"Lạm phát, phong bao lì xì gấp đôi năm ngoái"

Thứ tư, 25/01/2012, 05:40
Dẫn lời một tài xế taxi: “Nếu hàng xóm của bạn mua cây cảnh, bánh kẹo và quần áo cho bọn trẻ thì bạn cũng phải làm như vậy”, hãng tin Bloomberg cho rằng, bất chấp lạm phát cao, sức tiêu thụ của người Việt Nam trong dịp Tết vẫn không hề giảm.

 
Nếu năm ngoái chỉ 20.000 đồng cho một phong bao lì xì
thì Tết này đã là 50.000 đồng (ảnh minh họa).
 
Trong một bài báo phát hành vào đầu năm mới Âm lịch, hãng tin Bloomberg (Mỹ) đã tiến hành cuộc khảo sát tới hoạt động chi tiêu, sắm tết của người dân Việt Nam – một trong những quốc gia có tốc độ lạm phát cao nhất châu Á.
 
Nhóm phóng viên đã tới một cửa hàng tạp hóa nằm giữa khu Phố Cổ - Hà Nội và tiếp cận một khách hàng, là nhân viên văn phòng năm nay 25 tuổi. Cô cho biết, kế hoạch chuẩn bị Tết năm nay của cô vào khoảng 100 USD (hơn 2 triệu đồng), cao hơn năm ngoái.
 
“Bạn không thể nào chi tiêu trong dịp Tết ít hơn so với năm trước đó. Thực sự tôi thấy không nhất thiết phải cắt giảm ngay lập tức các khoản chi cả khi mọi thứ đều đắt đỏ hơn”, cô nói.
 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng cao hơn 17% trong tháng 1, là mức lạm phát cao nhất trong số 17 nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (dù thấp kỷ lục trong vòng 10 năm của các tháng cận Tết).
 
Hoạt động mua sắm quần áo mới, hoa quả và đồ trang trí nhiều khả năng tạo áp lực lớn và phá vỡ nỗ lực kiềm chế CPI của Chính phủ trong năm nay. Lạm phát cao cũng chính là nguyên nhân gây ra sự suy giảm lớn nhất của tiền đồng kể từ năm 2008 và khiến khoảng 1/10 số doanh nghiệp buộc phải đóng cửa hồi năm ngoái.
 
Bloomberg dẫn lời Thống đốc Nguyễn Văn Bình hôm 11/1 cho thấy hy vọng của người đứng đầu NHNN rằng, việc thắt chặt chi tiêu hơn trong dịp Tết sẽ góp phần kiềm chế lạm phát: “Chúng ta hướng đến thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Mọi người không nên quá hào phóng cho một cái Tết xa hoa.  Tôi mong muốn được nhìn thấy nhân dân kiểm soát chi tiêu tốt nhất trong phạm vi có thể”.
 
Tuy nhiên, điều đó lại không xảy ra trên thực tế. Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, doanh số bán lẻ tại Hà Nội trong kỳ nghỉ Tết dự báo tăng 22% tương đương khoảng 1,4 tỷ USD, ngang với 1% GDP cả nước năm vừa rồi. Trước đó, Chính phủ cũng dự kiến, cầu hàng hóa và di chuyển sẽ tăng 10% so năm ngoái.
 
“Sức mạnh văn hóa quá lớn”
 
Thông tin từ công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn cho biết, nhà sản xuất lớn nhất nước này sản lượng trong tháng 1 năm nay sẽ vào khoảng 120 triệu lít bia, cao hơn 20% so dịp Tết năm Tân Mão.
 
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, phát ngôn viên của Tập đoàn Kinh Đô cũng tiết lộ, nhu cầu đối với mặt hàng bánh kẹo năm nay ước tăng 15% và giá bán đối với hàng hóa này  tăng khoảng 10% trong dịp Tết năm nay.
 
Ông Phan Văn Thiện, Phó TGĐ Bibica cũng cho hay, công ty này cũng đã đạt được 30% mục tiêu tăng trưởng doanh số bán trong kỳ nghỉ một tuần trước Tết.
 
 

 
Theo truyền thống tại Việt Nam và các nước phương Đông,
dịp Tết là khoảng thời gian người dân chi tiêu mạnh mẽ nhất
.
 
Như mọi người dân khác, anh Trần Đình Long, một tài xế taxi cho biết, dù tiết kiệm hơn nhưng anh và vợ sẽ vẫn phải mua thêm trà xanh, hoa quả, bánh kẹo…để đón tiếp khách khứa. “Đó là truyền thống lâu đời của chúng tôi. Nếu hàng xóm của bạn mua cây cảnh, bánh kẹo và quần áo cho bọn trẻ thì bạn cũng phải làm như vậy”.
 
Anh cũng tâm sự, lạm phát thể hiện dường như rõ ràng hơn trên những chiếc phong bao lì xì màu đỏ dành cho người thân và bạn bè nhân dịp năm mới. Nếu năm ngoái chỉ 20.000 đồng cho một phong bao thì Tết này đã là 50.000 đồng.
 
Ông Craig Jackson, TGĐ Al Fresco, tập đoàn hiện sở hữu chuỗi nhà hàng gồm 33 cửa hàng trên toàn quốc cũng đưa ra nhận xét, “Chúng tôi không thấy người dân chi tiêu ít hơn mà ngược lại họ đang tiêu tiền mạnh tay hơn”. 
 
Bloomberg dẫn lời bà Hoàng Hương Giang, chuyên gia phân tích thuộc CTCP Chứng khoán Bản Việt cho biết, “Kỳ nghỉ Tết rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của các công ty thực phẩm và nước giải khát, đóng góp vào lợi nhuận cả năm của họ tới 30-40%”.
 
Hãng tin đưa ra nhận xét, khung cảnh bắn pháp hoa và tiệc tùng trong dịp Tết năm nay tương phản rõ rệt với sự u ám của nền kinh tế trong 2 năm vừa qua.
 
Theo phân tích của Darin Williams, GĐ quản lý công ty nghiên cứu Nielsen Việt Nam thì Tết là khoảng thời gian mà hầu hết người dân đều thấy cần phải chi tiêu. “Sức mạnh văn hóa rất lớn. Đó như là một nghĩa vụ vậy”, ông nói.
 
Năm Nhâm Thìn với biểu tượng con Rồng trong quan niệm của người phương Đông là một năm đầy sinh khí và những đứa trẻ sinh vào năm này sẽ rất thông minh, xinh xắn và gặt hái được giàu có, thành công.
 
Trên cơ sở đó, Bản Việt đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư nên xem xét tới cổ phiếu của các công ty trên và của cả CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – VNM) hay công ty sản xuất đồ chơi trẻ em như CTCP chế biến gỗ Đức Thành (GDT).
Theo Dantri

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn