|
Ông Nguyên Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị NH Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), chia sẻ phải tới khi thực hiện sáp nhập Công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện (VPSC) bằng hệ thống hơn 10.000 điểm tiết kiệm bưu điện, trải dài khắp từ Móng Cái đến mũi Cà Mau, ông mới "ngộ" ra là huy động vốn của nhà nghèo mới giá trị.
Hiện tất cả chi nhánh, phòng giao dịch của LienVietPostBank tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định... phần lớn nguồn huy động từ nông dân, công nhân, lao động. Nguồn này ổn định, tăng trưởng mạnh, giúp NH đảm bảo được thanh khoản trong 2011 và đủ khả năng đối phó khó khăn dự báo còn khắc nghiệt hơn trong năm 2012.
Tương tự, từng là Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (NH Nhà nước), nhưng từ ngày chuyển qua điều hành NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho biết tại 2.400 chi nhánh, phòng giao dịch của NH hiện nay, những khoản tiền rất nhỏ của nông dân, chủ trang trại lại là khoản mang lại sự ổn định lớn cho hoạt động của NH, đặc biệt trong bối cảnh sóng to, gió lớn năm 2011.
Thậm chí, kể cả món tiền gửi chỉ vài trăm nghìn đồng của anh đánh giày trên phố, đôi khi lại giúp nhiều cho NH. Ông Bảo tỏ ra xúc động khi được biết trong hệ thống của Agribank có một khách hàng là anh đánh giày mở tài khoản tại chi nhánh Hà Nội, để hằng tháng đều đặn gửi những tờ tiền còn bám mùi xi về cho vợ ở quê nhà. “Những món tiền gửi nhỏ lẻ ấy luôn mang lại sự ổn định rất cao cho NH, giúp NH hoạt động có hiệu quả, an toàn và không sợ rủi ro”, ông Bảo chia sẻ.
Nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực NH, TS Nguyễn Thanh Hương, Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng, đánh giá khó khăn và rủi ro trong hoạt động NH không chỉ ở tài sản có khi cho vay mà rủi ro lớn nằm ở đối tác huy động vốn, tức bên tài sản nợ (nguồn vốn).
Bản chất trong hoạt động của NH thương mại là đi huy động các khoản tiền nhàn rỗi của dân cư, mà những khoản tiền nhỏ lẻ của người dân mới mang đúng nghĩa là tiền nhàn rỗi chứ không phải các khoản tiền lớn nhưng nhằm đầu tư, nhằm ăn lãi suất cao của doanh nghiệp (DN). Thông thường, những khoản tiền nhỏ lẻ được gửi với kỳ hạn dài ổn định hơn bất cứ khoản tiền gửi khổng lồ của DN nhưng chỉ với kỳ hạn chỉ 1 tuần, 2 tuần và nhiều nhất là 1 tháng. Chính sự huy động vốn bằng mọi giá, bằng mọi kỳ hạn ngắn nhất đã đẩy một số NH rơi vào khủng hoảng thanh khoản, và phải tiến tới sáp nhập, hợp nhất.
Khách hàng nhỏ lên ngôi
Thực tế, ngành NH cũng đã chứng kiến không ít lần rút vốn của giới “nhà giàu” khiến hệ thống bị khuynh đảo. Điển hình đợt rút vốn lên tới 70.000 tỉ đồng của DN, kho bạc, bảo hiểm vào dịp tết Nguyên đán năm ngoái, khiến nhiều NH rơi vào khó khăn thanh khoản, buộc NH Nhà nước phải bơm tiền ra để bù đắp. Vừa qua, tại khu vực miền Nam, một số nhà băng cũng gặp nhiều khó khăn khi hàng loạt DN rút tiền, đặc biệt là những khoản tiền gửi lớn lên tới cả nghìn tỉ đồng.
Chính vì vậy, trong xu thế “hướng tới nhà nghèo”, hiện nay nhiều NH đang tính tới việc phải nâng cấp dịch vụ, tăng tiện ích, tăng phần thưởng, khuyến mãi cho đối tượng bị bỏ quên nhiều năm qua. Theo đó, các khoản tiền gửi nhỏ, lẻ của khách hàng sẽ được trân trọng, được tham gia bốc thăm, tặng xe hơi, biệt thự... như các khách hàng khác.
Tại NH thương mại cổ phần Kiên Long (KienLongBank), ông Trương Quang Lương, Tổng giám đốc, tỏ ra vô cùng thấm thía sự gắn kết của NH với những nông dân, ngư dân Nam bộ, bởi họ đã và đang chiếm tới 70% tổng nguồn vốn huy động của NH, dù đó chỉ là các món tiền gửi nhỏ lẻ. “Không có nguồn nào mang lại sự an toàn và ổn định cao như vậy”, ông Lương chia sẻ.
Kể cả các “đại gia” lớn như NH Đầu tư và phát triển (BIDV) cũng đang ngày càng nhìn thấy rõ hơn mảnh đất màu mỡ từ dân cư, vì vậy, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT của BIDV, khẳng định mục tiêu hàng đầu của NH trong thời gian tới khi tái cơ cấu sẽ tập trung vào khu vực bán lẻ, tìm kiếm nguồn vốn ổn định từ dân cư, tăng cường cung cấp dịch vụ, sản phẩm mang lại nhiều tiện ích cho các đối tượng này.
Theo Thanhnien