Hy Lạp – con nợ đang ép chủ nợ

Thứ tư, 25/01/2012, 12:43
SaigonNews - Ngày thứ ba vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp tự tin cho biết ông vẫn rất hy vọng vào một thỏa thuận hoán đổi trái phiếu với các chủ nợ, bất chấp việc những chủ nợ này đang rất bất bình.

Athens đang cố gắng thuyết phục các chủ nợ cá nhân như ngân hàng và các quỹ đầu tư thực hiện một động tác “hoán đổi” trái phiếu chính phủ Hy Lạp với mệnh giá mới bằng một nửa mệnh giá cũ, đó là chưa kể đến thời hạn trả nợ sẽ kéo dài từ 20 đến 30 năm. Điều này tất nhiên sẽ giúp Hy Lạp giảm được một nửa núi nợ khổng lồ của mình (khoảng 100 tỷ euro, tương đương 130 tỷ USD). Được biết nếu các khoản nợ này được giảm thì tỷ lệ nợ trên GDP của Hy Lạp sẽ giảm từ 160% xuống còn 120%.
 
Sau những cuộc đàm phán đến tận khuya, các bộ trưởng Tài chính khu vực giữ vững quan điểm cơ cấu lại nợ của Hy Lạp và lãi suất trần cho các trái phiếu mới sẽ là “không hơn 4%”, theo lời ông Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Luxembourg chủ trì cuộc họp. Ông này còn cho biết thêm lãi suất này sẽ giảm xuống 3,5% vào năm 2020.
 
Lãi suất này thực sự rất thấp so với yêu cầu của Viện nghiên cứu Tài chính Quốc tế IIF, đại diện cho những người nắm trái phiếu chính phủ. IIF cũng nhấn mạnh lãi suất này tồn tại vì IMF và khu vực đồng euro không sẵn sàng gia tăng các khoản viện trợ đã cam kết khoảng 130 tỷ euro, mặc cho nền kinh tế Hy Lạp đang ngày càng xấu đi. Hy Lạp đang trở thành một chiếc hố không đáy, IMF đã liên tục đổ tiền sau gói cứu trợ 110 tỷ vào tháng 5/2010 và lúc nào những gói cứu trợ cũng trở nên thất bại.
 
Chủ nợ cuống cuồng lo lắng
 
Vì những điều kiện “ép uổng” như thế, đã một tuần trôi qua nhưng chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ vẫn chưa có được một tiếng nói chung về lãi suất của các trái phiếu mới được hoán đổi. Lãi suất cao có thể làm giảm thiệt hại cho các nhà đầu tư, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi khu vực đồng euro và IMF những món tiền hỗ trợ lớn hơn cho Hy Lạp.
 
Bởi thế nếu cứ khư khư giữ vững mức trần lãi suất 4%, sẽ rất khó khăn cho các trái chủ tự nguyện chịu lỗ. Chuyên gia kinh tế Charles Dallara, thuộc IIF nhấn mạnh rằng các chủ nợ phải là người cho ra các điều kiện hoán đổi thì mới hợp lý.
 
Theo chuyên gia nợ công Rodrigo Olivares-Caminal thuộc Đại học London, “Nếu những động thái này không kêu gọi được sự tự nguyện từ các trái chủ, sẽ có rất nhiều vụ kiện tụng theo sau.”
 
Quỹ đầu tư Vega có trụ sở tại Madrid, từng đe dọa rằng họ sẽ nhờ sự can thiệp pháp lý với chính phủ Athens trong cuộc đám phán cuối năm ngoái cho biết, họ thực sự thất vọng về những khoản lỗ dự tính do hoán đổi trái phiếu.
 
Theo nguồn tin của Reuters, các quỹ đầu tư đang tích cực liên hệ với luật sư để đảm bảo an toàn cho tài sản của mình và sẽ có những biện pháp thích đáng nếu thiệt hại quá nặng nề.
 
Con nợ “bình chân như vại”
 
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos vẫn cứ tin tưởng rằng hai bên sẽ có thể đạt được những đồng thuận về vấn đề này. “Chúng tôi đã được Eurogroup bật đèn xanh cách đối phó với các chủ nợ tư nhân trong một vài ngày nữa.” Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jan Kees de Jager cho biết thỏa thuận này kêu gọi một sự tự nguyện từ chủ nợ và khu vực đồng euro chỉ mong mỏi Hy Lạp sẽ có một mức nợ ổn định để chuẩn bị cho một cuộc cứu hộ mới.
 
Không biết là thật hay không? Bởi lẽ đánh đổi cho việc Hy Lạp kê cao gối ngủ trên núi nợ giảm còn một nửa sẽ là thiệt hại khổng lồ cho các chủ nợ của họ, điều mà khu vực đồng euro không hề muốn. Các quan chức đang lo ngại sự hoảng loạn sẽ gia tăng trên thị trường tài chính và thậm chí làm tổn thương đến các nước lớn hơn như Ý, Tây Ban Nha thậm chí cả Pháp.
 
Trong khi đó, theo số liệu thống kê vừa được công bố đầu năm nay, thâm hụt tài chính của Hy Lạp năm 2011 tiếp tục cao hơn năm 2010 cho dù những biện pháp thắt lưng buộc bụng đã được kích hoạt.
 
Con số này vào khoảng 21,72 tỷ euro, cao hơn năm 2010 khoảng 270 triệu euro. Thu nhập quốc gia thấp hơn dự đoán khoảng 910 triệu euro, mặc dù số tiền cắt giảm chi tiêu công đã bù được 896 triệu euro. Và nếu các khoản nợ đến hạn khoảng 14,5 tỷ euro không được xử lý vào cuối tháng 3 sắp tới, có thể Hy Lạp sẽ hiển nhiên rơi vào vỡ nợ.
 
KP (Theo AP, Reuters)

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn