Thị trường đã lập đáy!

Thứ sáu, 03/02/2012, 07:27
Với phiên tăng cực mạnh của hai sàn, đặc biệt là sàn Hà Nội vào ngày 2/2/2012, chỉ có thể nói rằng TTCK Việt Nam đã chính thức lập đáy. Nhưng chu kỳ phục hồi thị trường vào lần này sẽ không suôn sẻ như chu kỳ phục hồi của năm 2009.


 

TTCK Việt Nam đã chính thức lập đáy. Điều có thể nói thêm là nếu nhìn về mặt phân tích kỹ thuật, rõ ràng cả VNI và HNX đều đã bứt phá khỏi các ngưỡng kháng cự rất quan yếu.

Cái đáy đó, như chúng tôi đã đề cập trong bài bình luận gần nhất, thuộc về VNI với 366 điểm, và HNX với 55 điểm. Nhưng sự khác biệt cơ bản giữa bài viết này với bài bình luận gần nhất của chúng tôi là cụm từ “Thị trường đã lập đáy!” được thay thế cho nghi vấn cuối cùng “Thị trường đã lập đáy?”.

Và trong bài bình luận trước đó nữa, nghi vấn về chuyện thị trường lập đáy đã được chúng tôi khởi sự bằng một mạn đàm về bầu không khí đầu năm nay có nét gì đó “quen quen” với không khí đầu năm 2009.

Tựu trung, mọi sự đều có logic của nó.

Biết tất cả hoặc không biết gì

Dù còn tràn ngập nỗi hoài nghi bất tận - tâm trạng không thể phủ nhận vào các thời kỳ giao thời giữa suy thoái và phục hồi, nhưng với rất nhiều nhà đầu tư, từ ngữ “lập đáy” của thị trường có thể được nhìn nhận như một điều gì đó rất thiêng liêng.

Với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường trong mấy tháng qua, tình cảnh mất mát chỉ vài chục phần trăm, hoặc may mắn hơn là chưa mất gì cả, dĩ nhiên họ không thể tích lũy được những bài học đầy mồ hôi, nước mắt và có cả xương máu như lớp nhà đầu tư đã bị thị trường hành hạ trong suốt năm 2011, hoặc lớp nhà đầu tư đã thề “một đi không trở lại” với chứng khoán.

Nhưng cũng như bài học không tiền khoáng hậu của thị trường, nhà đầu tư thành công là người hoặc biết đến ngọn nguồn của vấn đề, hoặc chẳng biết gì hết.

Vậy ai sẽ là người thành công trong chu kỳ phục hồi này?

Có thể nói, số nhà đầu tư “biết tất cả” có lẽ chỉ đếm trên các bàn tay và bàn chân trên thân thể của đất nước. Còn lại, từ đa số đến hầu hết đều chỉ “biết nửa vời” - một mặt bằng dân trí chứng khoán đủ để tồn tại trong thời thị trường đi ngang, có lãi vào lúc thị trường lên sóng, nhưng cũng có thể mất trắng trong tình huống thị trường lao dốc miệt mài như năm 2008 và năm 2011.

Song kinh nghiệm của sóng tăng trưởng 2006-2007 là chính những nhà đầu tư “không biết gì” mới gặt hái được thành công lớn nhất. Không hiểu phân tích kỹ thuật, chẳng nắm được thông tin vi mô lẫn vĩ mô, càng không biết lướt sóng là gì, họ chỉ mua cổ phiếu như một phương thức tích trữ vàng hay đất đai, để đến khi thấy giá cổ phiếu cao gấp đôi hoặc gấp ba thì lập tức “xả hàng”.

Còn trong sóng phục hồi này, ngay cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm nhất vẫn có thể “chết hụt” nếu bản thân không rút ra được bài học nào từ câu chuyện margin cách đây không lâu.

