ECB giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 1,0%

Thứ hai, 16/01/2012, 06:41
SaigonNews - NHTW Châu Âu (ECB) giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 1,0% là một trong những nội dung chính của điểm tin tài chính quốc tế tuần qua.


Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng chậm lại trong 12 tháng khi số lượng đơn nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng sát ngưỡng an toàn.

Theo báo cáo của Bộ thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ tăng 0,1% trong tháng 12/2011 sau khi tăng 0,4% trong tháng 11. Số liệu công bố gây thất vọng khi thị trường kỳ vọng mức tăng 0.3%. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2011, doanh số bán lẻ của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tăng tới 7,7%, cao hơn so với mức tăng 6,5% trong năm 2010, đánh dấu mức tăng trưởng mạnh nhất trong 12 năm qua.

Một báo cáo khác cho thấy số lượng đơn nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 6/1 bất ngờ tăng mạnh 24.000 đơn lên 399.000 đơn, sát mức 400.000, mức được cho là an toàn.


ECB giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 1,0% khi lãnh đạo cơ quan này có những nhận định tích cực hơn về tình hình kinh tế khu vực.

Chủ tịch ECB tuyên bố hoạt động kinh tế khu vực đang có dấu hiệu ổn định ở mức thấp theo những số liệu công bố gần đây. Theo ông Draghi, những biện pháp đang được ECB áp dụng giúp ổn định thị trường tài chính và ngăn chặn sự đổ vỡ tín dụng. Trong cuộc họp cùng ngày, NHTW Anh (BoE) cũng quyết định giữ nguyên mức lãi suất 0,5% và chương trình mua lại tài sản trị giá 275 tỷ GBP bất chấp những lo ngại về khả năng rơi vào suy thoái của nền kinh tế Anh.

Phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ Italia và Tây Ban Nha thành công vượt mong đợi, phần nào giảm bớt lo lắng về cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực.

Tây Ban Nha huy động thành công 9.98 tỷ EUR trái phiếu chính phủ 3 năm và 4 năm, gấp 2 lần so với lượng kỳ vọng là 4 tỷ EUR với mức lãi suất giảm xuống. Trong đó đó chính phủ Italia cũng bán được 12 tỷ EUR trái phiếu 1 năm với mức lãi suất 2.735%, chưa đến 1/2 so với phiên đấu thầu trước đó. Phiên đấu thầu thành công đã đưa lợi tức trái phiếu Chính phủ của hai nước này ở hầu khắp các kỳ hạn giảm mạnh.

Beige Book, báo cáo thường kỳ về kinh tế Mỹ của FED công bố phản ảnh nhận định tích cực hơn về nền kinh tế Mỹ.

FED khẳng định các lĩnh vực của nền kinh tế đang hồi phục, tuy nhiên thị trường bất động sản vẫn trì trệ. Điểm sáng hiện tại là chi tiêu tiêu dùng đang khá tích cực vào thời điểm cuối năm nhờ doanh số bán hàng tăng mạnh đợt nghỉ lễ. Những lĩnh vực khác như dịch vụ và sản xuất cũng đang hồi phục vững chắc. Mặc dù vậy, thị trường lao động yếu đã kìm hãm tăng trưởng thu nhập, yếu tố quan trọng để hỗ trợ phát triển.

Tăng trưởng kinh tế Đức chậm lại trong năm 2011.

Theo văn phòng thống kê liên bang Đức, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức năm 2011 tăng 3% sau khi tăng 3,6% trong năm 2010. Thâm hụt ngân sách Đức lên đến 1% GDP trong năm ngoái. Nhu cầu trong nước là yếu tố đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP năm 2011, đóng góp 2,1%. Tiêu dùng cá nhân tăng 1,5% trong năm, trong đó chi tiêu chính phủ tăng 1,2%, đầu tư vào nhà xưởng và máy móc tăng 8,3%. Thương mại đóng góp 0,8% vào tăng trưởng, xuất khẩu chỉ tăng 8,2%, thấp hơn so với mức tăng 13,7% trong năm trước.
 

Lạm phát tại Trung Quốc tăng trong tháng 12.

Số liệu từ cơ quan thống kê Trung Quốc cho thấy chỉ số CPI của nước này tăng 0,3% trong tháng cuối cùng của năm 2011 so với tháng 11, sau khi giảm 0,2% trong tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số CPI tăng 4,1%, mặc dù giảm so với mức 4,2% trong tháng 11 nhưng vẫn cao hơn so với dự báo của giới phân tích là sẽ giảm xuống 4%. Lạm phát chậm lại là điều kiện tiên quyết để giới chức lãnh đạo nước này áp dụng các chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại.

Thặng dư tài khoản vãng lai tháng 11 của Nhật Bản tiếp tục giảm tháng thứ 9 liên tiếp do xuất khẩu sụt giảm.

Thặng dư cán cân vãng lai của Nhật tháng 11 đứng ở mức 138,5 tỷ JPY (1,8 tỷ USD), trước khi điều chỉnh mùa vụ, giảm mạnh so với mức 562,4 tỷ JPY trong tháng trước đó. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu tiếp tục giảm do nhu cầu toàn cầu chậm lại, nhập khẩu năng lượng tăng lên trong khi đồng JPY tiếp tục tăng giá.

Tổ chức xếp hạng Fitch's Rating dự kiến sẽ công bố xếp hạng tín dụng mới cho các nước khu vực Eurozone vào cuối tháng 1.

Tiết lộ trước khi được công bố chính thức, đại diện lãnh đạo của Fitch khẳng định mức xếp hạng cao nhất AAA dành cho Đức và tuyên bố không hạ bậc xếp hạng AAA của Pháp trong năm nay. Tuy nhiên các nước đang được xem xét như Italia hay Tây Ban Nha vẫn có thể bị hạ 1 đến 2 bậc xếp hạng. Trong khi đó, tín nhiệm của Hy Lạp ở CCC, và theo Fitch, khả năng Hy Lạp rút khỏi Eurozone là hoàn toàn có thể xảy ra.

Doanh số bán lẻ Anh tháng 12 bất ngờ tăng vượt dự báo.

Số liệu từ tập đoàn bán lẻ Anh cho biết doanh số bán lẻ của Anh trong tháng cuối cùng năm 2011 tăng 2,2% so với tháng 11, trái ngược với mức giảm 1,6% trong tháng trước. Trước đó, giới phân tích dự báo chỉ số này gần như không tăng trưởng. Trong khi đó, chỉ số giá bán lẻ tăng 1,7% o với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 2% trong tháng 11 khi các cửa hàng đẩy mạnh giảm giá để hút khách.

Hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức hối thúc các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) kết thúc các cuộc đàm phán về hiệp ước mới để có thể ký kết vào ngày 1/3.

Lãnh đạo 2 nền kinh tế lớn nhất Châu Âu tái khẳng định yêu cầu các nhà đầu tư tư nhân tham gia giải cứu Hy Lạp và yêu cầu Hy Lạp sớm hoàn tất các cuộc đàm phán về việc về việc chuyển đổi nợ với các nhà đầu tư tư nhân. Đây là điều kiện tiên quyết để nước này tiếp tục nhận được cứu trợ từ EU. Ngoài ra, theo Tổng thống Sarkozy, kế hoạch riêng về thuế giao dịch tài chính tại Pháp sẽ được trình bày chi tiết vào tháng 1.


Misa.

Các tin cũ hơn