Các bị cáo bị dẫn giải ra xe - Ảnh: Hà An |
Tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên, luật sư (LS) Vũ Xuân Nam (Đoàn LS TP.HCM) đặt câu hỏi: “Người dân gửi tiền vào ngân hàng (NH) nói chung, Vietinbank nói riêng có nghĩa vụ quản lý tài khoản cũng như số tiền đã gửi hay không?”.Người đại diện theo ủy quyền của Vietinbank trả lời: “Chủ tài sản có nghĩa vụ và trách nhiệm quản lý”. LS Nam: “Tôi hỏi là tiền đã chuyển vào Vietinbank”. Đại diện Vietinbank phản ứng: “Câu hỏi của LS không rõ bởi lẽ phải xác định tiền đó thuộc quyền quản lý sử dụng của ai thì mới biết chủ sở hữu”. LS Nam giải thích: “Tôi hỏi thế này, khi tiền chuyển vào tài khoản Vietinbank thì người dân có quyền quản lý tài khoản của mình. Còn số tiền mà Vietinbank giữ, thì có nghĩa vụ quản lý số tiền đó không?”. Đại diện Vietinbank: “Nếu nói về số dư trên tài khoản thanh toán thì theo đúng quy định thì chủ tài khoản là người toàn quyền quyết định sử dụng cũng như quản lý số dư này”.
LS Nam hỏi tiếp: “Tôi hỏi về tài sản, không hỏi về tài khoản”. Đại diện Vietinbank trả lời: “Số dư trên tài khoản vừa là tiền, vừa là tài sản của khách hàng”. “Số dư là số liệu, tôi hỏi về tiền. Tôi hỏi trên nguyên tắc, tôi không hỏi trường hợp cụ thể, tôi hỏi về nguyên tắc chung”, LS Nam nói. “Tôi không trả lời các nguyên tắc vì đây là vụ việc cụ thể. Tôi phải lưu ý là LS tránh hỏi quá ngoài phạm vi của vụ án, phải hỏi cụ thể, đừng đưa các khái niệm rộng quá ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân. Câu trả lời của tôi lặp lại như cũ, đó là trách nhiệm quản lý số dư tài khoản của khách hàng ở tài khoản thanh toán là thuộc về chủ tài khoản”, vị đại diện Vietinbank đáp.
LS Nam tiếp tục: “Khi nhân viên Vietinbank làm giả chứng từ để rút tiền có được coi là chủ tài khoản sử dụng dịch vụ thanh toán?”. “Câu này, hôm qua cá nhân Huyền Như đã trả lời về thủ đoạn, hành vi chiếm đoạt tiền của Huyền Như”, đại diện Vietinbank đáp. “Thế khi chủ tài khoản không ra lệnh chuyển tiền mà nhân viên Vietinbank làm giả hồ sơ để chuyển tiền đi, hoạt động đó có coi là hoạt động sử dụng dịch vụ của chủ tài khoản?”, LS Nam hỏi. Người đại diện: “Với Vietinbank, mọi cái đều được coi là NH cung cấp dịch vụ cho khách hàng”. “Kể cả trường hợp hồ sơ đó không phải của chính khách hàng”, LS Nam đưa câu hỏi. “Thế mới có câu chuyện lừa đảo”, đại diện Vietinbank trả lời.
Cũng trong phần thẩm vấn, LS Nam đã dẫn ra nhiều văn bản mà Vietinbank trả lời Cơ quan điều tra Bộ Công an. Trong đó có văn bản khẳng định các nhân viên của ACB là khách hàng của Vietinbank và thông báo số dư. “Với thông báo số dư này, tức Vietinbank công nhận là khách hàng của Vietinbank chứ không phải khách hàng của Huỳnh Thị Huyền Như?”, LS Nam ra câu hỏi. Đại diện Vietinbank: “Việc thông báo số dư mọi NH đều làm. Cứ mở tài khoản thì NH đều có trách nhiệm thông báo số dư”. “Vietinbank có nhận được lệnh của chủ tài khoản để chuyển tiền sang tài khoản khác?”, LS Nam tiếp tục. “Hồ sơ thể hiện thì mọi giao dịch chuyển tiền đều có lệnh. Đối chiếu với những lưu trữ góc độ NH thì đều là thật”, đại diện Vietinbank đáp. LS Nam: “Huyền Như khai là giả thì bây giờ có còn là thật không”. Lúc này, Chủ tọa Nguyễn Hữu Chính cắt lời: “Đề nghị LS chuyển câu hỏi khác, vì Huyền Như khai rất rõ”. Tuy nhiên, LS Nam tiếp tục truy trách nhiệm: “Tôi hỏi về nghĩa vụ trách nhiệm của Vietinbank”. Đại diện Vietinbank: “Trách nhiệm của NH tôi đã trả lời rồi. Thủ đoạn chiếm đoạt của Huyền Như thế nào hôm qua Huyền Như đã trả lời rồi. Tôi không trả lời nữa”.
Khởi kiện Vietinbank đòi 718 tỷ đồng
Tham gia bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB), LS Lưu Văn Tám (Đoàn LS Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng đã hỏi người đại diện Vietinbank: “Như là trưởng phòng giao dịch được ký lệnh chuyển tiền hay không?”. Đại diện Vietinbank đáp: “Được ký theo hạn mức đã phê duyệt”. LS Tám: “Hạn mức bao nhiêu?”. “Trong thời điểm đó là tối đa 20 tỷ”, đại diện Vietinbank trả lời. “Trước khi ông Hoàng và bà Hương là các phó giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM ký 32 hợp đồng với các nhân viên ACB thì họ có bàn bạc gì với Huyền Như không?”, LS Tám hỏi. “Không có sự trao đổi”, đại diện Vietinbank đáp.
LS Tám: “Hợp đồng tiền gửi giữa ông Hoàng, bà Hương là hoạt động bình thường của Vietinbank đúng không?”. “Đúng”, đại diện Vietinbank đáp. “Thế tại sao trong phiên trả lời hôm qua, ông cho rằng các hợp đồng này không có hiệu lực?”, LS Tám truy. “Với 32 hợp đồng này, đến thời điểm NH ký không biết những dấu hiệu mờ ám và được ký đúng thẩm quyền do phòng giao dịch trình lên, bình thường về mặt hình thức. Các dấu hiệu gian dối, NH không phát hiện do các bên tự thỏa thuận ngầm với nhau về lãi suất, cách thức và không biết các nhân viên của ACB lại nhận tiền chênh lệch từ tiền túi của Huyền Như”, đại diện Vietinbank trả lời.
Trong khi đó, trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an nên kiểm tra lại phần mềm về các giao dịch của Vietinbank xem giao dịch đó là do cá nhân Huyền Như thực hiện, hay do Vietinbank thực hiện.
Ngoài LS Tám, tham gia thẩm vấn còn có LS Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM).Trả lời câu hỏi của LS Tâm: “Khi một người không phải chủ tài khoản, giả con dấu, chữ ký của tài khoản mà Vietinbank vẫn thực hiện lệnh giải ngân thì trách nhiệm dân sự của Vietinbank với chủ tài khoản thế nào?”. Đại diện Vietinbank: “Ai làm giả người đó phải chịu. Trường hợp này Huỳnh Thị Huyền Như cũng đã nhận trách nhiệm”.
Trong khi đó, trả lời các câu hỏi của LS Tám, bị cáo Lý Xuân Hải đáp: Khi NH Nhà nước chưa có văn bản điều chỉnh thì việc thực hiện theo văn bản cũ vẫn đúng. Và ACB chưa bao giờ bị NH Nhà nước xử phạt hành chính về hành vi ủy thác tiền cho 19 nhân viên đi gửi tiền. ACB đã đến Vietinbank đòi số tiền 718 tỷ đồng, tuy nhiên phía Vietinbank trả lời vụ án đang được điều tra, ACB nên gặp cơ quan điều tra. Khi đến cơ quan điều tra, ACB được trả lời đây là quan hệ dân sự. Chúng tôi đã nói các nhân viên được ủy thác đi khởi kiện đòi tiền tại tòa án. Theo LS Tám, hiện ACB đã khởi kiện Vietinbank tại TAND H.Nhà Bè và TAND Q.3 (TP.HCM).
Theo Thanh Niên