Việt Nam: Đừng lỡ nhịp phục hồi của kinh tế thế giới

Thứ ba, 31/01/2012, 08:03
Nếu một số bộ ngành không bảo đảm được năng lực tận dụng cơ hội, trong khi chẳng mấy quan tâm đến số phận của đại bộ phận doanh nghiệp, thì cho dù kinh tế thế giới có khởi sắc trong hai năm tới, kinh tế Việt Nam vẫn tự cô lập mình.


 

Hồi phục: TTCK phản ứng trước

Trái ngược với hình ảnh suy sụp của TTCK Việt Nam, nhiều chỉ số chứng khoán chủ chốt trên thế giới đã có được một bước tăng tiến vượt bậc trong 4 tháng qua, tính từ đầu tháng 10/2011.

Sự kiện gây ấn tượng nhất là chỉ số Dow Jones đã tiến đến rất sát mức đỉnh 12.800 điểm của nó, lập vào tháng 5/2011. Tương ứng, hai chỉ số S&P500 và Nasdaq cũng đã vượt qua được những ngưỡng kháng cự quan yếu và đang trên đường tái chinh phục mốc đỉnh của tháng 5/2011.

Nếu quan niệm TTCK Mỹ là một loại kim chỉ báo cho toàn bộ nền kinh tế của quốc gia này và còn tiêu biểu cho một phần lớn nền kinh tế thế giới, thì rõ ràng những gì mà các chỉ số chứng khoán Mỹ đã làm được trong 4 tháng qua xứng đáng được xem là hoạt động "tạo đáy" cho kinh tế toàn cầu.

Tất nhiên không phải là phục hồi ngay lập tức. Cũng như giai đoạn hậu Đại khủng hoảng mà đã trở thành suy thoái kép vào năm 1937-1938, nước Mỹ cần một khoảng thời gian để duy trì chính sách thắt lưng buộc bụng, hạn chế chi tiêu công và sắp xếp lại những khoản nợ công của họ. Trần nợ công vì thế cũng đã được điều chỉnh tăng liên tục, lên đến trên 14.000 tỷ USD.

Nhưng ở một góc độ khác, giới phân tích đã không còn nhận ra những lời kêu than từ Cộng đồng châu Âu về các trường hợp Hy Lạp và Ý. Tất cả chỉ giống như một lớp sương mù đang tan dần, lộ ra ánh sáng của hy vọng thoát suy thoái. Ngay cả Tây Ban Nha, một đất nước có tỷ lệ thất nghiệp lên đến 23%, cũng không phải là mối lo quá lớn đối với toàn thể châu Âu.

Vậy những mối lo còn lại là gì?

Tất nhiên, về phần trách nhiệm của mình, những tổ chức tài chính lớn nhất trên thế giới như Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới vẫn phải đưa ra lời cảnh báo về khả năng kinh tế thế giới phải chịu phản ứng suy thoái kép, ít ra trong ngắn hạn. Nhưng ở một góc độ khác, một cơ quan có tầm vóc lớn không kém - Cục dự trữ liên bang Mỹ - cũng đang tiến hành từng bước duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp. Thái độ của Bernanke - chủ tịch của cục này - là khá bình lặng, cho thấy một tương lai bình ổn đang có cơ hội tiệm cận với đường đi của nền kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, như một sự trêu ngươi với giới đầu tư vàng, giá vàng thế giới vẫn không làm sao cất cánh nổi, cho dù Dow Jones vẫn không ngừng tăng trưởng.

Tâm thế vận động trái ngược của giá vàng thế giới so với mặt bằng giá chứng khoán Mỹ đã xảy ra từ quý 3 năm ngoái, dẫn đến một hệ quả khá bi quan: giá vàng phục hồi với biên độ thấp hơn giá cổ phiếu, nhưng luôn sẵn sàng lao dốc với biên độ giảm mạnh hơn chỉ số chứng khoán.

Với quy luật biến thiên làm buồn lòng giới đầu cơ vàng như thế, trong thời gian qua giá vàng vẫn tiếp tục ậm ạch ở vùng 1.600-1650 USD/oz. Cái cách bò lên chậm chập và quá thiếu sức sống như vậy càng làm người ta tin tưởng hơn là vàng không còn là một thứ tài sản bất chấp rủi ro nữa. Thậm chí ngày càng nhiều người xem vàng như một kênh đầu tư có tính phiêu lưu.

Tình hình vận động của giá vàng thế giới ảm đạm như thế nào thì cũng ứng với không khí thị trường vàng Việt Nam. Thanh khoản ngày càng sa sút có thể được xem là yếu tố liên thông giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Đừng tự cô lập mình

Cho đến giờ này, đã có thể khẳng định là các chỉ số chứng khoán Mỹ đang thực hiện một chu kỳ tăng trưởng mới. Chu kỳ này, được khởi nguồn từ giai đoạn phục hồi trước đây vài tháng, có khả năng dãn dắt TTCK tái lập mốc đỉnh của nó vào năm 2007.

Tín hiệu lập đáy cũng xuất hiện ở những TTCK thuộc "vùng trũng" của châu Âu như Hy Lạp và Síp. Sau chuỗi thời gian kéo ngang tưởng như vô vọng, chỉ số chứng khoán của hai quốc gia này đã có được độ nảy lên đáng kể. Với xu thế tích lũy trước đó, không nên xem sự nảy lên đó chỉ là phản ứng kỹ thuật. Mà ngược lại, đó có thể là một dấu hiệu về sự hồi phục khá bền vững.

Điều đó cũng cho thấy khả năng nền kinh tế Mỹ - Âu phải trải qua thời gian khoảng 1 năm trong trạng thái suy thoái nhẹ vẫn đang diễn tiến.

Nếu không có gì bất thường, thời gian suy thoái nhẹ như thế sẽ có thể kết thúc vào giữa năm 2012.

Trong thời gian 4-5 tháng tới, TTCK Mỹ và châu Âu vẫn có thể diễn ra những vận động thất thường, với những cú sụt mạnh bất ngờ. Tuy nhiên, diễn biến đó nếu có xảy ra cũng không có ý nghĩa gì lớn nhằm ngăn cản quá trình phục hồi. Mà tất cả chỉ để củng cố cho vùng đáy bền vững hơn.

Phía trước, tương lai phục hồi của châu Âu và nước Mỹ vẫn có thể kéo dài ít nhất hai năm. Còn trước mắt, có thể ngay vào đầu quý 2/2012, người ta sẽ được chứng kiến hàng loạt thông tin khởi sắc từ GDP, xuất khẩu, chỉ số xây dựng và nhà ở, chỉ số sản xuất công nghiệp... của kinh tế thế giới.

Bóng ma suy thoái và lạm phát dường như đang nhòa nhạt dần. Thay vào đó, điều kiện để phục hồi kinh tế cho Việt Nam đang không thể tốt hơn với những tác động thuận lợi từ thế giới.

Nhưng như chúng tôi cũng đã nêu trong nhiều nhận định, vấn đề cốt lõi là giới điều hành chính sách ở nước ta có biết và có khả năng tận dụng được cái điều kiện "trời cho" ấy hay không.

Sự nghi ngờ trên là có cơ sở, bởi trong 3 tháng qua, khi một số quốc gia đã bắt đầu hạ dần lãi suất để kích thích tăng trưởng lại cho kinh tế, thì mặt bằng lãi suất huy động và cả lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn rất cao - được duy trì như một cái cớ để kềm chế lạm phát. Hệ lụy của tình trạng này không phải gì khác hơn là hậu quả tiếp tục đình đốn hoạt động của một phần lớn doanh nghiệp sản xuất.

Điều hành chính sách kinh tế không chỉ cần có cái đầu mà còn phải có cả cái tâm - một điều kiện cần còn quan trọng hơn cả việc "tiền ở đâu ra". Còn nếu một số bộ ngành không bảo đảm được năng lực tận dụng cơ hội, trong khi chẳng mấy quan tâm đến số phận của đại bộ phận doanh nghiệp, thì cho dù kinh tế thế giới có khởi sắc trong hai năm tới, kinh tế Việt Nam vẫn có nguy cơ tụt hậu so với đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Theo VEF

Các tin cũ hơn