Alan Phan dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2012

Thứ tư, 25/01/2012, 11:56
Theo TS Alan Phan, sự kiện nổi bật nhất của kinh tế Việt Nam trong năm qua đó chính là nợ xấu ngân hàng và Chính phủ tuyên bố không để ngân hàng nào phá sản.

TS. Alan Phan, chuyên gia nghiên cứu kinh tế có uy tín, đã xuất bản 7 cuốn sách bằng tiếng Anh và tiếng Việt về tài chính của các quốc gia mới nổi. Nhân dịp Xuân Nhâm Thìn, Alan Phan bày tỏ suy nghĩ của mình về tình hình kinh tế Việt Nam.

Ngày 9/11/2011, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 với nhiều chỉ tiêu quan trọng như GDP đạt 6 - 6,5%; CPI tăng dưới 10%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%, nhập siêu khoảng 11 - 12% tổng kim ngạch xuất khẩu, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội khoảng 33,5%. Nhưng theo tôi, những con số không nhiều ý nghĩa, quan trọng nhất là phải biết điểm yếu của nền kinh tế để hạn chế và điểm mạnh để phát huy.

Hãy để thị trường quyết định

Nền kinh tế Việt Nam năm qua suy giảm chính là do hậu quả của một số chính sách những năm trước, nhất là thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Lúc đó, để cứu các doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản, chính quyền tung tiền hỗ trợ lãi suất. Đây là chính sách không thông minh lắm. Vì, năm qua lạm phát cao là do lượng tiền bị tung ra nhiều; các doanh nghiệp yếu được cứu sống làm gánh nặng cho nền kinh tế, gánh nặng cho các doanh nghiệp mạnh. Ngoài ra, năm qua chúng ta bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu rơi vào vòng xoáy tồi tệ. Người dân các nước giàu trong khối này không muốn chính phủ bỏ tiền thuế của mình ra cứu các nước đang khó khăn. Một vài nước thuộc khối này chắc chắn sẽ tách khỏi liên minh. Ngay cả Trung Quốc cũng đang đối diện với vô vàn khó khăn.

Trong bối cảnh đó kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng vì thị trường xuất khẩu của chúng ta chủ yếu là châu Âu, châu Phi và thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc. Trước đây, chúng ta phát triển bằng cách tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có nhưng nay đã một phần cạn kiện, không còn là lợi thế cạnh tranh. Những trái ngon thấp thì chúng ta đã ăn hết rồi, còn những trái trên cao khó hái hơn.

Nếu doanh nghiệp và chính phủ biết nắm bắt cơ hội thì những năm tới Việt Nam sẽ phát triển bền vững.

Điểm yếu của nền kinh tế trong những năm qua thấy rõ nhất là ở hệ thống ngân hàng và bất động sản. Nếu áp dụng tiêu chuẩn thế giới vào Việt Nam thì đa số ngân hàng chúng ta không đạt chuẩn. Giá bất động sản thì quá cao, cao hơn ở Mỹ, đó là thực tế không thể chấp nhận. Thu nhập của người dân Mỹ hơn Việt Nam đến 40 lần nhưng giá nhà đất của họ rẻ hơn chúng ta đến hơn phân nửa. Điều này phải được điều chỉnh. Khi điều chỉnh thì có doanh nghiệp trắng tay, nhưng phải chấp nhận. Ví dụ như bị bệnh thì phải biết nguyên nhân để điều trị tận gốc, chứ uống vài viên thuốc thì chỉ giảm đau nhất thời. Hãy để cho thị trường quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Những chính sách của chính phủ ban ra chỉ là điều chỉnh và làm trọng tài. Chúng ta đã tham gia sân chơi thế giới, mua của thế giới và bán cho thế giới thì thị trường quyết định tất cả.

Trong cái rủi, có cái may

Từ những điểm yếu đó mà Việt Nam xuất hiện những điểm sáng sau đây: Thứ nhất, khi tôi về Việt Nam năm 2006 thì nhận thấy các doanh nhân rất hưng phấn, hưng phấn quá thì dẫn đến ngạo mạn, xem ta là nhất. Sở dĩ như thế vì họ kiếm tiền quá dễ, đụng vào chứng khoán thì giàu, đụng vào bất động sản thì càng giàu to. Do đó họ không cần suy nghĩ, không cần đầu tư vào máy móc, công nghệ và con người. Những năm qua, kinh tế khó khăn nên họ đã thay đổi cách kinh doanh, họ biết đầu tư giá trị, đầu tư vào con người.

Thứ hai, trước đây doanh nhân làm ăn dựa trên mối quan hệ, từ đó sinh ra tham nhũng, nhũng nhiễu. Nhưng khi họ làm ăn khó khăn thì không thể chi phong bì vô tội vạ. Do đó tham nhũng sẽ ít đi, môi trường trong sạch hơn, chính sách thông thoáng hơn, quan hệ giữa doanh nhân và chính quyền đẹp hơn.

Thứ ba, bội chi ngân sách sẽ giảm, thu chi ngân sách lành mạnh.

Thứ tư, giá bất động sản giảm từ 30 - 50%. Đây là cơ hội cho tầng lớp trung lưu có nhà cửa. Tầng lớp này phát triển bền vững và ổn định hơn.

Thứ năm, người dân không còn vung tay quá trán. Họ bớt tiêu xài, hạn chế mua xe xịn, đồ xa xỉ…

Tất cả điều này tạo nên sinh khí mới. Nếu doanh nghiệp và chính phủ biết nắm bắt những cơ hội này thì những năm tới Việt Nam sẽ phát triển bền vững. Khủng hoảng cũng giống cơn bão mạnh quét sạch những bụi bặm để ngày mai tươi sáng hơn.

Đầu tư hai ngành lớn

Về phương hướng phát triển, theo tôi chúng ta nên tập trung vào nền nông nghiệp và công nghệ thông tin. Hiện nay, mục tiêu của chính phủ là đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp

Nhưng theo tôi, nên đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp là hướng đi chính vì Việt Nam có quá nhiều lợi thế ở ngành nghề này. Chúng ta có vùng nông nghiệp rộng lớn, người dân ở đó không nghèo vì nhờ đồng ruộng. Nếu lấy đất của họ để làm các khu công nghiệp thì nông dân trở thành người thành thị nửa vời, họ sẽ vào các nhà máy làm thêm, nghề nghiệp không ổn định. Từ chỗ là những người có cuộc sống ổn định, họ trở nên bấp bênh trên chính quê hương của mình. Tôi thường lấy thí dụ về xứ Israel năm 1948 khi vừa lập quốc. Một triệu người dân cô đơn trên vùng sa mạc khô cằn đối diện với một thế lực thù địch của hơn 100 triệu người Ả Rạp. Chính quyền ưu tiên cho chương trình hiện đại hóa nông nghiệp để bảo đảm nhu cầu thực phẩm trong chiến tranh. Các nhà khoa học, chuyên gia đổ công sức vào nghiên cứu công nghệ và quy trình phát triển để hữu hiệu hóa mọi giai đoạn sản xuất. Kết quả là sau 10 năm, Israel đã trở thành một quốc gia xuất khẩu nông sản cho thị trường Âu châu và cả cho vùng đất mầu mỡ Phi châu.

Không lý do gì bài học Israel lại không thể ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam, nơi 67% dân số vẫn mưu sinh bằng nông nghiệp, nơi môi trường thiên nhiên khá phù hợp và người dân đã có kinh nghiệm ngàn năm về canh tác. Những tiến bộ trong 15 năm qua đã đem về cho Việt Nam các thành quả lớn về nông nghiệp như số lượng gạo, cà phê, cao su, hải sản xuất khẩu luôn là “top ten” của thế giới. Người nông dân đã đạt các đỉnh cao này với sự trợ giúp của chính phủ.

Thứ hai là ngành công nghệ thông tin. Ngành này không cần đầu tư lớn vì nó không cần cảng biển, không cần xa lộ, không cần đường sắt cao tốc, nó chỉ cần có băng thông rộng và tư duy sáng tạo của người trẻ. Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực như 60% dân số trẻ, hiếu học, sáng tao. Một lợi thế rất lớn nữa là chúng ta có 3 triệu kiều bào trên thế giới sẵn sang đưa ngành công nghệ thông tin của Việt Nam vươn xa.

Nhưng một điều quan trọng để kinh tế phát triển bền vững đó là Chính phủ nên là người đặt ra luật chơi và giám sát luật chơi đó để không ai vi phạm. Cũng giống như một trận bóng đá, chính phủ là trọng tài. Đừng nên quyết định người này thắng, kẻ khác thua, vì như thế không ai chơi và không ai xem. Điều này có nghĩa là tạo môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp cạnh tranh, không ưu tiên đối tượng nào.

Theo TS Alan Phan, sự kiện nổi bật nhất của kinh tế Việt Nam trong năm qua đó chính là nợ xấu ngân hàng và Chính phủ tuyên bố không để ngân hàng nào phá sản. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển trong tương lai. Còn vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới là khối EU lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công.

TS Alan Phan là Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại HongKong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu USD. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999 và năm 2006 thì về Việt Nam. Ông tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Australia).
 

Theo Báo Đất Việt

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn