều quy định tốn kém, phi thị trường". Khi đoàn doanh nghiệp Mỹ hùng hậu nhất đến Việt Nam vào đầu tháng Chín năm ngoái, họ đã gặp lãnh đạo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội để bày tỏ quan tâm về dự thảo Luật Quản lý Giá sắp được xem xét bởi lo ngại dự thảo sẽ có tác động phụ có hại khôn lường cho môi trường kinh doanh.

Sau đó một tháng, trong cuộc gặp mặt giữa Chính phủ và các nhà tài trợ tổ chức ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư về điều hành kinh tế vĩ mô, đại diện Phái đoàn Ủy ban châu Âu thậm chí hỏi thẳng: liệu Việt Nam có còn theo đuổi mô hình kinh tế thị trường hay không khi áp dụng nhiều biện pháp hành chính như vậy!?

Bàn tay của Nhà nước

Bất chấp những thực tế đó, trong nhiều trường hợp, sự can thiệp của cơ quan nhà nước vào thị trường lại nhận được sự ủng hộ của số đông. Trong số 900 người được điều tra, 68% ủng hộ sự can thiệp của Nhà  nước để bình ổn giá cả.

Chẳng hạn, khi Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đưa ra những thông điệp mạnh mẽ nhằm can thiệp thị trường xăng dầu, ông đã được sự cổ vũ nhiều chưa từng có từ phía người dân. Ông Huệ giải thích về phương châm: "Sự sụp đổ của các định chế tài chính ở Mỹ gây hệ lụy đến giờ là thất bại thảm hại của mô hình kinh tế hoàn toàn tự do. Một tổng thống nước Tây Âu còn nói, đó là sự phá sản của mô hình kinh tế tự do. Các chính phủ bây giờ phải tăng cường kiểm soát…, chứ không phải chỉ có Việt Nam là có bàn tay hữu hình lên thị trường". "Trong tình huống cấp bách, Nhà nước có quyền dùng mọi biện pháp…

Chúng ta muốn có cơ chế thị trường, phải có thị t ường cạnh tranh trước đã ", ông nói. Lời giải thích cô đọng của Bộ trưởng, xét về nhiều khía cạnh, rất phù hợp với thị trường xăng dầu, nơi các doanh nghiệp nhà nước đang thống trị, với gần 60% thị phần thuộc về Petrolimex. Câu chuyện này có thể xem là một điển hình đầy tương phản giữa nhà nước và thị trường. Song, thật đáng tiếc, nó phản ánh sự can thiệp gia tăng của nhà nước trong khi thiếu đi các hành động cần thiết nhằm thị trường hóa lĩnh vực phân phối xăng dầu.

Một câu chuyện khác liên quan đến đầu tư công trong suốt những năm gần đây vốn được tài trợ bằng chính sách tài khóa mở rộng với bội chi và thâm hụt ngân sách dai dẳng.

Thống kê sơ bộ

của Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI) kết hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy: Từ 2005 - 2008, Việt Nam đã ban hành 17.169 văn bản pháp luật, một con số lớn hơn cả số văn bản pháp luật (14.641) được ban hành trong 18 năm trước đó. Chỉ tính riêng cấp trung ương, số văn bản pháp luật tăng đột biến lên 8.520 vào năm 2009. Số lượng văn bản quy phạm tiếp tục tăng lên trong hai năm gần đây.

Nhà nước đã có mặt ở hầu hết các công trình xây dựng hạ tầng, trong khi không khuyến khích được giới đầu tư tư nhân bỏ vốn vào làm ăn. Hệ quả của đầu tư công mở rộng mà thiếu hiệu quả trong dài hạn, như nhiều chuyên gia đã tổng kết, là một trong những nguyên nhân làm nền kinh tế quanh quẩn mãi trong vòng xoáy bất ổn vĩ mô những năm qua.

Song, bất chấp những khuyến nghị về việc Nhà nước cần kiên quyết ngừng triển khai các dự án, công trình đầu tư công ít hiệu quả từ các chuyên gia hàng đầu Việt Nam - những người từng có nỗ lực đặc biệt cổ vũ cho việc tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng - tâm lý xã hội nói chung dường như vẫn muốn được bao cấp.

Một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới và VCCI tiến hành với gần 900 người nằm trong Báo cáo Phát triển Việt Nam 2012 cho thấy, có tới 68% trả lời ủng hộ sự can thiệp của Nhà nước để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, so với 29% muốn giá cả các mặt hàng này được các lực lượng thị trường quyết định.

Đáng chú ý là hầu hết những người trả lời (93%) đã tốt nghiệp đại học và sau đại học; và chủ yếu làm ở các cơ quan bộ, ngành thuộc Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan Đảng, Ủy ban Nhân dân và các sở, doanh nghiệp nhà nước, thậm trí ở các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. Trong số đó, còn có hai bí thư tỉnh ủy. Tỷ lệ cao ủng hộ sự can thiệp của Nhà nước làm ngạc nhiên không ít người.

Đại diện của WB, tổ chức luôn khuyến khích thị trường tự do, giải thích một cách vớt vát rằng: lạm phát tăng cao, giá cả đắt đỏ đã làm tổn thương nhiều người, và vì thế họ thích được Nhà nước bảo hộ.

Đang có một nghịch lý, càng chuyển sang nền kinh tế thị trường, mức độ can thiệp của nhà nước vào thị trường càng cao

Dù sao, hầu hết những người có học thức cao thích "bàn tay hữu hình" hơn "bàn tay vô hình" cơ mà! Vậy có gì đáng phải phàn nàn? Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo: "Nếu các cơ quan Nhà nước căn cứ vào tỷ lệ đó mà làm chính sách thì chết. Nó triệt tiêu mọi động lực phát triển". Việt Nam được xếp thứ 113 trong số 142 quốc gia về gánh nặng quy định, theo báo cáo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2011-2012 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố gần đây. Vì những tiêu chí như trên, năng lực cạnh tranh của Việt Nam lùi 6 bậc so với báo cáo công bố trước đó.

Vẫn trong khảo sát nói trên, một số lượng vượt trội là 87% phản hồi mong muốn có nền kinh tế thị trường. Dù vậy, báo cáo kết luận rằng, những người làm trong bộ máy chính quyền thiếu nhiệt tình về cải cách so với những người làm ở ngoài, vì thế quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam không thể kết thúc nhanh và ngắn gọn được.
 

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử

Các tin cũ hơn