Top các nước hút đầu tư ở châu Á: Vắng Việt Nam

Thứ tư, 18/01/2012, 10:31
Theo đánh giá của Media Tenor, dựa trên tổng hợp các ý kiến phân tích về cơ hội đầu tư tại châu Á, Việt Nam chưa lọt vào top đầu các nền kinh tế có nhiều cơ hội đầu tư tại khu vực. Ba "ông lớn" của khu vực là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ thu hút hầu hết sự chú ý của các nhà bình luận thế giới.


 

Ngày 13/1/2012, tại Hội trường Thống nhất, TP.HCM, Tập đoàn Media Tenor đã công bố Giải thưởng Quốc gia và Doanh nghiệp châu Á có uy tín tốt nhất trên truyền thông quốc tế năm 2011, cùng với Lễ công bố VNR500- 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2011. Tại lễ công bố, Giáo sư Frank Go, Trường Quản Trị Rotterdam, ĐH Erasmus, Hà Lan đã có bài tham luận về vị thế mới của châu Á và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thế giới đang trải qua 3 cuộc khủng hoảng kết nối với nhau: khủng hoảng tài chính, khủng hoảng biến đổi khí hậu và khủng hoảng dầu mỏ. Ba cuộc khủng hoảng này hòa quyện vào nhau để thành một "cơn bão hoàn hảo" phá hoại quan hệ kinh tế quốc tế, gây bất ổn chính trị, hạ thấp mức sống và tạo ra các rủi ro về danh tiếng của các quốc gia và doanh nghiệp lớn trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, châu Á đang có một vị thế mới, với những lực đẩy cấu trúc mang tính dài hạn.

Ba lực đẩy dài hạn của châu Á

Thứ nhất, về nhân chủng học, châu Á đang chứng kiến sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu vốn chỉ chiếm 23% dân số châu Á nhưng sau 18 năm, tầng lớp này đã tăng hơn gấp đôi lên 56% trong năm 2008, tăng từ 565 triệu người lên 1,9 tỷ người. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước có tầng lớp trung lưu tăng với tốc độ đáng kinh ngạc.

Theo báo cáo của ADB, tầng lớp trung lưu Trung Quốc đã lên đến hơn 800 triệu người, với tổng chi tiêu tiêu dùng hàng năm lên tới trên 18 nghìn tỷ USD. Theo sau là Ấn Độ (205 triệu người), với tổng chi tiêu tiêu dùng hàng năm là 256 tỷ USD.

Thứ hai, về tiêu dùng, phong cách tiêu dùng của châu Á đang ngày càng bị phương Tây hóa. Tầng lớp trung lưu châu Á được kỳ vọng trở thành người tiêu dùng đầy tiềm năng và đảm nhận vai trò truyền thống của tầng lớp trung lưu Mỹ và Tây Âu. Ngay từ năm 2009, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường tiêu thụ ôtô lớn nhất thế giới. Tuy vậy, tầng lớp trung lưu không chỉ dừng ở việc mua ôtô, mà còn sở hữu các thiết bị điện tử gia dụng đắt tiền, cũng như tận hưởng các kỳ nghỉ tại nước ngoài, giống như giới trung lưu tại các nước phương Tây giàu có.

Theo ADB, sức mua tại các nước đang phát triển của châu Á vẫn đang gia tăng một cách đáng ngạc nhiên, thậm chí trong suốt thời kỳ  "suy thoái lớn" của Mỹ và châu Âu trong các năm 2008 và 2009. Chi tiêu của các nước này đã đạt tới con số 4,3 nghìn tỷ USD vào năm 2008. Nếu giả định rằng chi tiêu cho tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tương tự trong các năm tới, tiêu dùng châu Á năm 2030 sẽ chiếm tới 43% giá trị tiêu dùng toàn cầu vào thời điểm đó.

Thứ ba, xu hướng đô thị hóa đang ngày càng mạnh ở châu Á. Năm 2007, lần đầu tiên trong lịch sử, đa phân dân số thế giới sống ở các thành phố, đạt 3,3 tỷ người. Tới năm 2050, cư dân thành phố dự báo sẽ chiếm 70% tổng dân số trái đất. Châu Á là lực đẩy hàng đầu cho quá trình đô thị hóa trên thế giới.

Kết hợp ba xu hướng trên, có thể thấy châu Á đang từ "công xưởng của thế giới" để trở thành "thị trường của thế giới".

Ứng phó nào cho doanh nghiệp Việt Nam?

Doanh nghiệp Việt Nam còn rất "vô hình" trên thương trường quốc tế. Tại Giải thưởng Doanh nghiệp châu Á do Media Tenor thực hiện dựa trên 189.771 bản tin trên 38 kênh truyền thông quốc tế, kết quả chung cuộc, Panasonic nhận Giải vàng, Huyndai nhận Giải bạc, và Samsung nhận Giải đồng. Trong nghiên cứu để xây dựng nên giải thưởng này của Media Tenor, không có một doanh nghiệp Việt Nam nào lọt vào danh sách 15 doanh nghiệp hàng đầu. Và khi mở rộng tới 50 doanh nghiệp hàng đầu châu Á, cũng vẫn chưa xuất hiện các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhìn về chiều hướng tương lai, về phía các cơ hội đầu tư, nền kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam cho dù đã có nhiều tiến bộ, vẫn đang đứng ở vị thế bất lợi trong khu vực. Theo đánh giá của Media Tenor, dựa trên tổng hợp các ý kiến phân tích về cơ hội đầu tư tại châu Á, Việt Nam chưa lọt vào top đầu các nền kinh tế có nhiều cơ hội đầu tư tại khu vực. Ba "ông lớn" của khu vực là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ thu hút hầu hết sự chú ý của các nhà bình luận thế giới.

Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam chưa ở một vị thế tốt để có thể tận dụng vị thế mới của châu  Á trên bản đổ kinh tế quốc tế. Thế giới không nhất định phải là phương Tây. Thế giới đang là chính các nước châu Á láng giềng của  Việt Nam.

Câu hỏi then chốt là doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng tốt đến đâu sự gia tăng của nền kinh tế và thị trường của các nước lớn trong khu vực như Trung Quốc và Ấn Độ? Đồng thời, khả năng đoàn kết và cộng tác của các doanh nghiệp lớn Việt Nam cũng là một yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp này tiến ra thị trường châu Á.

Một trong các vấn đề lớn là danh tiếng và độ nhận diện quốc gia của Việt Nam là rất thấp trong lăng kính truyền thông quốc tế. Trên nền tảng đó, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam sẽ rất khó xây dựng thương hiệu tại các thị trường thế giới và khu vực. Một lần nữa, vai trò của Nhà nước và các hiệp hội doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Việt Nam cần xây dựng một hình ảnh rõ ràng hơn và uy tín hơn trên truyền thông quốc tế.

Theo VEF

Các tin cũ hơn