Thanh lọc để có doanh nghiệp tốt

Thứ tư, 18/01/2012, 10:17
SaigonNews - TS. Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa QTKD trường ĐH Ngân hàng TPHCM đã chia sẻ với SaigonNews về các vấn đề được quan tâm hiện nay là lãi suất và vốn vay cho doanh nghiệp trong năm 2012.

 
Bài toán lạm phát, lãi suất, tỷ giá trong năm 2012 cần đuợc giải quyết như thế nào cho hài hòa? Và mối quan tâm về vốn vay của doanh nghiệp và việc các công ty phá sản hay thu hẹp sản xuất cần nhìn nhận như thế nào là đúng. TS. Lê Thẩm Dương cho biết:
 

 

Trước tiên là nói về tỷ giá, để giữ được sự ổn định cần thiết ta phải xét đến quan hệ cung cầu. Năm 2010, rủi ro từ tỷ giá biến động đã khiến bao nhiêu doanh nghiệp mất hết lãi, nhưng năm qua với chủ trương ổn định tiền tệ đã giúp các doanh nghiệp gần như không “chết” về tỷ giá. Vì thế, trong năm 2012 mục tiêu đưa ra là xuất nhập khẩu cần phải giữ được chỉ tiêu nhập siêu, chính sách đối ngoại phải nắm vững con số kiều hối 9 tỷ đô la và đồng thời thực hiện chống đô la hóa quyết liệt thì mới giữ yên được tỷ giá.

Còn lạm phát chính là giá thành của lãi suất. Các chính sách hiện nay của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều nhằm kiềm chế lạm phát và giảm lãi suất. Để giải quyết nan đề này, các biện pháp tài khóa và tiền tệ thắt chặt đã đánh vào lạm phát trước và vẫn để ở mức cao, sau đó mới hạ dần. Lạm phát giảm thì chắc chắn lãi suất sẽ giảm và quan trọng là phải chọn đúng thời điểm, nếu vội vàng sẽ không đạt được kết quả mong muốn. Năm 2011, lãi suất đã giảm xuống còn 17 – 19% là có thể vay được rồi, đồng thời tín dụng cũng được nới lỏng, nên Chính phủ sẽ có biện pháp để giải quyết bài toán hạ lãi suất trong thời gian sắp tới.

Riêng về vốn vay thì cái khó của Việt Nam chính là hiệu suất đầu tư thấp. Cả đời không đi vay nợ mà đòi phát triển chẳng khác nào nông dân. Nhưng mà vay nợ về mà không biết làm thì vay làm gì? Ví dụ như Nhật Bản, vay 200% GDP mà vẫn an toàn, nước khác vay khoảng 30% GDP là có thể ‘ngã’ rồi, còn Việt Nam là 60%, vay về làm được gì? Nhật vay 200% về có thể làm ra của liền. Đầu tư phải có mục đích, có định hướng, vì thế, sắp tới chỉ vay cho những chỗ nào làm được thôi, cụ thể ở đây là 4 lĩnh vực trong luận điểm 5 của Nghị Quyết 11.
 
Hiện nay, Chính phủ chưa chủ trương phân bổ nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vì doanh nghiệp Việt Nam đa phần là siêu nhỏ. Đã là siêu nhỏ thì phải đến các ngân hàng siêu nhỏ hay còn gọi là tổ chức tài chính vi mô và việc thành lập các đơn vị này sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới. Trong khi đó, Ngân hàng thương mại không thể cho những doanh nghiệp siêu nhỏ này vay được, đây không phải là thị phần của họ.

Doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ được vay vốn ở những tổ chức tài chính vi mô.

Bản thân doanh nghiệp nhỏ vấp phải yếu tố điều kiện vay vốn, thế chấp  không chỉ mới gần đây. Đến tháng 9/2011, có khoảng 50.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản hay vì không làm nữa, đổi tên và đầu tư ngành nghề khác, nhưng cũng trong thờì điểm này có không ít các doanh nghiệp được thành lập. Cần phải tỉnh táo để nhìn rõ những con số thống kê vì nếu thực sự 50.000 doanh nghiệp “chết” thì lấy đâu ra con số 6% GDP. Hiện nay, với hơn 600.000 doanh nghiệp thì thị trường cạnh tranh không cho phép cứu bằng mọi giá các doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả.
 
Năm nay, với chính sách và công cụ tài khóa, tiền tệ hợp lý, phân bổ dòng vốn rõ ràng kết hợp với việc sẽ tái cấu trúc thị trường chứng khoán và giữ nguyên bội chi thì thị trường sẽ không còn đói vốn nữa.
 
Thời gian qua con số các doanh nghiệp phá sản hay thu hẹp sản xuất đã dấy lên sự lo âu cho các nhà đầu tư nhưng cũng cần phải nắm rõ: Bản chất của thị trường là phải thanh lọc. Doanh nghiệp nhà nước được chia làm 4 nhóm trong tái cấu trúc hệ thống, nếu doanh nghiệp nào hoạt động không hiệu quả thì dẹp luôn công trình, loại bỏ những doanh nghiệp này luôn. Chỉ giữ lại những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và đầu tư thực sự mang lại hiệu quả mà thôi.
 
Còn doanh nghiệp ngoài quốc doanh là do thị trường quyết định, những doanh nghiệp nào không tạo ra của cải, phải thanh lọc, đó là nguyên tắc. Doanh nghiệp này phá sản, thu hẹp sản xuất đó là tốt, chứ không phải xấu.
 
Cái mà ta cần vươn đến là một thị trường chỉ còn những doanh nghiệp tốt thôi. Trên thị trường không thể có những doanh nghiệp như doanh nghiệp nhà nước: không tạo ra của cải, hiệu suất đầu tư thấp. Vậy thì lý do gì phải cứu những doanh nghiệp như thế. Và sắp tới, để thành lập một doanh nghiệp bất động sản chẳng hạn, điều kiện sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
 
Nhưng việc thanh lọc thị trường cũng cố gắng đừng để bị oan. Tức là phải minh bạch và luật pháp phải công minh, cố gắng tránh các rủi ro của chính sách. Làm được những điều đó thì đối với thị trường và các doanh nghiệp đều là quá tốt và cần phải thực hiện ngay. Điển hình như thất bại lớn nhất trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản là chính từ bản thân các doanh nghiệp: dòng vốn dài, dự đoán thị trường cao hơn thực tế. Rốt cục có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đàng hoàng phải chịu ảnh hưởng từ rủi ro khi thực hiện chính sách phanh dọc.
 
Tôi có thể chứng minh rằng nhiều doanh nghiệp không hề thiếu vốn, nhưng do không biết kinh doanh hoặc do bố trí vốn sai, nên đầu tư không mang lại hiệu quả. Vì thế, có rất nhiều khía cạnh không thể đổ lỗi cho Nhà nước và ngân hàng được.
 
Việc phá sản, thu hẹp sản xuất cần phải được nhìn nhận thật tỉnh táo, không ngày nào trên thế giới không có doanh nghiệp thành lập và đó mới gọi là thị trường.


Misa - Thanh Nga

 

Các tin cũ hơn