Chặng đường đổi mới hơn 20 năm qua của Việt Nam thực tế là quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đã mang lại thành quả tốt đẹp. Sau 20 năm, Việt Nam lại đứng trước yêu cầu tái cấu trúc để tiếp tục lộ trình đổi mới của đất nước, nâng những thành quả đã đạt được lên tầm cao hơn trong môi trường toàn cầu hóa và những biến đổi của thế giới thời hậu khủng hoảng.
Thời điểm nhìn lại mình
Trong một thời gian dài, Việt Nam được ca ngợi là một mẫu hình thành công, một ngôi sao đang lên và là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư. Vào những năm trước 2008, điều đó đã phần nào thể hiện trên thực tế. Nhưng từ đó trở về sau, thu hút đầu tư bắt đầu khó khăn và năm 2011 đã đánh dấu một sự sụt giảm đáng kể. Đã có nhiều lý giải cho hiện tượng này, hầu hết đều cho rằng nó xuất phát từ khó khăn của chính các nhà đầu tư và những nền kinh tế của các quốc gia đó đang bất ổn.
Lý giải đó có phần đúng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về đầu tư nước ngoài thì cắt giảm hay chuyển hướng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng chính là biểu hiện của qua trình tái cơ cấu mà các tập đoàn nước ngoài thực hiện trên phạm vi toàn cầu. Qua khó khăn, tất cả các tập đoàn lớn đều buộc phải tính toán lại các chiến lược và quyết định đầu tư của mình. Và nguyên lý đơn giản nhất là họ sẽ chọn những địa điểm đầu tư cạnh tranh nhất và hiệu quả nhất để triển khai các dự án. Các đầu tư trên toàn cầu buộc phải nhìn nhận lại mình, tái cơ cấu để đứng vững và phát triển trước khủng hoảng. Họ sẵn sàng từ bỏ những dự án đã dày công theo đuổi nhưng nay không còn phù hợp trong chiến lược phát triển mới.
Và Việt Nam đang nằm trong tác động của xu hướng đó. Thực tế của quốc tế và diễn biến thu hút đầu tư buộc chúng ta phải nhìn lại mình để có những sự thay đổi.
Câu chuyện khủng hoảng từ 2008 tác động vào Việt Nam cho chúng ta một nhận thức mới. Khủng hoảng thời toàn cầu hóa vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia và tất nhiên, tái cấu trúc cũng phải đặt trong không gian của toàn cầu hóa. Nhưng đến năm 2011, thì Việt Nam lại có thêm một thách thức nữa đó những khó khăn và bất ổn nội tại ngày càng bộc lộ. Để tránh những nguy cơ, Chính phủ đã buộc phải chuyển hướng trong chính sách từ tăng trưởng sang ổn định. Và như một lộ trình tất yếu, vấn đề tái cơ cấu đã một lần nữa được đặt ra và nhận được sự đồng thuận cao. Nó không chỉ là những đề xuất như những năm 2008 mà đã trở thành nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa bằng chính sách của Chính phủ và hành động của mỗi thực thể kinh tế.
Một điều đã được thừa nhận là khủng hoảng là hậu quả của mất bằng trong cấu trúc kinh tế nhưng đây cũng là thời điểm bắt buộc tính đến chuyện tái cấu trúc. Vì thế, bên cạnh những hậu quả nặng nề thì khủng hoảng cũng được nhắc đến là một cơ hội. Lịch sử thế giới đã có nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế lớn và cũng ghi nhận, sau khủng hoảng các nước sẽ tái cơ cấu để phát triển lên mức cao hơn.
Việt Nam đã tăng trưởng cao liên tục trong 20 năm qua, tạo ra một Việt Nam mới được cả thế giới thừa nhận. Nhưng trong hơn 20 năm qua, mô hình của Việt Nam vẫn chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng bằng cách tăng vốn đầu tư, thâm dụng lớn tài nguyên và lao động giản đơn. Trong một giai đoạn đầu của quá trình phát triển, với một thị trường nội địa lớn, xuất khẩu rộng mở, tài nguyên sẵn có và chấp nhận bán sức lao động giá rẻ... với sự cộng hưởng của tài chính và kỹ thuật mà "mở cửa" thu hút đầu tư mang lại, Việt Nam dễ dàng đạt được sự tăng trưởng vượt bậc.
Tuy nhiên, trong khi chúng ta đang say mê với những con số tăng trưởng và thậm chí, không ít người vẫn muốn tiếp tục mô hình càng đào tài nguyên, thêm nhiều vốn thì càng phát triển mạnh. Và điều đó khiến chúng ta đã vấp phải những thách thức mới từ quá trình phát triển của chính mình.
Đáng lẽ đi cùng với quá trình đầu tư và thu hút vốn cần phải gia tăng công nghệ, nâng cao năng suất để tạo ra giá trị gia tăng lớn thì chúng ta lại bơm tiền ra nhiều để gánh lấy hậu họa lạm phát và những bất ổn của nền kinh tế. Sự lệnh hướng đó khiến hiệu quả của nền kinh tế ngày càng thấp nhưng bất ổn ngày càng lớn.
Không thể phủ nhận mô hình tăng trưởng hiện nay đã đưa nền kinh tế thoát khỏi kinh tế tập trung, nông nghiệp lạc hậu. Nhưng sau 20 năm, thực lực và vị thế đất nước đã đổi khác. Chúng ta mạnh hơn những cũng đối mặt với canh tranh quốc tế gay gắt hơn. Vì thế, không thể chấp nhận mãi áp dụng một mô hình cũ mà phải tỉnh táo nhận ra rằng mô hình tăng trưởng này đã không còn phù hợp. Điều đó buộc chúng ta phải tính đến tái cơ cấu, đưa đất nước sang một giai đoạn phát triển mới
Hơn hai mươi năm trước, chúng ta đã thực hiện cấu trúc lại nền kinh tế để tạo nên kỳ tích đổi mới. Bây giờ, đổi mới vẫn được tiếp tục nhưng cần được đặt trên một lộ trình mới. Tái cấu trúc nền kinh tế chính là tiếp tục thúc đẩy tiến trình đổi mới, để đạt được thành quả cao và hưởng lợi nhiều hơn từ đổi mới.
Nhóm lợi ích và thách thức tái cơ cấu
Một mô hình tăng trường có lợi ích trước mắt nhưng có thể gây hại về lâu dài. Mô hình tăng trưởng của Việt Nam, không chỉ đến khủng hoảng mới bộc lộ nguy cơ, mà những bấp cập trong quản trị, phân bổ nguồn lực... đã được cảnh báo từ lâu.
Vì thế, điều quan trọng nhất của tái cấu trúc là làm sao phân bố và quản lý các nguồn lực một cách hợp lý. Theo đó, cần xúc tiến đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Hoàn thiện cơ chế huy động các nguồn lực ưu tiên cho các lĩnh vực, dự án có hiệu tác động lan tỏa cao, tạo tiền đề tái cơ cấu nền kinh tế thay vì sự phân phối chủ quan và kém hiệu quả của thời gian qua.
Nếu như từ trước đến nay, chúng ta phân bổ nguồn lực hường tập trung vào những khu vực DN nhà nước, hay những chương trình đầu tư duy ý chí mà quên đi những tính toán hiệu quả. Vì thế, điều cần thiết là một cơ chế mới để phân phối và điều tiết nguồn lực một cách công bàng và hiệu quả. Theo đó, một thị trường đồng bộ sẽ là hệ thống phân phối nguồn lực công bằng và minh bạch. Một hệ thống thị trường đồng bộ với các yếu tố canh tranh lành mạnh thì mọi quyết định đầu tư của DN hay nhà nước đều mang lại hiệu quả vì phải dựa trên những điều kiện đã được phân tích, so sánh lợi thế và hiệu quả không chỉ trong nước mà cả với thế giới.
Với yêu cầu đó, nhiệm vụ của Nhà nước phải nâng cao khả năng quản trị là tạo ra môi trường canh tranh, lành mạnh, có định hướng tốt... để từ đó có sự công bằng và cạnh tranh trong tiếp cận nguồn lực. Đảm bảo những khu vực hiệu quả nhất sẽ được tiếp cận nguồn lực một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, sự thay đổi này sẽ kéo theo những ảnh hưởng quyền lợi của nhiều nhóm lợi ích vốn đã được hưởng lợi nhiều từ nguồn lực sẵn có, được phân bổ một cách dễ dãi và kiểm soát kém dẫn đến hiệu quả thấp nhưng vẫn tồn tại trong sự biện minh rằng đó là sự cần thiết tất yếu. Và tất nhiên, những người hưởng lợi sẽ không dễ dàng từ bỏ.
Trong khi ủng hộ quyết tâm tái cơ cấu của chính phủ nhưng nhiều chuyên gia cũng không dấu được lo ngại về những cản trở từ vấn đề lợi ích nhóm. Một trong những ngành đã thực thi những bước đi tái cơ cấu đầu tiên là ngân hàng. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cho rằng, việc tái cấu trúc, lợi ích nhóm sẽ nổi lên rất nhiều, nhưng phải lấy lợi ích quốc gia làm trọng.
Tái cấu trúc sẽ có những xáo trộn, những đánh đổi thiệt thòi và mất mát cho nhiều người, nhiều nhóm người và, ngược lại, làm cho nhiều người, nhiều nhóm người được hưởng lợi. Do đó, tái cấu trúc, sẽ nhận được sự đồng tình và ủng hộ của một số nhóm người và đồng thời cũng bị nhiều nhóm người khác phản ứng. Và người cầm lái buộc phải khôn khéo và mạnh mẽ để vượt qua điều này. Nói cách khác, tái cấu trúc tự thân nó là một quá trình đấu tranh của các lực lượng lợi ích.
Và tất nhiên, để thực thi thành công, người lãnh đạo cần nhận diện rõ những khó khăn và cản trở; phải có sự sáng suốt, mạnh mẽ cũng như sự khôn ngoan và kiên nhẫn để phá tan những cản trở và vượt qua những khó khăn. Điều đó đòi hỏi những hành động kiên quyết và mạnh mẽ thể hiện quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo trong một lộ trình tái cơ cấu còn kéo dài. Tuy nhiên, chúng ta có niềm tin vì thực tế phát triển của Việt Nam đã không ít lần chứng minh điều đó.
Theo VEF