Ngày 4/11/2014, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) phối hợp với Công ty chứng khoán VPBS tổ chức hội thảo “Kinh tế thế giới Việt Nam, thực trạng 2014 và triển vọng 2015” với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế hàng đầu.
Thu nhập của người Việt Nam đang tăng nhanh hơn chi tiêu cho đời sống
Tại hội thảo, ông Barry Weisblatt (Giám đốc Khối phân tích của Công ty chứng khoán VPBS) đã khái quát về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2014 với những con số đầy lạc quan. GDP quý III tăng ấn tượng, giúp GDP cả năm 2014 dự kiến đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8%. Lần đầu tiên kể từ năm 2011, khu vực sản xuất và công nghiệp xây dựng có mức tăng cao hơn khu vực dịch vụ. Doanh thu bán lẻ đang tăng.
Các con số về xuất khẩu cho thấy đây là lực đẩy chính cho tăng trưởng GDP nhưng xuất khẩu tăng chủ yếu nhờ các doanh nghiệp FDI. Theo ông Bary Weisblatt, một tin tức lạc quan cho khu vực FDI Việt Nam là mới đây, Microsoft tuyên bố sẽ di dời nhà máy sản xuất Nokia từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Với việc thương mại được cải thiện, Việt Nam đã tăng dự trữ ngoại hối, đạt mức dự trữ lớn nhất từ trước đến nay, ổn định được tỷ giá. Theo Giám đốc Khối phân tích của Công ty chứng khoán VPBS, giá trị tiền đồng ổn định là yếu tố then chốt để ổn định tỷ giá và theo đó, lạm phát cả năm được kỳ vọng thấp hơn 5%, góp phần làm giảm lãi suất.
“Lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ giảm thêm 1,3 điểm phần trăm trong vòng 6 -12 tháng tới” – chuyên gia này nhận định.
Đặc biệt, ông Barry Weisblatt dẫn số liệu chỉ ra rằng thu nhập của người Việt Nam đang tăng nhanh hơn chi tiêu cho đời sống. Theo đó, tại năm 2012, thu nhập bình quân đầu người một tháng theo giá hiện hành ước khoảng 2 triệu VND trong khi chi tiêu cho đời sống bình quân đầu người một tháng theo giá hiện hành khoảng 1,5 triệu đồng.
Về điều này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nói thêm: “Một khoản cực lớn vẫn nằm trong lòng đất nước này, đó là tiền tiết kiệm của nhân dân. Với việc thu nhập cao hơn chi tiêu bình quân, nếu như niềm tin quay trở lại với người dân thì những khoản tiền của tư nhân Việt Nam sẽ quay lại đầu tư và trở thành nguồn lực vô cùng to lớn”.
Ông Barry Weisblatt cũng nhận định, thị trường bất động sản đã xuất hiện những tín hiệu phục hồi, đặc biệt là phân khúc bình dân.
Về chi tiêu Chính phủ, chuyên gia nhận xét Chính phủ đã có những biện pháp hiệu quả hạn chế thâm hụt và lãi suất thấp hơn giúp Chính phủ tăng vay nợ mà không làm thâm hụt ngân sách quá nhiều.
Hiện nay, tất cả các tổ chức xếp hạng lớn đều nâng hạng và đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. Ngày 28/6/2013, S&P xếp hạng Việt Nam ở mức BB- với triển vọng ổn định. Ngày 29/7/2014, Moody’s xếp hạng Việt Nam ở mức B1 với triển vọng ổn định và ngày 23/1/2014, Fitch xếp hạng Việt Nam là B+ với triển vọng tích cực. Từ đó, thị trường tín dụng cũng phản ánh tích cực với chênh lệch giá CDS thấp hơn.
Triển vọng kinh tế là tiếp tục hồi phục
Ông Sanjay Kalra – Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF tại Việt Nam và Lào nhận xét, triển vọng kinh tế là tiếp tục hồi phục nhưng nhịp độ yếu và không đồng đều.
“Dự báo tăng trưởng sẽ tăng lên có thể không thành hiện thực hoặc không như mong đợi. Nâng cao mức tăng trưởng thực và tiềm năng vẫn là một ưu tiên” – ông Kalra phát biểu.
Đánh giá riêng về Việt Nam, chuyên gia của IMF nhấn mạnh vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô, lợi thế của dân số trẻ và sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường Quốc tế. Nổi bật của Việt Nam là những cải cách về cơ cấu trong khu vực ngân hàng, khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, ông Sanjay Kalra cho rằng doanh nghiệp nhà nước – tư nhân là một sân chơi không bình đẳng vì các doanh nghiệp nhà nước được tiếp cận tốt hơn thị trường hàng hóa và dịch vụ, được tiếp cận đầu vào như đất đai và vốn với chi phí ưu đãi.
“Hầu hết các DNNN đều không bị yêu cầu trả cổ tức cho kho bạc nhà nước trong thời gian trước năm 2013. Đây là điều rất trái với các chuẩn quốc tế” – ông Kalra nói.
Cũng tại hội thảo, bà Pamela Kustas (chuyên gia Thị trường chứng khoán tại khu vực Đông Nam Á của Bloomberg) lưu ý đến Việt Nam một điểm “thú vị” là sự đầu tư và thương mại đã chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhật Bản và Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam và không chỉ thế, họ ủng hộ Việt Nam về nhiều mặt.
Theo Infonet