Đầu giờ sáng, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có điều chỉnh mới trên biểu niêm yết tỷ giá: giá USD bán ra đã rời trần và thấp hơn 16 VND, xuống còn 21.020 VND.
Trước đó, Vietcombank cũng đã phát tín hiệu khi giảm giá mua vào trong ngày hôm qua (2/2). Cũng trong ngày hôm qua, một số thành viên lớn khác như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Á châu (ACB) đã hạ giá bán ra dưới mức trần.
Sáng nay, tại nhiều thành viên, mức giá USD bán ra tiếp tục giảm đáng kể, xuống còn 20.980 VND, tức giảm khoảng 40 VND so với cuối chiều qua. Chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra hiện ở khoảng 50 - 70 VND. Trong khi đó Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 20.828 VND.
Dù không mạnh và dồn dập như diễn biến trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua (từ 18/1 - 21/1), nhưng tỷ giá USD/VND đang có những chuyển động mới, phản ứng trước những nguồn cung mới.
Trong bản tin báo cáo thị trường đầu tuần này, Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC) nhìn nhận rằng những ngày này là mùa cao điểm của nguồn kiều hối đổ về, ngoài tăng cung ngoại tệ còn là một yếu tố hỗ trợ thanh khoản cho nhiều thành viên.
Ở một yếu tố khác, có thể nhìn nhận thị trường ngoại hối đang đón một nguồn cung thương mại từ hoạt động chuyển đổi vốn từ tín dụng ngoại tệ, tác động tới tỷ giá.
Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có báo cáo cụ thể về dữ liệu tình hình huy động và cho vay của hệ thống trong tháng khởi đầu năm nay, song qua các cập nhật riêng lẻ cho thấy một thực tế đáng chú ý, liên quan đến tín dụng ngoại tệ và nguồn cung USD thương mại cho thị trường.
Cụ thể, tại hai địa bàn lớn là Hà Nội và Tp.HCM, tăng trưởng tín dụng ước tính trong tháng 1/2012 là rất mạnh. Cổng thông tin Chính phủ dẫn nguồn báo cáo của các cục thống kê địa phương cho hay, tăng trưởng tín dụng tháng 1/2012 tại Hà Nội ước tính đạt tới 1,96% so với tháng trước; trong khi tại Tp.HCM lên tới 6,3% so với tháng trước.
Những mức tăng đó có “cú hích” từ hoạt động giải ngân có tính mùa vụ, mở đầu kế hoạch tài chính, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong sự tăng trưởng đó dòng vốn tín dụng ngoại tệ vẫn rất hấp dẫn và chiếm tỷ trọng đáng kể.
Chỉ riêng và điển hình như tại Tp.HCM, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 219,9 ngàn tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD), chiếm 27,1% tổng dư nợ, tăng tới 13,3% so cùng kỳ. Ở tình hình chung, nếu tháng 1/2012 tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tiếp tục cao hơn nội tệ và tăng trưởng tín dụng chung cũng sẽ không bất ngờ.
Nguồn tín dụng ngoại tệ được chuyển đổi sang VND để đưa vào sản xuất kinh doanh (hiện nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu đã bị siết chặt), cùng với nguồn kiều hối, đang tạo cung tác động đến tỷ giá; trong khi tình trạng đầu cơ, găm giữ USD trong doanh nghiệp và dân cư không còn căng thẳng như thời điểm này năm trước.
Như vậy, với diễn biến kể từ đầu năm đến nay, năm 2011 tỷ giá USD/VND đã có sự khác biệt khi không còn sự căng thẳng, leo thang như những năm gần đây. Thông điệp điều hành tỷ giá năm nay với “giới hạn” biến động trong khoảng 2% - 3% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra đang có sự khởi đầu thuận lợi.
Theo Vneconomy