Thủ tướng gặp riêng cộng đồng doanh nghiệp Đài Loan

Thứ năm, 05/06/2014, 07:31
Cuộc gặp diễn ra trước thềm Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ khai mạc sáng nay, nơi Thủ tướng cũng trực tiếp tham dự.

Cộng đồng doanh nghiệp Đài Loan là những người bị thiệt hại nặng nề nhất trong sự việc quá khích xảy ra giữa tháng 5 tại các khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Áng, do đó Thủ tướng sẽ có buổi trao đổi riêng với đại diện Tổng hội thương mại Đài Loan để lắng nghe những tâm tư của họ, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ.

vu-tien-loc-JPG-5280-1401904262.jpg

Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất nên thành lập một đầu mối thống nhất để hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại khắc phục hậu quả.

Sau đó, người đứng đầu Chính phủ sẽ trực tiếp tham gia và có bài phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2014 với chủ đề "Từ Chương trình tới hành động - Chuẩn bị sẵn sàng cho các Hiệp định Thương mại mới".

Hướng tới việc Việt Nam sẽ phải làm gì khi hội nhập ngày càng sâu rộng, song vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài quan tâm nhất vẫn là những giải pháp và kết quả thực hiện của Việt Nam trong việc khắc phục thiệt hại vừa qua.

Ông Fred Burke - đồng trưởng nhóm công tác Đầu tư & Thương mại đánh giá đến nay chưa thể thống kê toàn bộ ảnh hưởng sau các cuộc gây rối ở một số khu công nghiệp. "Chúng ta vẫn đang nhận được các báo cáo về tình trạng gián đoạn nghiêm trọng trong một số ngành kinh tế, đặc biệt là một số ngành liên quan đến xuất khẩu mà từ trước đến nay vẫn đóng vai trò then chốt đối với sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam", bài tham luận của vị này nêu.

Trước mắt, nhóm công tác này cho rằng biện pháp cấp thiết là phải giảm nhẹ ảnh hưởng đến những người công nhân, thông qua xúc tiến nhanh trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, từ đó bảo đảm doanh nghiệp trả lương được kịp thời.

"Các giải pháp Chính phủ đưa ra là tương đối đồng bộ và kịp thời, tuy nhiên vẫn có vướng mắc trong quá trình thực hiện", ông Lộc nhận xét. Do đó, vị này kiến nghị cần phải cụ thể hóa và có sự phối hợp thực thi tốt hơn giữa chính quyền các cấp, thông qua thiết lập một Ban chỉ đạo thống nhất và một cơ quan đầu mối giải quyết tất cả các vấn đề trợ giúp doanh nghiệp, đặc biệt là bảo đảm tiền lương và việc làm.

Sau đợt đi thực tế tại các địa phương, người đứng đầu VCCI cho biết nhiều nơi đang có cách làm khác nhau. Có địa phương đã lập được một đầu mối thống nhất như tại Hà Tĩnh, lãnh đạo tỉnh đã thành lập một ban chỉ đạo do một Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách, đến tận khu công nghiệp Vũng Áng "ngồi và giải quyết vụ việc". Hay tại Đồng Nai và Bình Dương, những doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp sẽ nhận được hỗ trợ từ ban quản lý khu công nghiệp, còn các doanh nghiệp ở ngoài thì có Ủy ban nhân dân các cấp.

Ngoài ra, các văn bản liên quan đến triển khai các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp cũng cần công bố bằng cả ba thứ tiếng: Tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung tới các nhà đầu tư, tránh tình trạng diễn dịch và hiểu khác nhau gây khó khăn trong quá trình thực hiện, theo lãnh đạo VCCI.

Bà Virginia Foote - Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam cũng kiến nghị cần có sự tham gia của các luật sư, nhà tư vấn luật để đánh giá những thiệt hại, làm minh bạch quá trình đền bù và chứng minh cho nhà đầu tư thấy có sự công bằng, thỏa đáng giữa các bên.

"Chính phủ đã nhanh chóng kiểm soát tình hình về mặt an ninh. Chúng tôi hy vọng các cơ quan chính quyền cũng sẽ nhanh chóng triển khai các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn một cách có hiệu quả. Kết quả thực hiện được chắc chắn sẽ phát đi tín hiệu tích cực củng cố niềm tin của các nhà đầu tư", ông Vũ Tiến Lộc phát biểu.

Liên quan đến việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc nhận định nếu không ngăn chặn được sẽ gây ảnh hưởng lớn tới quan hệ kinh tế thương mại Việt - Trung trên tất cả các phương diện: Tín dụng, đầu tư, thương mại… Thống kê cho thấy 50-60% nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, 90% các dự án nhiệt điện cũng có nhà thầu phụ đến từ quốc gia này...

"Điều này đặt ra yêu cầu Việt Nam phải có phương án đối phó, vừa phải duy trì ổn định quan hệ kinh tế - thương mại với Trung Quốc, vừa tránh lệ thuộc vào thị trường này", lãnh đạo VCCI nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị này đánh giá đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam tiến hành cải cách thể chế nhằm đa dạng hóa thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, riêng chương trình "tham vọng" cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong hai năm tới, ông Lộc thông tin hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý quan tâm và mong phía Việt Nam cung cấp hồ sơ về các doanh nghiệp trong lộ trình được tái cơ cấu.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2014 khai mạc sáng 5/6. Ngoài trọng tâm đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam và cơ hội tham gia các Hiệp định thương mại tự do, sẽ có 7 nhóm công tác tham gia trình bày tham luận như nhóm công tác ngân hàng và thị trường vốn, thuế, nông nghiệp, lao động và việc làm... Đại diện các Bộ, ngành liên quan cũng sẽ có ý kiến trao đổi ngay sau mỗi bài trình bày.

Theo lãnh đạo VCCI, năm nay diễn đàn có thêm một tiểu nhóm công tác mới là Năng lượng, do vấn đề phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn