Bầu Kiên dặn vợ không được 'chạy án'

Thứ hai, 02/06/2014, 13:43
Mắt đỏ hoe, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nhắn vợ: "Không bao giờ được gặp gỡ bất kỳ ai đang nắm giữ trọng trách để xin xỏ. Tôi sẽ tự giải quyết việc của mình”.  

Sáng 2/6, sau hai ngày tạm nghỉ, Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), cựu phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB cùng các bị cáo được nói lời sau cùng.

Trong 40 phút trình bày, mở đầu, ông Kiên gửi lời cảm ơn đến bạn bè, cổ động viên đội bóng đá Hà Nội đã giúp đỡ gia đình, bị cáo. Ông khẳng định chưa bao giờ phá sản, thời điểm này bà Đặng Ngọc Lan, vợ bị cáo, đang gánh vác thay chồng công việc kinh doanh.

“Tôi xin lỗi các cổ động viên đội bóng đá Hà Nội. Tôi đã yêu cầu vợ tiếp tục duy trì đội bóng trẻ để một ngày nào đó, câu lạc bộ bóng đá Hà Nội phát triển mạnh mẽ. Trong trường hợp tôi không làm được, con trai cả sẽ thay tôi làm”, bị cáo trình bày và cho biết hoài bão lớn nhất trong sự nghiệp là "khi nhắm mắt xuôi tay được nhìn thấy bóng đá Việt Nam thi đấu tại World Cup".

Bầu Kiên cũng gửi lời tri ân đến khách hàng ACB, những người từng đồng hành với bị cáo trong 20 năm qua. “Tôi tin khách hàng ACB sẽ vẫn cho rằng đây là một ngân hàng có hệ thống quản lý tốt nhất”, bầu Kiên nói. Bị chủ toạ nhắc tập trung vào những vấn đề trọng tâm trong lời nói sau cùng, ông Kiên đề nghị HĐXX không ngắt lời.

Ông cho rằng khi mình bị bắt, một số cổ đông có thể thiệt hại, có thể tan gia bại sản, nhưng những cổ đông lớn sẽ không có bất kỳ thiệt hại nào. Bị cáo nhắn nhủ các cán bộ ACB tiếp tục cống hiến và nhắn vợ, con không được bán cổ phần của ngân hàng này.

kien4-7993-1401681883.jpg

Bầu Kiên mắt đỏ hoe, trong lời nói sau cùng tại toà sáng nay.

Nhắc đến hai con trai, đứa lớn 15 tuổi, giọng bầu Kiên xúc động, cho hay trước khi bị bắt đã dặn con ghi lại những gì cần nói: Phải làm người tốt, chăm sóc mẹ và các em. “Tôi đã không bỏ trốn trước khi bị bắt dù có visa dài hạn, mối quan hệ rộng, khắp thế giới”, bầu Kiên trình bày.

“Tôi xin được phép nói với vợ, những điều chưa bao giờ nói dù hai lần được tiếp xúc tại toà. Không bao giờ được chạy án, không bao giờ gặp gỡ bất kỳ ai đang nắm giữ trọng trách để xin xỏ. Việc đó ảnh hưởng đến họ, và trực tiếp ảnh hưởng đến tính mạng. Tôi sẽ tự giải quyết việc của mình”, bầu Kiên nói tiếp.

Tiếp đó bị cáo kể về thời gian còn “rất trẻ, đầu những năm 1990” sau khi Liên Xô tan rã, mối quan hệ hai nước rất khó khăn, bị cáo đã có đóng góp trong việc xoá nợ của Việt Nam đối với Liên Xô cũ, nối quan hệ thương mại Việt Nam – Liên bang Nga...

Bị cáo cho biết người giúp đỡ mình trong vòng 5 năm để hoàn thành những nhiệm vụ trên là ông Lê Vũ Kỳ (cựu phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB, bị cáo trong vụ án) với tư cách phiên dịch. Cũng những năm 1990, bị cáo cho rằng cùng ông Lê Vũ Kỳ đã góp công vào việc vận hành nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình đúng tiến độ; Tham gia việc đưa các tổ máy về Việt Nam với giá rẻ, nhanh nhất .

Sau phần này, bị cáo tiếp tục bị ngắt lời, yêu cầu tập trung vào nguyện vọng trước khi toà nghỉ nghị án. Phân trần về việc bị cơ quan điều tra quy kết thâu tóm, lũng đoạn thị trường chứng khoán, ngân hàng, ông này cho biết biết rõ kẽ hở của thị trường chứng khoán và có thể kiếm được nhiều tiền song đã không làm vậy. Bị cáo cùng với ông Lý Xuân Hải đã làm báo cáo gửi lãnh đạo cấp cao và được xem xét, có hướng giải quyết.

Ông Kiên cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước có sự chấn chỉnh về hệ thống cũng có sự góp sức của bị cáo; mong lãnh đạo lưu ý việc sắp xếp hệ thống ngân hàng thương mại không phải là gộp các ngân hàng yếu vào thành ngân hàng lớn. Mục tiêu chấn chỉnh là để hệ thống ngân hàng hoạt động mạnh lên không bị ngân hàng nước ngoài chi phối.

Về 4 tội danh bị truy tố, riêng tội lừa đảo, bị cáo cho rằng hồ sơ đã bị báo cáo sai từ khi điều tra. Tiếp đó, bị cáo nêu ra một số lãnh đạo Bộ Công an đã làm sai và cho rằng khi nói ra điều này đã đặt gia đình vào tình huống nguy hiểm nhưng vẫn tin vào chính sách pháp luật của nhà nước.

kien5-2937-1401681883.jpg

Cấp dưới của Bầu Kiên – ông Trần Trọng Thanh.

Bầu Kiên đề nghị HĐXX nếu chưa thực sự có đủ thời gian, chứng cứ, tài liệu đừng tuyên án vào ngày 5/6. Mong HĐXX xem xét việc phong toả tài sản gia đình, vì đó là mồ hôi, nước mắt không liên quan đến vụ án. Nếu phát sinh nghĩa vụ dân sự, công ty B&B sẽ thực hiện đầy đủ. Cuối cùng, ông mong được tại ngoại trước khi bản án có hiệu lực, để chữa bệnh; nếu vẫn tiếp tục bị tạm giam, mong được chuyển sang trại tạm giam B14.

Tiếp đó các bị cáo Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Trịnh Kim Quang, Huỳnh Hữu Tuấn, Trần Trọng Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến cũng lần lượt nói lời sau cùng. Nguyện vọng chung của các bị cáo mong HĐXX xem xét thấu đáo nội dung vụ án trước khi ra phán quyết. Các bị cáo cũng trình bày về những thành tích, đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam thời gian trước.

Chủ toạ Nguyễn Hữu Chính công bố sẽ ra phán quyết cuối cùng với các bị cáo vào sáng 9/6.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn