Từng là chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), tổng giám đốc, thành viên HĐQT Ngân hàng Á Châu (ACB), nay các ông Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ và Huỳnh Quang Tuấn đều vướng vòng lao lý. Theo cáo trạng, họ bị truy tố về hành vi "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", xuất phát từ hai quyết định: Ủy thác cho nhân viên gửi tiền vượt trần lãi suất và ra chủ trương đầu tư trái phép vào cổ phiếu ACB.
Quyết định ủy thác cho nhân viên ACB đi gửi tiền vượt trần lãi suất ở các ngân hàng khác được HĐQT ACB đưa ra trong một cuộc họp tháng 3/2010, để bàn phương án giảm tồn lượng tiền huy động từ dân cư, tránh thiệt hại cho ngân hàng. Ban đầu ông Trần Mộng Hùng - Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB lúc đó- đưa ra phương án hạ lãi suất huy động để giảm áp lực lỗ khi nhận tiền tiết kiệm mà không cho vay được. Nhưng theo bản cáo trạng của cơ quan điều tra, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) không đồng ý vì phương án này sẽ làm giảm tổng tài sản của ngân hàng. Các năm trước, việc gia tăng tổng tài sản được xem là một trong những chỉ tiêu và nhiệm vụ "nóng" của hầu hết nhà băng.
Lý Xuân Hải, người nêu ý tưởng ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền vượt trần vẫn cho rằng mình không vi phạm pháp luật tại thời điểm đó. Ảnh chụp màn hình. |
Nguyên Tổng giám đốc Lý Xuân Hải nêu ý tưởng ủy thác cho nhân viên ACB mang tiền của ACB đi gửi vào các nhà băng khác và được ủng hộ. Với cách này, ACB vừa nhận được lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng "hoa hồng" khuyến mại theo quy định của từng ngân hàng. 3-4 năm trước, tình trạng vượt trần lãi suất tiết kiệm diễn ra tràn lan trên thị trường ngân hàng.
Cáo trạng cho biết, đề xuất này của Lý Xuân Hải được Bầu Kiên đồng tình. Sau đó các thành viên thường trực Hội đồng quản trị là Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ và Lý Xuân Hải cùng thống nhất, ký tên vào biên bản, đồng ý việc ủy thác.
Sau phần thẩm vấn kéo dài 7 ngày, sáng 27/5, Viện kiểm sát đã công bố kết luận vụ án. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị đề nghị 30 năm tù khi được xác định là chủ mưu trong nhiều sai phạm tại vụ án. Bị cáo Lý Xuân Hải, bị đề nghị phạt 12-14 năm tù và cấm đảm nhiệm điều hành, quản lý tổ chức tín dụng. Cựu phó chủ tịch HĐQT ACB Lê Vũ Kỳ bị đề nghị 7-8 năm, Trịnh Kim Quang 6-7 năm. Riêng cựu Phó chủ tịch HĐQT ACB Phạm Trung Cang và cựu Phó tổng giám đốc ACB Huỳnh Quang Tuấn mỗi bị cáo 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm. Riêng ông Trần Xuân Giá, hiện đang được tạm đình chỉ điều tra do sức khỏe yếu, sẽ được tách riêng để xét xử trong một vụ án khác. |
Thực tế, ACB không chỉ gửi 718 tỷ đồng tại Vietinbank mà còn gửi theo cách này gửi gần 28.400 tỷ đồng ở 22 ngân hàng khác. Cụ thể, ACB ủy thác đầu tư cho các nhân viên đem tiền đi gửi tiết kiệm tại các ngân hàng với tư cách cá nhân. Theo cơ quan điều tra, việc ủy thác này trái quy định tại Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Nhưng riêng khoản gửi tại Vietinbank, ACB đã bị Huyền Như chiếm đoạt, gây thiệt hại. Như vậy, với mục đích ban đầu là sinh lời từ lượng vốn nhàn rỗi, quyết định này được xem xét là hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế, đồng thời gây thiệt hại cho ACB.
Nay, đứng trước vành móng ngựa, các bị cáo như Lý Xuân Hải và Nguyễn Đức Kiên vẫn cho rằng ủy thác cho nhân viên gửi tiền kiểu này không vi phạm vì vào thời điểm đó, chưa có văn bản nào hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. "Cho đến lúc tôi bị bắt không có văn bản nào nói cấm. Ngân hàng Nhà nước hay cơ quan thanh tra giám sát cũng chưa từng kiểm tra hay xử phạt ACB gì về việc ủy thác này", ông Lý Xuân Hải khẳng định.
Mặc dù vậy, Viện Kiểm sát cho rằng, trong khi nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn về uỷ thác, nhưng ACB đã thực hiện là vi phạm Luật tổ chức tín dụng.
Trên thực tế, những năm trước, khi nạn vượt trần chưa được siết chặt, đây cũng là "chiêu" của không ít ngân hàng để chữa cháy tình trạng ế vốn. Nhưng trao đổi với PV, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần ở miền Bắc thẳng thắn nói, cách làm này chỉ những đơn vị "nhà giàu" như ACB mới dám áp dụng. "Nhà giàu", theo vị lãnh đạo này, được hiểu là những ngân hàng cho vay ra không hết nhưng vẫn không muốn giảm tiền gửi của khách trên bảng cân đối vì lo ngại làm giảm tổng tài sản ngân hàng.
Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo từng là sếp của ACB hầu tòa. Ảnh chụp màn hình. |
Một quyết định sinh tử khác được HĐQT ACB đưa ra năm 2009 khiến họ phải ngồi tù cũng nhằm mục đích sinh lời và liên quan tới Bầu Kiên. Theo giải thích tại tòa của các nguyên lãnh đạo từng rất giỏi về quản trị của ACB, họ nhìn thấy cơ hội đầu tư cổ phiếu khi thị trường chứng khoán đang đi xuống nên mới có chủ trương đầu tư cổ phiếu. Cụ thể, HĐQT đã ra quyết định cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng đầu tư mua cổ phiếu giá tốt và tính thanh khoản cao. Đồng thời, Thường trực Hội đồng quản trị ủy quyền cho Chủ tịch Hội đồng Đầu tư Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư này.
Theo cáo trạng của cơ quan điều tra, sau khi được ủy quyền, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Chứng khoán ACB (ACBS) - công ty con của ACB - mua cổ phiếu của chính ACB. Quyết định 27/2007 của Bộ Tài chính đã cấm công ty chứng khoán đầu tư vào cổ phiếu hoặc góp vốn vào công ty sở hữu trên 50% vốn của công ty chứng khoán đó. Việc mua bán sau đó được hợp thức hóa qua hợp đồng hợp tác đầu tư giữa ACBS và hai công ty con của Bầu Kiên nhưng gây thiệt hại 687,7 tỷ đồng cho ACB.
Hiện hàng loạt nguyên lãnh đạo ACB, trong đó có cả Nguyễn Đức Kiên đã phủ nhận trực tiếp ra chủ trương mua cổ phiếu ACB vì "hiểu rất rõ đây là trái luật". Bị cáo Lý Xuân Hải giải thích: "Trong cuộc họp chính thức không nêu tí nào về việc mua mã ACB mà chỉ nói cổ phiếu sinh lời tốt. Chỉ có khi uống trà nghỉ ngơi, một số cổ đông lớn nắm giữ nhiều cổ phiếu ACB mới nói việc này". Nguyên tổng giám đốc ACB nói, chỉ thực sự biết về việc này khi Công ty kiểm toán PwC phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và báo cáo lại. Trong khi đó, Bầu Kiên thì cho rằng việc phê duyệt danh mục đầu tư cổ phiếu là do ACBS chứ không phải mình.
Phiên tòa xét xử Bầu Kiên và các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB vẫn đang tiếp tục để làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai của các bên. Tuy nhiên, quan sát phiên xử này, nhiều lãnh đạo cấp cao đang ngồi ghế trong ngân hàng thừa nhận, hai quyết định đầu tư này của đồng nghiệp cũ ở ACB là bài học kinh điển với họ trong làm nghề.
Theo VnExpress