Mối lo từ VN30 và “phân hóa giàu nghèo”

Đồng ý là thị trường đã lập đáy, thậm chí là đáy trung hạn. Nhưng làm thế nào để biết được chu kỳ phục hồi trung hạn đó được quy ước bởi loại khái niệm 1 năm hay 2 năm, hoặc còn lâu hơn thế?

Với những người chuyên nghề lướt sóng, cùng với lợi nhuận có thể cao hơn mức bình thường cũng là độ rủi ro không nhỏ chút nào. Chẳng hạn xét đến tác động của bộ chỉ số mới VN30, như một vũ khí để loại trừ ảnh hưởng của hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”. Nhưng cho tới nay, vẫn chưa có phân tích nào đủ thuyết phục cho thấy bộ chỉ số này sẽ thay thế hoàn toàn cho vũ điệu nhảy múa của những cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn. Trong khi đó, VIC và MSN vẫn chễm chệ nằm ở “chiếu trên” trong bộ chỉ số.

Tính đến ngày 2/2/2012, tình trạng “phân hóa giàu nghèo” vẫn duy trì trên thị trường: trong khi chỉ số VNI tăng đến 19% thì HNX mới chỉ tăng được 13%. Cùng lúc, bộ ba MSN, VIC và BVH cũng được đánh lên như một cách “ăn theo” thị trường. Với những nhà đầu tư có kinh nghiệm và đã thấm đẫm bài học đầu tư theo chỉ số, hiện tượng trên không khỏi làm họ lo lắng về khả năng thị trường có thể bị quật xuống vào bất cứ lúc nào mà các nhà đầu tư đang trở nên hưng phấn nhất.

Sóng phục hồi sẽ không suôn sẻ

Bài toán mới cũng kham khổ không kém thua gì so với việc giải phương trình tìm điểm đáy trong suốt năm 2011. Vào năm 2012 này, “đỉnh nằm ở đâu?” sẽ luôn là một câu hỏi làm nhức đầu mọi nhà đầu tư.

Trong đoạn khởi động đầu tiên, thị trường có vẻ như tái hiện lại dạng vận động của chỉ số VNI vào năm 2003. Nhưng tất nhiên, đó chỉ là một trong vô số giả định.

Một cách đi khác của thị trường đang được thể hiện là cách tăng tiến, hoặc tịnh tiến như các chỉ số chứng khoán Mỹ. Từ sau Tết âm lịch đến nay, người ta đã chứng kiến dòng tiền liên tục được trút vào “thùng không đáy”, đẩy nó lên từ từ và đến một lúc nào đó thì bật lên hẳn. Cái cách như vậy thật khó làm cho nhà đầu tư ngoài cuộc cầm lòng được.

Nhưng với dạng vận động trên, nhà đầu tư sẽ khó có cơ hội để lướt sóng. Thay vào đó, nhiều nhà đầu tư trở nên “khôn ngoan” hơn khi tuân thủ chiến thuật “mua và giữ”.

Tuy vậy, tính cách của loại sóng trên lại khá phù hợp với những chuyển biến bổ nhào đột ngột. Với việc những cổ phiếu làm giá vẫn gần y nguyên vị thế của chúng, khả năng đột biến mạnh của thị trường là gần như không thể tránh khỏi.

Trong ngắn hạn, dù đã gần như thoát khỏi ám ảnh phá đáy 55 điểm, nhưng một khả năng HNX bị đánh xuống lại sát vùng đáy cũ vẫn còn treo lơ lửng trên đầu nhà đầu tư.

Nếu điều đó xảy ra, có thể nói chu kỳ phục hồi thị trường vào lần này sẽ không suôn sẻ như chu kỳ phục hồi của năm 2009. Thị trường có thể tăng đến 30-40%, nhưng chỉ cần giai đoạn điều chỉnh lấy đi 10-15% giá trị của chỉ số thì chính số nhà đầu tư có thói quen sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ lại “chết” đầu tiên.

Theo Vietstock

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích