Đại chiến hàng không giá rẻ ở Việt Nam

Thứ hai, 03/11/2014, 14:31
Liên tục mở đường bay mới và phình to đội máy bay, cuộc so kè giữa Jetstar Pacific với VietJet đang dần lên tới đỉnh điểm.

Trong lúc Jetstar Pacific khai trương trong cùng một ngày (27/10) tới hai đường bay là TP.HCM - Singapore và Hà Nội - Vinh, thì tại Ấn Độ, VietJet cũng bắt tay liên doanh với Air Costa, nhằm khai thác mạng bay kết nối các điểm đến giữa Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ, dự kiến sẽ chính thức được triển khai từ tháng 12 năm nay.

Cuộc chiến sinh tử

“Philippines, Hồng Kông, Nhật và khu vực Nam Trung Quốc đang nằm trong kế hoạch, và có thể là các điểm đến tiếp theo của chúng tôi trong năm sau”, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Jetstar Pacific, nói trên chuyến bay khai trương từ TP.HCM tới Singapore.

Ông Hà cho rằng, đây là những đường bay tiềm năng và có thể góp phần quan trọng giúp Hãng thực thi có hiệu quả lộ trình cắt lỗ hoàn toàn trong thời gian sớm nhất. Để đảm bảo tính khả thi của kế hoạch lớn này, Jetstar Pacific sẽ bổ sung thêm 3 chiếc A320 nữa trong tháng 11 và 12 năm nay vào đội bay hiện tại gồm 7 chiếc của mình. Đáng chú ý, chiếc thứ 8 là loại A320 Sharklet đời mới vừa được xuất xưởng tại Toulouse (Pháp) sẽ được đưa vào khai thác chỉ trong vài ngày tới.

Như vậy, kể từ thời điểm phần vốn Nhà nước mà đại diện là SCIC (nắm giữ gần 70%) tại hãng này đã được chuyển sang cho Vietnam Airlines hồi năm 2012, hoạt động thương mại của Jetstar Pacific đang dần được cải thiện theo hướng tích cực. Đặc biệt, đường bay quốc tế mới nhất từ TP.HCM - Singapore còn được trợ lực từ Jetstar Asia cũng thuộc Jetstar Group, với tần suất khai thác đường bay này hiện đã khá dầy với 3 chuyến mỗi ngày.

Mục tiêu lớn của Jetstar Pacific chính là chiêu “ngoại kích”, bằng việc liên kết với Jetstar Group đang khai thác trên 630 chuyến bay mỗi tuần giữa Singapore với 22 điểm đến trong khu vực, cùng chiến lược “nội công” là đưa khách quốc tế tới 11 điểm đến nội địa tại Việt Nam.

Tiếp tục chiến lược mở rộng thị trường quốc tế, Jetstar Pacific sẽ chính thức khai thác đường bay hằng ngày từ TP.HCM tới Bangkok (Thái Lan) kể từ ngày 10.12 tới đây. Mức độ cạnh tranh trên đường bay này cũng khốc liệt không kém đường bay tới Singapore, với sự tham gia của các hãng như Vietnam Airlines, Thai Airways, VietJet, Turkish Airlines, Air Asia, Air Astana.

“Từ năm sau, Hãng sẽ tăng thêm khoảng 3 máy bay mới cho đội bay mỗi năm, cùng chiến lược tiếp tục huy động thêm vốn”, ông Hà chia sẻ. Vị lãnh đạo Jetstar Pacific cũng không loại trừ khả năng sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong tương lai, nhằm đa dạng hóa nguồn vốn hoạt động, vì bản chất của Hãng đã là công ty cổ phần. Tất nhiên, một trong các điều kiện tiên quyết để thu hút nhà đầu tư là Hãng bắt buộc phải kinh doanh có lãi.

Trong khi Jetstar Pacific đang đẩy mạnh tăng tốc trên bầu trời quốc tế thì VietJet cũng không hề kém cạnh, với hàng loạt hoạt động mở đường bay mới, tậu thêm máy bay và bắt tay với đối tác ngoại. Mới nhất, sự kiện VietJet bắt tay với Air Costa là hãng giá rẻ của Ấn Độ càng khẳng định cho chiến lược tăng tốc ở thị trường nước ngoài trong năm sau.

Đây là kịch bản từng được VietJet triển khai cách đây 2 năm khi tham gia liên doanh với Kan Air của Thái Lan, nhằm khai thác mạng bay nội địa tại nước này. Theo thông tin chưa được công bố, nhiều khả năng liên doanh Thai - VietJet sẽ chính thức cất cánh thương mại trong tháng 12 tới đây.

Cuộc so kè giữa Jetstar Pacific với VietJet đang dần lên tới đỉnh điểm.

Cuộc so kè giữa Jetstar Pacific với VietJet đang dần lên tới đỉnh điểm.

Chưa hết, chiến lược liên doanh này còn được VietJet triển khai cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Cụ thể, Hãng cũng vừa ký kết 3 bên với công ty Angel Fairy Travel & Southeast Asia University, đưa liên doanh Thai - VietJet phối hợp cùng VietJet tại Việt Nam tổ chức khai thác đường bay kết nối 3 điểm đến giữa Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ trong năm sau.

Như vậy, VietJet đang áp dụng chiến lược phát triển khá giống với cách mà Air Asia từng làm tại các thị trường Thái Lan, Indonesia, Philippines, Nhật, để dần khép kín mạng bay trong toàn bộ khu vực châu Á. “Để phục vụ chiến lược quốc tế hóa, chúng tôi sẽ tăng đội bay thêm khoảng 10 chiếc A320 mỗi năm”, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành VietJet, nói.

Bài toán hiệu quả

Trong lần phát ngôn với hãng tin Bloomberg vào năm ngoái, ông Khánh cho biết VietJet bắt đầu kinh doanh có lãi sau chưa đầy 2 năm hoạt động. Tuy nhiên, ý kiến chung của nhiều chuyên gia trong ngành đều cho rằng, tính xác thực của thông tin này cần được kiểm chứng. Ngoài ra, cũng theo ông Khánh, VietJet sẽ tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mạnh của Hãng trong vài năm tới. Cụ thể, Hãng dự kiến sẽ tiến hành IPO trong năm 2015 để chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hồng Kông hay Singapore, nên việc tuyên bố có lãi sẽ không nằm ngoài mục tiêu quảng bá cho VietJet trước các nhà đầu tư quốc tế.

Trên thực tế, với đặc thù của mô hình kinh doanh hàng không giá rẻ, bản thân doanh nghiệp vận hành phải có khả năng trường vốn để phát triển mạng bay đến quy mô tương đối lớn cùng đội bay ít nhất từ 20 - 30 chiếc, và phải cần thời gian từ 3 - 5 năm trở lên thì mới có thể hy vọng hòa vốn.

Đối với VietJet, hiện Hãng đã hầu như “càn quét” sạch các điểm đến chính ở thị trường nội địa, và đang đẩy mạnh chiến lược quốc tế hóa với các đường bay tới Singapore, Bangkok, Seoul, Đài Loan, Campuchia. Trong năm sau, VietJet dự kiến sẽ có kế hoạch phát triển tới cả thị trường Đông Bắc Á lẫn Đông Nam Á gồm Hồng Kông, Tokyo, Quảng Châu, Thượng Hải và Manila. Tương ứng với tốc độ phát triển mạng bay là việc phình to đội máy bay lên 20 chiếc vào cuối năm nay. Cần nhắc lại rằng, VietJet hiện được hậu thuẫn về vốn hoạt động chủ yếu từ công ty mẹ là Ngân hàng HD và một số cổ đông khác.

“Tôi không nghĩ VietJet đã có lãi, nhưng với tốc độ phát triển như hiện nay, hãng này đang tiến nhanh tới điểm hòa vốn có thể trong năm sau, với điều kiện việc quản trị doanh thu cùng chi phí phải đạt mức tối ưu”, một chuyên gia lâu năm trong ngành nói.

Trong khi đó, thông tin từ Vietnam Airlines cho hay, kết quả hoạt động kinh doanh của Jetstar Pacific từ 2008 - 2013 luôn trong tình trạng thua lỗ, với tổng mức lỗ lũy kế lên tới 2.564 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu năm 2013 vẫn âm 736 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một thông tin tích cực là hồi tháng 7 năm nay, cả Vietnam Airlines và cổ đông Qantas đã quyết định rót thêm 35 triệu USD cho Jetstar Pacific, với tỷ lệ 25 triệu USD (Vietnam Airlines) và 10 triệu USD (Qantas), nhằm thực thi chiến lược tái cấu trúc toàn diện hãng giá rẻ này. Trong đó, Hãng sẽ tập trung cho việc quản trị hiệu quả chi phí, phát triển đội bay cùng mạng đường bay trong và ngoài nước.

“Xét về hiệu quả hoạt động tính trên mức chi phí mỗi ghế ngồi có khách hiện nay, Jetstar Pacific chỉ được xếp ở mức trung bình thấp so với các hãng giá rẻ của khu vực. Chúng tôi đang đặt mục tiêu giảm 50% mức lỗ qua từng năm”, ông Hà cho biết.

Hiện cơ cấu chi phí của Hãng được xác định theo tỷ lệ là 45% (xăng dầu), 20% (thuê máy bay), còn lại dành cho nhân sự, phí phục vụ trên không, dưới đất và các chi phí khác. Vị lãnh đạo Hãng cho rằng, bài toán quản trị chi phí hoạt động hiệu quả là khả thi, nhưng tình hình cạnh tranh với VietJet và các hãng giá rẻ trong khu vực ngày càng khốc liệt nên phải mất thêm vài năm nữa mới có thể tính tới chuyện hòa vốn.

Thực tế đã chứng minh điều này với trường hợp của Air Asia. Trong khi các liên doanh tại Thái Lan và Indonesia tiếp tục hoạt động có lãi thì trong năm qua, Air Asia đã phải bán lại phần vốn của mình trong liên doanh ở Nhật cho đối tác All Nippon Airways, do thua lỗ nặng. Mới đây, Air Asia lại tiếp tục bắt tay với đại gia thương mại điện tử Rakuten cùng hai đối tác khác đều của Nhật, nhằm hồi sinh hoạt động của Japan Air Asia trong năm sau.

Trong cuộc đua tại Việt Nam, có vẻ VietJet đang nhỉnh hơn Jetstar Pacific. Nhưng với trợ lực của Vietnam Airlines và Qantas, Jetstar Pacific đang kỳ vọng cho một giai đoạn phát triển mới.

Theo NCĐT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn