Tháng 10 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), chủ đầu tư Liên doanh Việt - Nga Vietsopetro phối hợp cùng với tổng thầu Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) đã tổ chức Lễ đặt Ky (Keel laying) cho Giàn khoan Tam Đảo 05 sau hơn 10 tháng thi công.
Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 được thiết kế theo mẫu JU-2000E của Friede and Goldman (Hoa Kỳ) với tổng trọng lượng khi hoàn thành là 18.000 tấn; có thể hoạt động ở độ sâu hơn 120m (400ft) nước biển và có khả năng khoan tới độ sâu 9000m (30.000ft).
Giàn khoan Tam Đảo 05 có giá trị 230 triệu USD và theo dự kiến sẽ được hoàn thành sau 32 tháng thi công. Đây là giàn khoan tự nâng thứ hai do các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chế tạo hoàn toàn trong nước sau giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 đã được đưa vào sử dụng từ năm 2012.
Thi công giàn khoan Tam Đảo 05 |
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn nhấn mạnh: "Việc chế tạo Giàn khoan Tam Đảo 05 cũng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và thể hiện chủ quyền đối với tài nguyên quốc gia.”
Có thể nói giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 là một bước tiến quan trọng trong công nghiệp khai thác năng lượng của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng và thể hiện chủ quyền đối với tài nguyên quốc gia.
Đại diện của Shipyard, ông Vũ Ngọc Hoan trả lời PV nhấn mạnh đây là loại giàn khoan có thể tự di chuyển trên biển, chuyên dùng trong lĩnh vực thăm dò dầu khí và sửa chữa các giếng dầu. Khi có Tam Đảo 05 Vietsovpetro chủ động hơn trong lĩnh vực trên mà không phải đi thuê giàn khoan của nước ngoài.
Biểu đồ so sánh khả năng khai thác của giàn khoan tự nâng và giàn khoan nửa chìm |
Nhận xét về giàn khoan Tam Đảo 05 này, chuyên gia hàng hải Đỗ Thái Bình cho rằng Việt Nam đã sở hữu khả năng đóng những giàn khoan tiên tiến.
“Giàn khoan tự nâng được sử dụng trong việc khai thác những mỏ dầu gần bờ, ven bờ, như các mỏ Bạch Hổ, Đại Hùng… mà chúng ta đang khai thác. Còn nếu muốn khai thác ở những lô dầu khí xa hơn có độ sâu nước vài trăm mét đến gần 1000 mét như trong vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa, sẽ phải sử dụng công nghệ giàn khoan khác như giàn khoan nửa chìm.
Tiêu biểu như việc vừa qua Trung Quốc đã đưa giàn khoan nửa chìm Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) vào vùng biển Hoàng Sa của ta để khoan thăm dò.
Tuy nhiên cần nhìn nhận thẳng thắn rằng Trung Quốc không phải nước thiết kế ra cái giàn khoan nửa chìm đó mà chỉ đi mua thiết kế của Friede and Goldman (Hoa Kỳ) rồi chế tạo, gia công tại Trung Quốc.”
Chuyên gia Đỗ Thái Bình nhận định: “Việc Việt Nam chế tạo được giàn khoan hiện đại như Tam Đảo 05 bằng thiết kế của Mỹ cũng rất đáng khen. Nó khẳng định thế hệ kỹ sư trẻ của Việt Nam có thể làm được nhiều việc nếu họ được tập hợp dưới một lá cờ có tổ chức và quyết tâm làm việc thực sự, khẳng định mình thực sự.”
Ông Đỗ Thái Bình cho rằng việc tự đóng các công cụ để khai thác là điều tất yếu và cần phải thúc đẩy. Giàn khoan tự nâng này dù chỉ hoạt động ở các mực nước ven bờ nhưng có thể coi đó là một bước thử nghiệm, tích lũy kinh nghiệm, Việt Nam hoàn toàn có thể đóng được những giàn khoan lớn hơn, hoạt động ở mực nước sâu hơn với sự giúp đỡ từ công nghệ của Mỹ.
Theo Đất Việt