Vậy quẻ Dịch này nói gì?
Một ứng dụng cơ bản của Kinh dịch là dự báo, thông qua luận giải quẻ Dịch. Thiệu Khang Tiết (1011 - 1077) là người đã phát minh ra phương pháp gieo quẻ theo thời gian.
Theo đó, gieo quẻ theo mốc thời gian TTCK Việt Nam khai Xuân Nhâm Thìn được quẻ gốc là Thuỷ Hoả Ký Tế, hào 1 động, biến thành quẻ Thuỷ Sơn Kiển. Quẻ gốc mang tính quyết định, thể hiện cái thời, cái thế, hoàn cảnh chung của TTCK. Quẻ biến chỉ xu hướng, tương lai.
Trước tiên, xem xét quẻ Ký Tế. Tế vốn là tên một con sông, dùng để chỉ việc qua sông. Ký tế là việc qua sông đã hoàn thành. Xét tượng quẻ, trên là Khảm (nước), dưới là Ly (lửa); lửa có tính nóng, bốc lên; nước có tính lạnh, chảy xuống; giao với nhau, tạo ra công dụng, như nồi nước để ở trên bếp lửa, lửa bốc lên nước mới nóng, mới sôi được.
Trong trường hợp đám cháy thì nước dập tắt lửa, nhiệm vụ cứu hoả đã hoàn thành. Nhiệm vụ hoàn thành là nhờ các thành viên ở các cương vị khác nhau làm tròn trách nhiệm của mình. Mặt khác, trên lửa có nước tượng trưng cho việc nấu nướng để mừng những người hoàn thành nhiệm vụ, cùng hưởng niềm vui thành công và bàn bạc các công việc tiếp theo.
Thoán từ - lời quẻ Ký Tế nói: “Đã xong: Hanh thông, nếu làm nốt các việc nhỏ, cố giữ được những việc đã thành rồi thì mới lợi. Mới đầu tốt, cuối cùng thì loạn”.
Ý của quẻ là việc lớn đã xong, nhưng những việc nhỏ còn vô số để làm. Vì thế, những việc nhỏ phải chỉnh đốn, phải hoàn thành cho xong nữa thì mới thật là hoàn thành. Hoàn thành rồi thì phải cố giữ, nếu không chỉ tốt lúc đầu thôi, còn rốt cuộc sẽ rối rắm. Nói cách khác, cần phải cẩn thận, đề phòng. Cần biết rõ diễn biến hiện tại, suy ra tương lai, phát hiện được mâu thuẫn chuyển hoá, biết cái tận cùng của sự vật sự việc, giải quyết tận gốc vướng mắc, mâu thuẫn thì chung cuộc mới tốt lành.
TTCK năm qua trầm lắng, chỉ số đi xuống kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp không huy động được vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, các NĐT thì thua lỗ, không ít người rời bỏ thị trường. Hiện các giải pháp tái cấu trúc TTCK đang được cơ quan quản lý tích cực triển khai một cách toàn diện, nhằm đáp ứng yêu cầu về vốn dài hạn cho nền kinh tế, khắc phục những yếu kém, tồn tại của thị trường.
Đây là những giải pháp lớn, mang tính chiến lược, giúp TTCK vượt qua khó khăn và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để sớm đạt được mục tiêu này, theo ý của quẻ Dịch, thì đồng thời phải triển khai thêm nhiều giải pháp ngắn hạn, thiết thực. Trước mắt, TTCK có thể ổn định và tăng giá, nhưng nếu vui mừng quá mức, dẫn đến mất cảnh giác, không thận trọng, thì tình trạng thị trường có thể nhanh chóng xấu đi.
Bây giờ xét đến quẻ Kiển (Khảm trên, Cấn dưới). Kiển là không thuận lợi, bế tắc, gian nan. Khảm là nước, là nguy hiểm. Cấn là núi, là dừng lại. Sự bế tắc của quẻ Kiển giống như một người bị kẹt ở giữa gian nan, phía trước là nước sâu, phía sau là núi cao. Vì nguy nan như vậy nên đình trệ, tắc nghẽn, chưa thoát ra được.
Ứng dụng Kinh dịch vào TTCK, học giả người Trung Quốc là Tề Tế dự đoán quẻ Ký tế biến Kiển như sau: Lực lượng mua bán ngang nhau, giá cả dao động, xu thế không rõ ràng, có thể căn cứ tình hình để bán hay mua đều được, không có lợi lớn.
Hai học giả phương Tây là Gary G Melyan và Wen Kuang Chu thì dự đoán quẻ Ký tế: giá đang tăng, nhưng cẩn thận, bởi giá sẽ giảm sau một vài ngày. Còn đối với quẻ Kiển thì dự đoán: giá tiếp tục giảm.
Lời quẻ Kiển nói: “Gian nan: Đi về Tây Nam thì lợi, về Đông Bắc thì bất lợi. Gặp đại nhân giúp cho thì lợi; bền giữ đạo chính thì mới tốt”.
Nghĩa là, tiến lui đều gian nan hiểm trở, cần tìm đường bằng phẳng dễ đi, ở hướng Tây Nam (hướng quẻ Khôn, vì Khôn là đất bằng, dễ đi lại), đừng đi hướng Đông Bắc (hướng quẻ Cấn, vì Cấn là núi, đi lại khó khăn). Ở giai đoạn này nên thận trọng chờ thời, phải nhờ người có tài, đức (đại nhân) giúp đỡ hoặc cộng tác thì mới vượt qua được khó khăn. Đồng thời, phải bền giữ đạo chính (chính nghĩa).
Theo đó, TTCK vẫn còn nhiều khó khăn, cả cơ quan quản lý và nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ tình hình, nắm vững phương hướng để có cách giải quyết (trong trường hợp này không nên hiểu phương hướng cụ thể mà quẻ Dịch chỉ dẫn, mà chỉ nên hiểu ý). Cần biết tiến, biết dừng, biết thoái đúng lúc. Khi không đủ sức vượt qua khó khăn thì không nên mạo hiểm, mà nên lui về củng cố lực lượng, chờ thời cơ. Lão Tử có nói: “Biết dừng thì không bao giờ nguy”.
Trong Kinh dịch có 4 quẻ nói về nguy hiểm: Khảm là nguy hiểm nói chung, Truân là nguy hiểm còn ít, Khốn là nguy hiểm cùng cực, còn Kiển là nguy hiểm tạm thời, bế tắc trong nguy hiểm, nhưng vẫn có cách thoát hiểm. Quẻ Kiển cho thấy TTCK năm nay vẫn chưa có nhiều điểm sáng, cơ quan quản lý và tất cả các thành viên thị trường cần hợp sức hành động, kiên trì, giữ vững niềm tin. Có như vậy, thị trường mới tốt lên, mới sôi động.
THEO ĐTCK