Giữ được màu xanh, VN-Index trọn tuần tăng điểm

Thứ sáu, 03/02/2012, 19:47
Đã khá lâu thanh khoản thị trường mới vượt qua con số 1,000 tỷ đồng, nhưng phiên này thanh khoản chủ yếu đến từ động thái chốt lời của nhà đầu tư.


 

Trái với động thái xả hàng của nhà đầu tư nội, thì khối ngoại bất ngờ gom mạnh đến hàng chục triệu cổ phiếu.

Cụ thể, phiên này, thị trường có tổng cộng hơn 126 triệu đơn vị, trị giá gần 1,408 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 18.71 triệu đơn vị, trị giá 293.53 tỷ đồng.

Có thể thấy khoảng 45 phút giao dịch đầu phiên là hành động “dẫn dụ” của các nhà tạo lập thị trường. Cổ phiếu tăng trần hàng loạt, các chỉ số cũng bứt phá mạnh lên mức cao và thanh khoản tăng vọt. Không giống như các phiên trước, đà tăng chỉ xuất hiện khi thị trường đã có những bước khởi động nhất định.

Áp lực điều chỉnh xuất hiện từ sau 9h00. Tiếp sau đó là quá trình trượt dài của thị trường cho đến hết phiên.

Nếu như đầu phiên, lực cầu chiếm áp đảo, số mã chứng khoán tăng giá cũng chiếm ưu thế thì cuối phiên, mọi việc diễn ra hoàn toàn ngược lại.

HOSE có 151 giảm giá, trong đó 63 mã giảm sàn. Ngược lại có 83 mã tăng, bao gồm 21 mã tăng kịch trần. Còn lại là 73 mã đứng giá.

VN-Index giữ được mức tăng nhẹ 0.13 điểm, tức 0.03%, chốt phiên ở 401.74 điểm chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của nhóm Large Cap (+0.2%), với một số mã tiêu biểu là BVH (+1.82%), MSN (+0.92%), HAG, EIB, KDC, PVF, HPG, PVD, SBS, MBB.

Phần còn lại của nhóm bluechips đều giảm, thậm chí giảm kịch sàn như SAM, HSG, TDC, KBC, TDH, GMD.

Toàn sàn có 68.55 triệu đơn vị chuyển nhượng, trị giá 966.78 tỷ đồng, cao nhất kể từ 31/10/2011 đến nay. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm khoảng 13.25 triệu đơn vị, tương đương 239.93 tỷ đồng. Tiêu biểu là KDH có hơn 4.2 triệu cổ phiếu thỏa thuận ở giá sàn, tiếp đó là EIB (3.5 triệu cổ phiếu), JVC (2 triệu cổ phiếu), hay STB (1 triệu cổ phiếu).

Về khớp lệnh, MBB đứng đầu với hơn 4 triệu cổ phiếu. Kế đến có ITA (3.3 triệu), REE (2.86 triệu), SSI (2.65 triệu), IJC (2.48 triệu)…

Nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 16 triệu cổ phiếu tập trung vào các mã KDH, JVC, REE, MBB với hàng triệu đơn vị mỗi mã; các mã khác như SSI, HPG, HAG, CTG, PVD… với hàng trăm ngàn đơn vị/mã.

Với HNX, một sự quay ngoắc 180 độ so với đầu phiên, HNX-Index có lúc giảm hơn 1 điểm, xuống sát 61 điểm, nhưng cuối phiên mức giảm thu hẹp lại còn 0.72 điểm, tức vẫn mất 1.15% so với tham chiếu và chốt tại 61.85 điểm.

Toàn sàn có 164 mã giảm giá, 74 mã rớt sàn. Ở chiều ngược lại có 105 mã tăng, bao gồm cả 50 mã tăng hết biên độ.

Nhóm cổ phiếu lớn tại sàn này có sự phân hóa mạnh, khi SHN, DCS, PVG vẫn giữ được mức tăng kịch trần đến hết phiên. PVX, SHB, PVL, VGS, PVA… tăng nhẹ, trong khi đó VND, KLS, BVS, SCR, HBS, PVS, ACB… đều giảm đáng kể; VCG, WSS, HBB, SHS… giữ được mốc tham chiếu.

Thanh khoản toàn sàn cũng tăng đột biến lên 57.47 triệu đơn vị, trị giá 441.17 tỷ đồng, bao gồm 5.46 triệu cổ phiếu thỏa thuận, tương đương 53.6 tỷ đồng. Cao nhất kể từ cuối tháng 9/2011.

Thống kê 5 mã có thanh khoản cao nhất đã chiếm đến 23.34 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Trong đó, PVX dẫn đầu với gần 7 triệu đơn vị, tiếp theo là VND với gần 6 triệu đơn vị. SHB, KLS, SHN đều có trên 3 triệu đơn vị khớp lệnh mỗi mã.

10h30: Bên bán đã chiếm áp đảo

Nếu như giai đoạn đầu phiên lượng cổ phiếu tăng giá chiếm áp đảo thì đến cuối phiên, diễn biến đã ngược lại hoàn toàn.

 

Cuối đợt khớp lệnh liên tục, chỉ có 73 mã tăng giá tại HOSE, nhưng có đến 150 mã giảm trong đó 36 mã giảm kịch sản.

Nhờ sự hỗ trợ của nhóm tứ trụ và một vài bluechips còn tăng giá giúp VN-Index giữ được mức tăng 1.89 điểm, tức chỉ tăng 0.47% so với tham chiếu và đạt 403.5 điểm.

Thanh khoản tiếp tục tăng đột biến lên 63.6 triệu đơn vị, tương đương 887 tỷ đồng.

Lúc này, lần lượt VNM, SSI, VCB… lần lượt giảm giá. Trong khi đó, REE, PVF, STB… bám trụ tại mốc tham chếu.

MSN, VIC, MBB, ITA, IJC… đều chỉ tăng nhẹ khoảng 1% mỗi mã. Trong đó, MBB và ITA có giao dịch sôi động nhất với 3.9 triệu và trên 3 triệu cổ phiếu khớp lệnh.

Giao dịch thỏa thuận và giao dịch nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục ở mức cao với 12.9 triệu đơn vị và 15.7 triệu đơn vị trao tay.

Quan sát giao dịch ở đợt khớp lệnh đóng cửa, lệnh bán ATC chiếm áp đảo so với các lệnh mua. Điều này báo hiệu VN-Index sẽ còn tiếp tục sụt giảm vào cuối phiên.

10h00: Nội xả hàng, ngoại mua vào đột biến

Khối lượng giao dịch trên cả hai sàn không ngừng tăng lên, đặc biệt tại HOSE. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đã mua vào một lượng cổ phiếu kỷ lục.

 

Trong khi VN-Index ngày càng thu hẹp mức tăng điểm thì HNX-Index tiếp tục giảm mạnh về sát mốc 61 điểm.

Áp lực xả hàng làm cho cả BVH cũng không giữ nổi mức giá trần mà chỉ còn tăng 3.64%. Một loạt cổ phiếu quay về mốc tham chiếu gồm SSI, VCB, EIB.

Số lượng bluechips giảm giá đáng kể với các mã như SAM giảm kịch sàn, tiếp theo là STB, HCM, VSH, PET, TDC, HSG, TDH, PTL, MPC…

Nhóm tứ trụ vẫn tăng giá góp phần nâng đỡ cho VN-Index.

Theo đó, lúc 10h00, VN-Index tạm thời tăng 4.6 điểm, tức 1.15% so với tham chiếu, đạt 406.21 điểm.

Thanh khoản lúc này đã vọt lên 52.46 triệu đơn vị, trị giá 737.62 tỷ đồng. Trong đó, 11.8 triệu đơn vị đến từ giao dịch thỏa thuận, tương ứng 207 tỷ đồng, chủ yếu là các mã KDH, MBB, JVC và STB.

Nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt gom cổ phiếu với gần 15 triệu đơn vị mua vào, trong đó riêng KDH đã có 4.2 triệu đơn vị, tiếp đó là JVC với 2 triệu đơn vị, REE gần 1.86 triệu đơn vị, MBB với 1.74 triệu đơn vị, SSI, HPG, HAG… đều có trên 600 ngàn mỗi mã được mua.

HNX-Index lúc này giảm 0.74 điểm, tức 1.18% xuống 61.83 điểm, thanh khoản ở mức 36.5 triệu đơn vị, tương đương 293.25 tỷ đồng. Ngoài KLS, thì VND cũng quay đầu giảm giá.

Ngoài ra, THV, VSP tiếp tục giảm kịch sàn với áp lực bán mạnh.

Trong Market Cap, hai chỉ số Small Cap và Mirco Cap cũng đã đảo chiều giảm 0.13%. Các nhóm còn lại vẫn tăng nhưng khá yếu ớt. Large Cap tăng 1.15%, Mid Cap tăng 1.07% và VS 100 tăng 0.72%.

9h30: Áp lực chốt lời, sắc đỏ xuất hiện trở lại

Áp lực chốt lời đã làm cho HNX-Index chỉ trong thời gian ngắn thậm chí đảo chiều giảm điểm nhẹ. Diễn biến tương tự cũng xuất hiện ở HOSE, nhưng nhờ lực đỡ của các bleuchip nên VN-Index vẫn tăng điểm. Thanh khoản hai sàn đều tăng vọt.

 

Trên sàn HNX, KLS không thể tăng trần mà còn nhanh chóng đảo chiều giảm nhẹ 1.05% xuống 9,400 đồng/cp và thanh khoản đạt hơn 1 triệu đơn vị.

ACB giảm giá 2.23% xuống 20,500 đồng/cp đã ảnh hưởng lớn đến chỉ số VN-Index.

Trước áp lực bán, PVX cũng chỉ tăng 3.66%, thanh khoản đạt hơn 4 triệu đơn vị. VN-Index trở về mức tham chiếu và khối lượng đạt trên 2.7 triệu đơn vị.

Kết quả là HNX-Index giảm 0.77 điểm, tương ứng 1.23% so với tham chiếu, rớt xuống 61.8 điểm. Thanh khoản vọt lên 25.5 triệu đơn vị, trị giá 205 tỷ đồng.

Toàn sàn chỉ còn 125 mã tăng giá, 55 mã tăng trần, nhưng lại có đến 76 mã giảm,  trong đó 28 mã giảm kịch sàn có thể kể đến như INN, APP, DL1, CMS, SDS, SD2, LBE…

9h00: VN-Index vượt 410 điểm, thanh khoản đột biến

Lệnh mua bán tiếp tục được đổ vào thị trường, đặc biệt là lệnh mua giá cao tại sàn HOSE khiến VN-Index dễ dàng vượt qua ngưỡng 410 điểm, đồng thời thanh khoản tăng lên đột biến. HNX-Index lình xình với mức tăng trên dưới 1 điểm.

 

Chỉ trong vòng 30 phút mở cửa, VN-Index đạt mức tăng 8.71 điểm, tương ứng 2.17% lên 410.32 điểm cho thấy một sự hưng phấn quá mức. Mà thông thường sự hưng phấn quá mức vào đầu phiên có thể dẫn đến sự điều chỉnh ở giai đoạn sau đó.

Thanh khoản tăng lên nhanh chóng với gần 15.5 triệu đơn vị chuyển nhượng, tương đương 213.57 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm hơn 5.5 triệu đơn vị, trị giá 91 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hai giao dịch 3.5 triệu cổ phiếu MBB giá 15,100 đồng/cp và 2 triệu cổ phiếu JVC với giá trần.

Trên sàn khớp lệnh, MBB cũng bất ngờ bứt phá với hơn 1 triệu đơn vị chuyển nhượng, đồng thời giá cổ phiếu cũng tăng kịch trần. Bên cạnh đó, VCB cũng tăng hết biên độ, các mã ngân hàng khác cũng tăng đáng kể.

Thị trường lúc này vẫn do BVH dẫn dắt khi mã này tăng kịch trần lên 57,500 đồng/cp. Trái lại, VIC quay về giá tham chiếu.

HNX-Index thu hẹp mức tăng còn 1.02 điểm, tức 1.63% so với tham chiếu do lệnh bán bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở các mã như PVX, VSG, SHS, SHB, VND, VCG làm cho giá cổ phiếu có phần thu hẹp và các lệnh mua trần đều được vét sạch.

Mặc dù vậy, toàn thị trường vẫn có đến 162 mã tăng giá, 81 mã tăng kịch trần. Giao dịch đạt trên 13 triệu đơn vị, trị giá 107 tỷ đồng.

Mở cửa: Nhà đầu tư đua nhau mua trần

Không hề có dấu hiệu điều chỉnh, thị trường mở cửa phiên giao dịch cuối tuần chìm ngập trong sắc tím. HNX-Index với sự dẫn dắt của PVX đã dễ dàng bứt phá qua mốc 63 điểm, và đang trên đường chinh phục mốc 65. Trong khi đó, VN-Index cũng đang hướng đến ngưỡng 410 điểm.

Bất chấp kết quả kinh doanh lỗ trong quý 4 và cả năm 2011, VSG vẫn tăng kịch trần lên 5,000 đồng/cp, Trong khi đó, nhà đầu tư vẫn bán tháo VSP với lệnh bán sàn đã đạt xấp xỉ 2 triệu đơn vị, và lệnh mua hoàn toàn trống.

THV quay đầu giảm 100 đồng xuống 3,100 đồng/cp sau khi công bố kết quả kinh doanh lỗ.

Nhóm cổ phiếu khai thác than tiếp tục tăng mạnh với một số mã tăng kịch trần nhờ kết quả kinh doanh năm 2011 hết sức khả quan như TDN, TC6, THT, TCS.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn là một trong những ngành dẫn đầu thị trường về đà tăng nhờ vào sự kỳ vọng của nhà đầu tư.

Tính đến 8h45, HNX-Index tăng mạnh 1.14 điểm, tức 1.82% lên 63.71 điểm. Thanh khoản cao ngất ngưỡng với gần 8 triệu đơn vị, trị giá gần 60 tỷ đồng. Riêng PVX đã chiếm xấp xỉ 1.9 triệu cổ phiếu khớp lệnh.

Với sự dẫn dắt của PVX, hàng loạt mã vốn hóa lớn và vừa tại HNX đều tăng trần như VND, SHB, SHS, VCG, SHN, PVL, HUT, KSD… với dư mua áp đảo và bên bán trống trải. Mã KLS chỉ tăng nhẹ 300 đồng/cp do lệnh bán ra vẫn còn khá lớn với hơn 2 triệu đơn vị.

Toàn sàn có đến 134 mã tăng giá, 72 mã tăng kịch trần, ngược lại chỉ có 11 mã giảm và 254 mã đứng yên.

 

 

Biến động thị trường lúc 8h45. Nguồn: VietstockFinance

 

Trên sàn HOSE, VN-Index tăng đến 7.34 điểm, tương ứng 1.83% trong đợt khớp lệnh thứ nhất, lên 408.95 điểm.

Thanh khoản cũng ở mức khá cao với trên 3 triệu đơn vị, trị giá 38.66 tỷ đồng. Toàn sàn cũng có 117 mã tăng giá, 42 mã tăng hết biên độ, còn lại là 18 mã giảm và 173 mã đứng giá. 
 

Theo Vietstock

Các tin cũ hơn