|
LS Vũ Xuân Nam |
“Chiến thuật” bào chữa cho "bầu" Kiên
"Bầu" Kiên và các LS bào chữa cho “ông trùm” tài chính này luôn khẳng định mọi hành vi bị cáo buộc đều không đúng và đề nghị triệu tập rất nhiều đại diện các Bộ, ngành đến để làm rõ với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan ban hành văn bản.
Bởi vậy, tại buổi xét xử sáng 24/5 vừa qua, ngay sau khi được tham gia vào phần xét hỏi, các LS đã dồn dập đặt câu hỏi với Ngân hàng Nhà nước liên quan đến tội “Cố ý làm trái”.
Ngân hàng Nhà nước từng có văn bản trả lời cơ quan điều tra rằng Thường trực Hội đồng quản trị ACB ra Nghị quyết ủy thác cho 19 nhân viên đem tiền của ACB đi gửi tiết kiệm ở ngân hàng khác khi Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định hướng dẫn về nghiệp vụ là trái với Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Tuy nhiên, thực tế điều luật trên quy định về việc ủy thác chỉ nói chung chung là ngân hàng thương mại được quyền ủy thác trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước mà chưa hề có quy định nào hướng dẫn cụ thể.
LS Vũ Xuân Nam bào chữa cho "bầu" Kiên đề nghị đại diện Ngân hàng Nhà nước - bà Nguyễn Thị Phụng cho biết đến nay có văn bản nào điều chỉnh việc ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền chưa và làm rõ khái niệm “lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng” như quy định tại Điều 106 nêu trên gồm những hoạt động gì; các nhân viên ACB đem tiền đi gửi cũng giống như người dân bình thường đi gửi tiền tiết kiệm thì đó có phải là lĩnh vực liên quan đến hoạt động của ngân hàng không?
Theo HĐXX, những câu hỏi này là đúng chức năng của ngân hàng nhưng vị đại diện ngân hàng vẫn đứng “ngẩn tò te” không trả lời. Những người tham dự phiên tòa thêm lần nữa thất vọng với vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước.
Giới chuyên gia nhận định, các LS của bầu Kiên đang bắt đầu mở chiến thuật “vây” các cơ quan Nhà nước để làm rõ việc không có quy định điều chỉnh thì không thể cáo buộc Kiên “Cố ý làm trái”? Cho đến lúc này, các LS của bầu Kiên vẫn hết sức dè dặt, chưa để “lộ” quan điểm bào chữa cho thân chủ, các câu hỏi chỉ dưới dạng “nguyên tắc” và chờ “nổ tung” tại phần tranh luận.
Vietinbank đối đáp cứng rắn
Dù bản án sơ thẩm đã tuyên Huyền Như mức án chung thân về tội “Lừa đảo” và ngay cả khi Huyền Như trình bày tại phiên tòa này rất rõ về thủ đoạn chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng của các nhân viên ACB đem gửi nhưng LS của ACB không chấp nhận, cho rằng có trách nhiệm của Vietinbank trong đó. Huyền Như thì khẳng định hành vi chiếm đoạt của bị cáo là độc lập, không liên quan đến Vietinbank.
Các LS đành “bó tay” trước sự “cứng rắn” của đại diện Vietinbank |
Đại diện Vietinbank rất tỉnh táo trước các câu hỏi của LS. Khi LS hỏi: “Về nguyên tắc, nếu Vietinbank giữ tài sản của người dân thì người dân có nghĩa vụ quản lý tài sản nữa không?”, đại diện Vietinbank đáp: “Tôi không trả lời nguyên tắc bởi vì đây là vụ cụ thể, phải làm rõ vụ việc cụ thể ấy”.
LS “truy” tiếp: “Tiền đã giao cho Vietinbank thì ai quản lý?”. Không giữ được bình tĩnh, đại diện Vietinbank nổi cáu: “Tôi lưu ý LS tránh hỏi ngoài phạm vi của vụ án, ảnh hưởng đến dư luận quần chúng”.
Các LS đành “bó tay” trước sự “cứng rắn” của đại diện Vietinbank và cho biết sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này tại phần tranh luận.
Kệ các LS truy vấn Vietinbank, "bầu" Kiên tin vào hệ thống máy móc và nói chắc nịch: “Hệ thống của Vietinbank trong đó có cả hệ thống của Ngân hàng Nhà nước thì tôi biết rất rõ các hệ thống này như thế nào và tôi khẳng định rằng nếu như có các chuyên gia về công nghệ thông tin thì hoàn toàn có thể lấy lại được toàn bộ số liệu từ tệ thống của Vietinbank và hệ thống thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước để biết”.
Theo "bầu" Kiên, khi chuyển tiền từ ACB vào Vietinbank thì phải chuyển qua Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Nhà nước giám sát các khoản tiền chuyển đi - về giữa các ngân hàng nên không cần hỏi chuyện tiền đã vào“túi” Vietinbank chưa mà chỉ cần “truy” trên hệ thống là biết.
Theo Báo PL