Tiếp sau phần tự bào chữa cho tội danh lừa đảo, bị cáo Nguyễn Đức Kiên chuyển sang phần tự bào chữa tội cố ý làm trái.
Bầu Kiên nói: Việc mua cổ phần tại ACB, là cổ đông 3,3%, cả gia đình là 9% tôi không có quyền hạn nào khác so với cổ đông khác. Ở ACB cổ phiếu khá tập trung, ngoài tôi ra còn một gia đình khác chiếm tỷ lệ nhiều hơn một chút và 30% là của cổ đông nước ngoài. Với cơ cấu như vậy tôi không thể lũng đoạn ACB hoặc chi phối, chỉ đạo hoạt động ACB.
Tôi không có văn bản nào chỉ đạo mua cổ phần ACB. Tôi khẳng định với HĐXX tôi không chỉ đạo ai, nội dung nào trong việc mua cổ phần ACB. Việc mua là do quyết định của cá nhân tôi với tư cách Chủ tịch Công ty ACI, là quyết định đầu tư, tôi nắm cổ phần chi phối, tôi quyết định việc này và giao cho nhân viên làm việc này.
Khi ký hợp đồng giữa ACBS và ACI, ACI Hà Nội, tôi phê duyệt Nghị quyết đầu tư của ACBS nhưng không có chỗ nào nói mua cổ phần ACB. Hợp đồng có điều khoản cổ phiếu đầu tư thì cuối năm phải được xác nhận bằng văn bản. Không có văn bản nào giữa 2 bên xác nhận CP ACB thuộc danh mục đầu tư của ACBS.
Tôi đã yêu cầu giám đốc hai công ty ký thanh lý nói rõ CP này không có trong danh mục của ACBS, chuyển tiền là khoản phải thu, phải trả bằng tiền không phải bằng CP.
Trên thực tế, ngày 30/6/2010, hai bên đã thanh lý hoàn toàn, ACBS không còn liên quan gì. Tôi quyết định trên cương vị là Chủ tịch hai công ty này không liên quan gì đến chức danh tôi đang giữ tại ACB.
Việc cung cấp liên ngân hàng cho KienLongBank và Vietbank đã làm từ lâu, xuyên suốt, trong nhiều thời kỳ, có lúc lên tới vài nghìn tỷ đồng bởi vì ACB là cổ đông chiến lược, được NHNN phê chuẩn, nên ACB cấp hạn mức liên ngân hàng cho 2 ngân hàng này.
Việc này không liên quan đến mua trái phiếu. Tôi không liên hệ, chỉ đạo ai ở hai ngân hàng này về việc mua trái phiếu.
Cáo trạng bảo lỗ thì lỗ ở đâu, tính từ đâu, căn cứ vào đâu xác định đây là lỗ của ACBS? Tôi cho là không có căn cứ pháp luật nào để xác định.
Cách tính thiệt hại vô lý, không đúng nguyên tắc kinh tế. Tiền ACB huy động được không sử dụng được thì ACB phải trả lãi cho người gửi tiền thì gửi tiền sang ngân hàng khác và liên ngân hàng mang lại thu nhập rất lớn.
Nếu để trên tài khoản thì ACB phải trả lãi cho người dân, đó là thiệt hại. Không chỉ hai ngân hàng này, ACB liên hệ với 30 ngân hàng khác và tiền liên ngân hàng của ACB lúc cao điểm lên tới 70.000 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra và VKS ép buộc đây là khoản lỗ của ACB. Cổ phiếu ACB thuộc sở hữu của ACI và ACI Hà Nội và khoản này đều được hạch toán là khoản đầu tư của hai công ty này, và mua từ lâu rồi từ 2006. Tôi bị bắt rồi vẫn tiếp tục mua.
Về gửi tiền tại Vietinbank, tôi có tham gia cuộc họp ngày 22/3/2011 nhưng khi cuộc họp này đã gần họp xong vì có cuộc họp khác.
Ý kiến của tôi về việc giữ bảng tổng kết tài sản cao, không hạ lãi suất không liên quan đến việc trình HĐQT ra Nghị quyết về việc gửi tiền. Hai việc này khác nhau, cách nhau khoảng thời gian. Đây là tranh luận của tôi với anh Hùng về việc quản trị ngân hàng.
Cơ quan điều tra đã cắm đầu của cuộc họp này vào đuôi của cuộc họp kia, tôi đã đề nghị nghe lại băng ghi âm nhưng cơ quan điều tra không nghe.
Khi anh Hải (bị cáo Lý Xuân Hải) đề xuất chủ trương ủy thác, tôi không bàn bạc trước với anh Hải về nội dung anh Hải sẽ trình bày. Băng ghi hình thể hiện rõ tôi đã đứng dậy đi ra ngoài rồi nhưng anh Tuấn gọi lại để nghe.
Ông Trần Xuân Giá cũng không hỏi ý kiến tôi về việc này. Đây là quyết định tự thân của các thành viên HĐQT, tôi không yêu cầu thành viên nào khi biểu quyết, khi ký biên bản.
Tôi xác nhận tôi không phản đối, không có ý kiến khác, hay ý kiến đồng tình bởi đây là hoạt động bình thường, không trái pháp luật vào thời điểm đó. Tôi nghĩ pháp luật không truy cứu một người vì việc họ không có ý kiến, không gây áp lực. Tôi còn cáu giận khi biết và hỏi lại anh Hải.
Vietinbank lớn như thế mà không dám chịu trách nhiệm
Về cách tính hậu quả, tôi có hai ý kiến.
ACB có thiệt hại không? Trong trường hợp không đòi được tiền Vietinbank thì có thiệt hại không? Đây là một quyết định xuyên suốt trong hơn một năm. Tính thiệt hại thì phải lấy tổng thu từ hoạt động này trừ đi chi phí bao gồm cả thiệt hại, ra một con số thì mới xác định được thiệt hại hay không.
Báo cáo của TGĐ tổng nguồn thu khoảng 1.800 tỷ đồng, trừ đi 5 – 700 tỷ đồng bị mất –vì chưa xác định chính xác thì không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho ACB.
ACB không có vốn Nhà nước, thiệt hại không đem lại thiệt hại cho người gửi tiền, cổ đông. Nếu có chăng chỉ là giảm bớt lãi chứ không phải tổn thất. Nếu có tổn thất thì dùng các quỹ trích lập dự phòng rủi ro tài chính, hoặc trừ bớt lãi của cổ đông để bù đắp. Không thể nói đây là thiệt hại.
Tôi là cổ đông tôi không mong muốn điều đó xảy ra, tôi mong muốn Vietinbank phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Vietinbank là ngân hàng lớn như thế mà không dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình, của nhân viên mình!
Ngay sau đó bầu Kiên đã nói chi tiết các thủ tục gửi tiền mở tài khoản tại ngân hàng, có viện dẫn chính xác số văn bản. Sau đó kết luận: Số tiền ấy không liên quan gì đến việc Huyền Như chiếm đoạt.
Theo bầu Kiên, Vietinbank đã đánh lận con đen về khái niệm. Hành vi của Huyền Như phải là hành vi tham ô tại Vietinbank và người thiệt hại chính là Vietinbank chứ không phải các cá nhân đi gửi tiền.
Như vậy, tôi không có liên quan gì đến việc dùng tiền của Vietinbank, bầu Kiên nói tiếp, các thành viên HĐQT của ACB – những người được coi là đồng phạm của tôi cũng không liên quan gì. Tôi mong được nói lại những vấn đề này trong phần tranh luận sau khi VKS có ý kiến.
Nếu không đưa ra được bằng chứng thì không được kết tội tôi
Nếu CQĐT thận trọng trong việc đánh giá chứng cứ, xác định hành vi, tôi sẽ không bị bắt vì tội gì hết. Chỉ một dấu phẩy trong quy định “kinh doanh, đầu tư chứng khoán” cũng có thể làm thay đổi bản chất vụ án. Đây là hai hành vi khác nhau.
Tôi không nói về nhân thân, không cần thiết vì tôi xác định tôi vô tội. Tôi tự hào về nhân thân của tôi. Tôi đang và đã bị xây dựng một hình ảnh trong xã hội như một kẻ phạm trọng tội trong khi tôi không làm mất tiền của ai.
Tôi bị nhìn nhận như là đại gia phá sản, phải đi chiếm đoạt tiền, phải đi lũng đoạn nền kinh tế. 30 năm làm việc từ mồ hôi, nước mắt lao động, tôi không phải là sân sau của bất kỳ ai. Lý do tôi bị bắt không đơn giản. Tôi hiểu rất rõ vì sao tôi bị bắt. Tôi khẳng định tôi không làm điều gì trái pháp luật, nếu VKS đưa ra được bằng chứng, tôi nhận tội ngay lập tức, nhưng nếu không đưa ra được thì không được kết tội tôi!
Theo PLO