“Con dao phải đủ sắc để cắt những cục cưng lỗi thời”

Chủ nhật, 29/01/2012, 07:51
“Trong quá trình cải cách sẽ có người mất… Nhóm lợi ích đã trở nên rất hùng hậu, mà nay vượt qua không dễ”.


Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đang trong cuộc “đại phẫu”

 

Trong các ý kiến thảo luận về tái cơ cấu, có nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất rằng, các doanh nghiệp nhà nước chỉ thật sự cần thiết được duy trì trong những lĩnh vực dịch vụ công ích. Nếu chúng lỗ hoặc vỡ nợ, thì chúng nên được phá sản như các doanh nghiệp khác. Nhà nước không nên có hình thức đảm bảo hoặc trả nợ nào cho chúng.
  
Những “cục cưng” được kỳ vọng

Trên thực trạng nền kinh tế Việt Nam lâu nay, những con số thống kê ngày càng lộ diện vấn nạn “cục cưng”.

Nổi bật là những doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Các DN này chiếm tới 70% tổng số vốn đầu tư từ xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% vốn ODA ở Việt Nam.

Họ được hưởng mọi loại ưu đãi về vốn, cơ chế, một số DN còn được ngồi trên các “mỏ vàng độc quyền”, như kinh doanh xăng dầu, điện... Ở dưới trông lên, kỳ vọng da diết của nhân dân là các “cục cưng” này sẽ đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, đem lại phồn vinh cho xã hội.

Mặc dù vậy, hiệu quả đầu tư từ nhóm DN này quá thấp, chỉ đóng góp vào GDP khoảng 38%. Chi phí làm ra cùng một mặt hàng, cùng một  chất lượng cao gấp hai lần so với doanh nghiệp tư nhân (DNTN) không được đầu tư đồng nào từ vốn nhà nước và không có bất cứ ưu đãi gì từ cơ chế chính sách...

Còn theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của DNNN chưa bao giờ qua được 6% trong suốt hơn 10 năm qua. Hiện nay, các “cục cưng” này chiếm tới khoảng 70% “nợ khó đòi” - nghĩa là không đòi được - của các ngân hàng thương mại. Nhiều tập đoàn, công ty độc quyền đã thua lỗ trong nhiều năm.

Nếu là lãnh đạo DNTN, họ sẽ phải cầm cố tài sản, bán tháo nhà cửa, thậm chí phải tự tử để cứu vãn danh dự cho gia đình. Nhưng vì là những “cục cưng”, nên các ông chủ này vẫn ung dung, phớt lờ dư luận, đổ trách nhiệm cho người khác, vẫn tự chia cho mình những khoản thu nhập cao chót vót, và báo lỗ vô tội vạ.

Từ năm 2009 đến nay, nhiều DNNN gây thất thoát. Không chỉ DN không được độc quyền, mà cả những DN quá được ưu đãi về cơ chế kinh doanh, như Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Xăng dầu cũng luôn gánh trên mình những món nợ khổng lồ, nhưng lại đặt ra vô số nghi hoặc về nguồn gốc.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty là trên 1 triệu tỷ đồng, bình quân bằng 1,67 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, có tới 30 tập đoàn, tổng công ty nợ phải trả lớn hơn mức quy định (ba lần vốn điều lệ). Trong đó, có 7 đơn vị nợ trên 10 lần vốn, 9 tổng công ty nợ 5-10 lần vốn và 14 công ty nợ phải trả gấp 3-5 lần vốn. Sự hoang tàng của những đứa “con cưng” này đã khiến cho Chính phủ phải đau đầu để tính chuyện ứng phó.

Ứng phó, tái cơ cấu, hiệu quả đến đâu chưa biết, nhưng giải pháp đầu tiên mà Bộ Tài chính đưa ra là cho “uống thuốc bổ”. Đương nhiên, dù cách nào, cũng là bằng tiền thắt lưng buộc bụng của dân.

Theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính đang xem xét phải dành hơn 50.000 tỷ đồng nhằm tái cấu trúc nợ, cấp thêm vốn điều lệ… cho các DNNN được tái cơ cấu. “Việc sắp xếp lại DN phải có tiền. Tôi báo cáo với Chính phủ phải có bồi bổ trước, rồi mới dùng kháng sinh, chứ con bệnh đang sốt cao mà chữa ngay là không chịu được”. Ông còn cho biết, Tập đoàn Sông Đà sẽ “đi tiên phong” trong tái cơ cấu DN, song chi phí cho họ lên tới 10 triệu USD. Số tiền này vay của Ngân hàng Phát triển châu Á.

Và những “đứa trẻ” không được “uống thuốc bổ”

Có ai nghĩ đến chuyện xoa dịu vết thương và cứu giúp những DN nhỏ và vừa - hầu hết là DNTN, chẳng bao giờ được “uống thuốc bổ” không? Đó là lực lượng làm nên nền kinh tế thị trường thực sự.

Chỉ cần bớt ít chút vô cảm, nghiêng mình xuống gần đất hơn, ta sẽ phải thương khóc cho cái chết của vô số DNTN nhỏ và vừa - những đứa con sinh ra bởi kinh tế thị trường, góp phần thực sự lớn vào tài sản xã hội, giải quyết việc làm cho nhiều công dân. Nhưng họ chẳng bao giờ được uống “thuốc bổ”, mà còn phải chịu đựng nhiều áp lực.

Áp lực chi phí liên tục tăng do lạm phát, do bị cạnh tranh không lành mạnh, thị trường bị thu hẹp..., khiến hệ thống DN, đặc biệt là DNTN, bị ép cả từ nhiều phía và “phần đông hầu như chỉ còn thoi thóp thở”. Khác với những “cục cưng”, những DNTN hầu hết phải tự vật lộn và xoay xở bằng chính đồng vốn và năng lực của mình.

Theo Tổng cục Thuế, mặc dù 2010 là năm có số DN phá sản tới mức báo động, nhưng vẫn không thể so sánh với tốc độ phá sản của năm 2011. Thống kê chưa đầy đủ, năm 2011, có tới khoảng 49.000 DN giải thể hoặc ngừng kinh doanh, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Hà Nội đã có tới hơn 3.000 DN phá sản hoặc ngừng hoạt động.

Họ phá sản có thể do năng lực yếu kém, do bị “chết lây” vì khủng hoảng kinh tế, vì lạm phát, vì thiếu may mắn hoặc có thể do những “giật cục” bất thường của chính sách... Khác với những DNNN, DNTN phải trả giá cho sự phá sản bằng chính sinh mạng mình và gia đình mình, mặc dù bản thân họ đã cố gắng hết sức để giảm giá thành sản phẩm và tiết kiệm tối đa mọi chi phí.

Mỗi một DN phá sản ảnh hưởng tới hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn thành viên của DN. Trong đó, mỗi thành viên này lại ảnh hưởng đến cuộc sống của cả một gia đình. Chưa kể các vụ vỡ nợ, giật hụi, lừa đảo... trị giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng xuất hiện ngày càng nhiều gần đây, khiến cho hàng triệu người phải khốn đốn, mất nhà cửa, tài sản, tha phương cầu thực.

Nếu họ có tài sản thế chấp và chịu chi phí “bôi trơn”, DN ngắc ngoải của họ có thể vay được vốn ngân hàng với tỷ lệ lãi suất thuộc hàng cao nhất thế giới: 18-27%/năm. Chỉ cần một khâu trục trặc của thị trường hoặc chính sách thay đổi, họ không có cách nào tránh khỏi cái chết được báo trước đối với lãi suất ấy.

Với tỷ lệ lạm phát được nhận xét là cao nhất châu Á và đứng thứ nhì thế giới. Với sự phá sản của hàng loạt DN, lại thêm gánh nặng nợ nần từ các DNNN chất lên vai, cùng với nguy cơ nợ xấu và sự đóng băng của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán...,  làm lung lay dữ dội sự an nguy của các ngân hàng trong nước. Cộng thêm ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, nền kinh tế nước nhà đang lâm vào thời kỳ khó khăn nhất kể từ 20 năm qua.

 Cần một con dao mổ sắc bén

Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã nhấn mạnh việc tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế.

Cả Hội nghị Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã khẳng định nhiệm vụ tái cơ cấu với ba trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, ngân hàng và DNNN.

Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra một trong những mục tiêu trọng điểm của các năm tới là “đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh”.

Để thực hiện nhiệm vụ này, nhiều ngành, nhiều cấp đã có những hội thảo lớn. Nhưng nếu sửa bằng cách “cho uống thuốc bổ”, thì lại tốn thêm nhiều tỷ USD vào nền kinh tế đang vô cùng khó khăn, nợ nần quốc gia thêm chồng chất. Cho uống thuốc bổ mà không phẫu thuật “khối u phát bệnh”, thì chỉ làm bệnh càng nặng thêm.

Câu hỏi đặt ra là, đối tượng nào sẽ được lợi nhiều nhất sau những chương trình tái cấu trúc DN; và nợ của DN sẽ do ai gánh chịu?

Do đó, vấn đề cấp thiết là phải sửa từ nhận thức chiến lược, từ tư duy chỉ đạo. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mọi sự sửa từ nhiều năm nay cuối cùng cũng chỉ là tạo mọi điều kiện để DNNN được có mọi ưu tiên để “đóng vai trò chủ đạo”. Chúng cũng là nơi vô tình sinh sôi của các nhóm đặc quyền đặc lợi, tham nhũng và bòn rút tài nguyên quốc gia. Điều này đã làm tha hoá một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức và ảnh hưởng đến lòng tin của dân chúng.

Để thực hiện mục tiêu từ cắt giảm đầu tư công, tái cơ cấu, cải cách DNNN đến sắp xếp lại hệ thống ngân hàng..., tất cả đều vấp phải trở lực quyết liệt từ các nhóm lợi ích đầy thế lực tìm cách ngăn cản.

Lực cản đó nằm giữa lợi ích của các bộ, ngành chủ quản, của tầng nấc lãnh đạo DNNN, của các cá nhân có trách nhiệm về sai lầm, thất thoát của DN trong quá khứ. Để tái cấu trúc ngân hàng, liệu đã ai thấy có đủ sức mạnh để triệt tiêu lợi ích của các “quyền lực ẩn” đằng sau các ngân hàng này và các DN mà sự sống chết của họ gắn liền với sự hưng vong của các ngân hàng có chức năng và quyền lợi từ “bơm máu chùa”?

Nếu không khống chế và triệt tiêu được các lực ẩn này, thì quy định được ghi trong văn bản đại hội Đảng: “Các thành phần kinh tế đều bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh...” đã bị vô hiệu hóa. Và mục tiêu của Chính phủ đề ra sẽ không thực hiện được.

Ai cũng hiểu rằng, tái cơ cấu là sửa lại cơ cấu hiện có. Nhưng một khi còn chưa rõ ràng về quan điểm, nhất là về vai trò của DNNN trong nền kinh tế, thì đường hướng sẽ bị ách tắc.

Thủ tướng Chính phủ phân định: muốn đổi mới DNNN thành công, khung thể chế đóng vai trò quyết định.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục duy trì một cách duy ý chí các DNNN chỉ làm sai lệch chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới DNNN Phạm Viết Muôn nói rằng, khó khăn lớn nhất trong cải cách DNNN là thống nhất tư duy. Ông nói: “Chúng ta nói nhiều mà làm chưa được bao nhiêu. Tôi cho khó khăn lớn nhất là chính sách cần để đổi mới thì làm quá lâu, khi có thì không còn phù hợp với thực tế. Đi bắt con thỏ mà huy động nhân lực cả tháng, ra đến nơi thì nó chạy mất rồi”.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói: “Cải cách DNNN đến nay tư duy còn đầy tranh cãi”. “Trong quá trình cải cách sẽ có người mất… Nhóm lợi ích đã trở nên rất hùng hậu, mà nay vượt qua không dễ”.

Trong các ý kiến thảo luận về tái cơ cấu, có nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất rằng, các DNNN chỉ thật sự cần thiết được duy trì trong những lĩnh vực dịch vụ công ích.

“Nếu chúng lỗ hoặc vỡ nợ, thì chúng nên được phá sản như các DN khác. Nhà nước không nên có hình thức đảm bảo hoặc trả nợ nào cho chúng” (theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương).

Đó là những ý kiến hợp lý và đầy trách nhiệm. Chính phủ nên sử dụng “con dao mổ sắc bén” ấy cho một cuộc đại phẫu thuật cắt bỏ khối u và làm lành vết thương cho nền kinh tế.

Theo ĐTCK

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích