Ngày 27/1, Bộ Tài chính đã có báo cáo nhanh số 04/BC-BTC tổng hợp tình hình giá cả thị trường và kết quả thực hiện các biện pháp bình ổn giá dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Đây là báo cáo tiếp theo báo cáo nhanh số 03/BC-BTC ngày 24/1 (tức mùng 2 Tết Nhâm Thìn).
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo đó, sau khi nghỉ Tết ngày mồng một (ngày 23/1 dương lịch), ngày mồng hai Tết, một số siêu thị lớn có hệ thống trong cả nước đã mở cửa khai trương bán hàng trong buổi sáng như: Co.opMart, VinatexMart, Lote Mart, Vissan,…; hệ thống chợ sân sinh ở nhiều nơi cũng đã bắt đầu bán hàng. Từ ngày mồng 3 Tết trở đi hệ thống các cửa hàng thương mại, các chợ dân sinh đã mở cửa bán hàng nhiều hơn. Bộ Tài chính cũng cho biết, đặc điểm của thị trường những ngày sau Tết là lượng hàng hóa vẫn nhiều nhưng khối lượng người mua chưa đông, sức mua vẫn thấp. Hàng hóa được mua, bán chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như: thủy sản, thịt gia súc, thịt gia cầm, rau củ quả. Về giá cả cơ bản vẫn giữ bình ổn giá như những ngày trước Tết, cụ thể: Hệ thống các siêu thị vẫn giữ giá ổn định như những ngày trước Tết đối với nhiều loại hàng hóa như: thịt lợn, thịt gà, rau củ quả, bia và nước giải khát, thậm chí có loại như thịt lợn ở một số siêu thị còn giảm giá 10.000 đồng/kg so với trước Tết; đồng thời các siêu thị vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình khuyến mại giảm giá kéo dài từ trong Tết đến sau Tết.
Trên thị trường tự do và hệ thống chợ dân sinh, đáng chú ý là chỉ có hàng ăn vào ngày mồng một, mồng hai và mồng ba ở thành phố Hà Nội có mức tăng giá khá cao: phở, bún giao động từ 50.000-70.000 đồng/bát tăng gấp 2-3 lần ngày thường, ở một số tỉnh phía Bắc tăng khoảng 50%, ở một số tỉnh phía Nam tăng khoảng 20%... Các loại hàng hóa khác khi các chợ bắt đầu bán hàng từ ngày mồng 2, mồng 3 có tăng nhẹ: Ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, rau củ quả tăng từ 3% - 5% so với ngày giáp Tết, thực phẩm khô, nước giải khát… giá vẫn ổn định như trước Tết. Ở thành phố Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, giá ổn định như trước Tết, chỉ có giá rau xanh tăng từ 5% - 10% (tùy loại)… Đến ngày mồng 4 và ngày mồng 5 tết, giá đã bắt đầu có xu hướng giảm trên thị trường cả nước, tuy nhiên chưa trở lại mức giá của những ngày bình thường.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính thì giá thị trường có tăng, nhưng mức tăng nhẹ là do lượng hàng hoá dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tăng cao trong dịp tết, sức mua của thị trường tăng thấp, người dân chi tiêu tiết kiệm hơn năm trước. Giá một số đầu vào cơ bản của sản xuất và đời sống được giữ ổn định. Các Bộ, ngành, các địa phương và doanh nghiệp đã thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp bình ổn thị trường.
Bộ Tài chính cũng cho biết: Để có thể bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, thì hầu hết các Bộ, các ngành, các địa phương đã cùng các doanh nghiệp xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết đầy đủ, đáp ứng nhu cầu; Có những doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng tăng khá cao so với Tết năm trước như: Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam cung ứng thịt gà tăng 66%, trứng gà: 66%, thịt lợn: 40%; Công ty cổ phần Rượu-bia-nước giải khát Sài Gòn cung ứng lượng bia tăng 30% so với tháng bình thường; Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá tại thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị nguồn hàng tăng gấp 2 lần kế hoạch thành phố giao, chiếm 30% - 40% nhu cầu thị trường (gạo nếp chuẩn bị so với kế hoạch được giao đạt 142%, đường: 168%, dầu ăn: 245%, thịt gia súc: 136%, thịt gia cầm: 249%, rau củ quả: 229%, thuỷ sản đông lạnh: 170%...); Các doanh nghiệp ở An Giang chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết với doanh số tăng 25% so với Tết năm trước…
Đối với công tác quản lý, điều hành giá, Bộ Tài chính đã thực hiện các biện pháp giữ ổn định giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với sản xuất và đời sống như: giá bán điện, giá bán than cho tất cả các hộ tiêu thụ than trong nền kinh tế, giá cước bưu chính; giảm giá cước dịch vụ viễn thông… Tạm thời giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước còn kiểm soát giá trực tiếp.
Trong điều kiện giá xăng dầu thế giới tăng cao, tiếp tục giữ thuế suất thuế nhập khẩu ở mức thấp (0%-5%) và sử dụng quỹ bình ổn giá đối với xăng: 1.400 đồng/lít, dầu điedel: 1.240 đồng/lít, dầu hỏa: 780 đồng/lít, dầu madut: 1.610 đồng/kg để giữ ổn định giá bán lẻ mặt hàng xăng, dầu trong nước.
Thực hiện các biện pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, lưu thông giảm áp lực tăng giá đầu ra, góp phần bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, thực hiện các chương trình khuyến mại giảm giá như: Triển khai tích cực việc thực hiện đúng chính sách miễn, giảm, giãn thuế đối với các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được thụ hưởng đến hết năm 2011 và năm 2012 theo Nghị quyết số 08/2011/QH của Quốc hội Khóa XIII. Tổ chức thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu kịp thời để giúp doanh nghiệp giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, tiết kiệm thời gian…
Để góp phần bình ổn giá trong dịp Tết, hầu hết các địa phương tích cực tổ chức các đoàn kiểm tra để kiểm tra hoạt động của thị trường, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, như: Tại thành phố Hồ Chí Minh: Thanh tra Sở Tài chính và 28 đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện phối hợp kiểm tra 242 siêu thị, cửa hàng tiện ích, 143 sạp chợ về thực hiện chương trình bình ổn giá, niêm yết giá, đã nhắc nhở, xử lý nhiều vụ vi phạm…; thành phố Hà Nội kiểm tra 191 vụ, phạt vi phạm hành chính 560,7 triệu đồng, tịch thu 2,715 tỷ đồng, tạm giữ 3,5 tỷ đồng giá trị hàng hoá.