Một năm ‘lên voi, xuống chó’ với đầu tư

Chủ nhật, 22/01/2012, 06:56
Cùng với sự biến động khôn lường của các kênh đầu tư trong năm 2011 chính là tâm lý bất an của những người đã “mạo hiểm” dốc tiền làm giàu. Trong số đó, rất nhiều người nhanh chóng đổi đời nhờ nắm trúng “vận đỏ” nhưng cũng không ít phải chịu cảnh trắng tay chỉ trong chốc lát.


“Điên cuồng” với giá vàng

Không phải đến năm nay dư luận mới được chứng kiến sự quay cuồng chóng mặt của giá kim loại quý. Còn nhớ, thời điểm sáng ngày 11/11/2010, thị trường vàng trong nước đã có một phen nháo nhào tưởng như “vỡ chợ” vì giá bỗng nhiên tăng khủng khiếp, không thể hãm phanh được. Đây là lúc giá vàng chạm rồi vượt kỷ lục 29 triệu đồng/lượng. Các cửa hàng vàng liên tục phải hoạt động hết công suất để thay đổi giá niêm yết từng phút và đáp ứng mọi nhu cầu gom vàng của người dân. Dòng người đổ xô đi mua vàng ngày càng nhiều, bất chấp những khuyến cáo của các chuyên gia. Nhưng đến đầu giờ chiều, la liệt người phải ăn “quả đắng” khi giá kim loại quý quay lại vạch xuất phát, giảm tới xấp xỉ 2 triệu đồng/lượng trước sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước.

Cứ ngỡ rằng “cú sốc” này sẽ khiến những người có ý nghĩ “đánh đu” với thị trường vàng nhanh chóng tỉnh ngộ. Tuy nhiên, “cơn điên” vàng của không ít người vẫn tiếp tục lặp lại trong năm nay.

Nhiều người đã trải qua một năm quay cuồng cùng giá vàng.

Phải thừa nhận rằng, giá vàng trong năm 2011 đã tăng dữ dội. So với phiên giao dịch đầu tiên của năm 2011 sau kỳ nghỉ lễ (ngày 4/1), thời điểm giá vàng trong nước chỉ đang ở mức trên 36 triệu đồng/lượng thì mức giá đỉnh cao nhất trong năm và cũng là cao nhất của lịch sử 49 triệu đồng/lượng thì mỗi lượng vàng đã tăng tới 13 triệu đồng.

Trong đó, có những phiên giao dịch đã đi vào lịch sử khi giá đột nhiên tăng “dựng đứng” từng phút, lần lượt “hạ gục” từng kỷ lục giá. Chỉ trong hai ngày 8 và 9/8, giá vàng đã khiến dư luận phát hoảng vì nhảy vọt lên các mức giá cao chưa từng có là 43, 44, 45 và 46 triệu đồng/lượng. Cứ trong mỗi ngày, 2 kỷ lục giá được lập rồi nhanh chóng bị xô đổ trong ngay phiên hôm sau. Như vậy là, cứ mỗi ngày giá vàng lại tăng ít nhất 1 triệu đồng/lượng. Ngày 9/8 cũng ghi nhận con số kỷ lục là 42 lần thay đổi giá vàng chỉ từ sáng đến 12 giờ trưa, điều này cũng đủ hiểu giá vàng tăng chóng mặt như thế nào. Chưa dừng lại ở đó, giá kim loại quý thường xuyên tăng “khủng” trong tháng 8, từ thời điểm này cho đến lúc vọt lên mức giá “đỉnh” của năm nay là 49 triệu đồng/lượng vào ngày 23/8.

Sự liên tục tăng “nóng” của giá vàng khiến người dân đổ xô đi gom vàng, bất chấp giá ngày càng cao. Thời điểm này, các cửa hàng kinh doanh vàng bạc lớn, nhỏ thường xuyên trong tình trạng hết vàng vì nhu cầu người dân mua vào quá lớn. Phải thừa nhận rằng, không ít người đã “phất” lên được vì “lướt sóng” vàng thành công. Anh Khánh (ở Vĩnh Tuy, Hà Nội) khoe: “Rút kinh nghiệm năm ngoái đã chậm tay để lỡ mất thời cơ, ngay khi giá vàng có dấu hiệu chạm mốc 39 triệu đồng/lượng, tôi đã gom tiền mua vào. Thời gian đầu còn mua ít, vừa mua vừa nghe ngóng, rồi lại nhanh chóng bán ra. Nhưng sau đó, thấy giá vàng tăng liên tục, tôi quyết ôm hàng, không bán ra nữa. Thời điểm sau này, tuy giá có hạ nhiệt nhiều nhưng so với mức khởi điểm tôi mua thì vẫn lời to”. Nhiều người khác vì “canh” đúng thời điểm giá vàng tăng nhanh cũng đã “trúng mánh” lớn.

Nhưng không phải ai cũng may mắn khi “đánh đu” với vàng. Không ít lần trong năm, giá kim loại quý bỗng nhiên quay đầu lao dốc thảm hại, khiến nhiều người trở tay không kịp. Ngay trong thời điểm giá lên cao kỷ lục thì cũng có lúc lại rớt thảm. Như ngày 9/8, sau khi đã tăng chóng mặt trong buổi sáng thì giá vàng lại nhanh chóng giảm sâu trước những biện pháp “thiết quân luật” của NHNN. Những người trót ôm vào buổi sáng lại cuống cuồng quay ra bán tháo, có người ở vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi vừa đặt hàng mua, vàng vẫn chưa kịp nhận đủ nhưng giá đã “bốc hơi” rất mạnh mà không thể “cứu vãn tình thế”. Hay như từ lúc lên kỷ lục 49 triệu đồng đến cuối năm, giá vàng thường xuyên giảm, có lúc còn rớt khỏi mốc 43 triệu đồng/lượng. Như vậy, những ai trót mạo hiểm mua vào trước đó thì cũng mất “một đống tiền” mà chưa thể gỡ lại được. Thậm chí, với nhiều người đã tìm mọi cách huy động vốn để mua vàng còn lâm vào cảnh trắng tay.

Một năm ‘không thể ngẩng mặt lên’ với NĐT chứng khoán

Biến động rất mạnh song chủ yếu theo xu hướng “cắm đầu đi xuống” đã dồn không ít dân chơi chứng khoán vào cảnh trắng tay, thường xuyên chán nản, phải bán tháo cổ phiếu để cắt lỗ.
 
Tuy đã có những phiên giao dịch khá suôn sẻ thời điểm đầu năm, thậm chí vẫn có những phiên giao dịch tăng “khủng” như thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 nhưng càng về cuối năm, thị trường chứng khoán càng ảm đạm với những chuỗi ngày rớt giá kéo dài. Có nhiều thời điểm thị trường giảm trọn cả tuần. Lần lượt chỉ số HNX – Index xuống mức thấp kỷ lục trong lịch sử còn Vn – Index thì liên tục phá “đáy”, xuống mức thấp nhất nhiều năm qua.

Thị trường chứng khoán luôn "rực lửa".

Tình trạng này trái ngược hoàn toàn với thời kỳ huy hoàng vài năm trước. Đơn cử như thời kỳ phát triển quá nóng vào năm 2007. Khi đó, giá trị giao dịch bình quân đạt tới 1.086 tỷ đồng/phiên là chuyện bình thường. Nhưng từ năm 2009, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính khiến thị trường chứng khoán Việt Nam tụt giảm mạnh. Đến năm 2011, giá trị giao dịch giảm xuống rất thấp. Có thời điểm ghi nhận giá trị giao dịch chỉ đạt 600 tỷ đồng/phiên. Theo con số từ UBCK thì chỉ số giá chứng khoán cuối năm 2011 giảm 24% so với năm 2010.

Chứng khoán giảm quá mạnh trong năm khiến “túi tiền” của giới đầu tư cũng bốc hơi nhanh chóng. Thậm chí, theo thống kê của VnExpress thì trải qua một năm nhiều sóng gió, tài sản của những tỷ phú trên sàn chứng khoán cũng sụt giảm rất mạnh. Theo số liệu ước tính đến cuối tháng 12/2011, tổng tài sản của 100 người giàu nhất sàn chứng khoán đạt trên 55.000 tỷ đồng. Tuy vẫn tương đương đương trên 10% vốn hóa của 2 sàn niêm yết nhưng so với con số 90.000 tỷ đồng của năm 2010, mức sụt lên tới gần 40%.

Nếu như năm 2010, toàn sàn chứng khoán có hơn 450 triệu phú đôla thì con số của năm nay chỉ còn lại khoảng hơn một nửa. Số cá nhân có tài sản trên 1.000 tỷ đồng cũng giảm khá mạnh.

Còn với những nhà đầu tư nhỏ hơn thì càng về cuối năm họ... bỏ chạy càng nhiều. Phần lớn đều tỏ tâm trạng chán nản, không còn kỳ vọng nhiều vào sự hồi phục của thị trường nữa. Nhiều người trước kia đã từng “phất” lên nhờ chứng khoán thì nay phải bán tháo cổ phiếu dù chấp nhận lỗ nặng.

Bất động sản “ốm đau kiệt quệ”

Năm 2011, thị trường bất động sản tiếp tục “đau ốm” triền miên và phải cần đến sự giải cứu. Hầu hết mọi phân khúc trên thị trường đều ế ẩm, thậm chí không loại trừ nhà xã hội dành cho người có thu nhập thấp. Chủ trương xây nhà ở xã hội, trong đó có nhà cho người thu nhập thấp được Chính phủ đưa ra từ năm 2008. Là chính sách đúng đắn, lại có ưu đãi, hỗ trợ nên việc hàng trăm, hàng nghìn người dân quan tâm, kỳ vọng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, thay vì xếp hàng rồng rắn đăng ký mua nhà như hồi đầu năm 2010, hàng loạt dự án nhà thu nhập thấp tại Hà Nội được chào bán trong thời gian qua như Đặng Xá, Kiến Hưng, Đại Mỗ... đã lâm cảnh ế ẩm, đơn giản chỉ vì giá bán vượt quá khả năng của một người “thu nhập thấp”.

Nhiều lô đất nền biệt thự hoặc biệt thự xây thô giảm giá nhiều tỷ đồng so với thời kỳ đỉnh điểm. Ảnh minh họa.

Một hiện tượng “lạ” đã diễn ra trên thị trường bất động sản năm nay đó là hàng loạt biệt thự, nhà tiền tỷ vừa lên giá vù vù trước đó bỗng nhanh chóng quay đầu “xẹp lép” với những mức giảm ‘khủng khiếp’.

Có mức giảm giá sốc nhất tại Hà Nội phải kể đến dự án Vân Canh của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD). Đất liền kề tại dự án này thời đỉnh điểm từng được giao dịch phổ biến ở mức 54 - 60 triệu đồng/m2, tăng hơn 20 triệu so với mức giá gốc bán ra của chủ dự án (đã bao gồm cả nhà xây thô). Nhưng khi tụt dốc, giá đất liền kề tại đây chỉ còn trên dưới 40 triệu đồng/m2, thậm chí rớt xuống 38 triệu đồng trong tháng 7. Như vậy tính ra, một lô đất nền biệt thự liền kề tại dự án này đã rớt vài tỷ đồng so với thời kỳ đỉnh điểm.

Hàng loạt dự án “vàng” khác cũng trong thảm cảnh tương tự khiến nhiều người trót ôm đất bỗng chốc trở tay không kịp.

Năm 2011, lần thứ 2 sau năm 2009, trong năm nay, Bộ Xây dựng một lần nữa lên tiếng nhằm gỡ khó cho các “đứa con cưng” của mình. Bộ này đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước có chính sách tín dụng linh hoạt và phân định rạch ròi các khoản vay đối với lĩnh vực bất động sản. Đến giữa tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước quyết định loại 4 nhóm tín dụng bất động sản như vay mua nhà, sửa nhà, xây nhà cho công nhân, thu nhập thấp... ra khỏi “rổ” tín dụng phi sản xuất.

Thế nhưng, khi mà thị trường đã lâm cảnh quá khó khăn, các nhà đầu tư gần như kiệt quệ vì đói vốn cũng như lỗ nặng thì động thái của Ngân hàng Nhà nước dường như chỉ là một “liều thuốc tinh thần”, không đủ lực vực lại thị trường trong những tháng cuối năm.

 

Theo BaoDatviet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn