Tàu Trung Quốc tại khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam - Ảnh: Reuters |
Trung Quốc ngày 15/7 đã kéo giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam về đảo Hải Nam, tuyên bố rằng hoạt động thăm dò tại Biển Đông đã hoàn tất, theo tạp chí The Diplomat.
Trước đó, Trung Quốc cũng từng tuyên bố sẽ triển khai giàn khoan kể từ đầu tháng 5 cho đến 15/8.
Tờ The Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) hôm 22/7 cũng đăng tải một bài xã luận nhận định chính áp lực của cộng đồng quốc tế đã buộc Trung Quốc kéo giàn khoan đi, nhưng cảnh báo Bắc Kinh sẽ không dừng lại ở đó.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu châu Á thuộc Đại học New South Wales (Úc), nhận định trên The Diplomat rằng có thể Mỹ đã thuyết phục Trung Quốc tại sự kiện Đối thoại Kinh tế và Chiến lược (tổ chức ở Bắc Kinh) để Trung Quốc kéo giàn khoan đi, sau khi kêu gọi “đóng băng” tất cả các hành động gây hấn ở Biển Đông
Ông Thayer cũng cho rằng giàn khoan Hải Dương-981 có thể bị bão Rammasun thổi tung nên Bắc Kinh lo ngại và quyết định kéo giàn khoan sớm hơn kế hoạch đề ra.
Các nhà phân tích và phê bình chính trị quốc tế từng có những ý kiến trái chiều về vấn đề "liệu rằng bão Rammasun có phải là một mối đe dọa đối với giàn khoan Hải Dương-981?".
Một số nhà phân tích cho rằng giàn khoan này được thiết kế để chịu được những cơn bão lớn.
Nhưng chuyên gia Sourabh Gupta, thuộc Tổ chức Samuels International chỉ ra rằng “giàn khoan này được sửa chữa hồi năm 2013 và có thể không chịu nổi những cơn bão lớn trong mùa bão từ tháng 7 - 9 hằng năm”.
Trung Quốc kéo sớm giàn khoan đi nhằm tránh làm xấu đi quan hệ với Việt Nam và tránh bị Việt Nam kiện ra tòa án quốc tế giống như Philippines đã làm, theo nhận định ông Thayer.
Các chuyên gia còn cho rằng bởi vì không tìm thấy được nhiều trữ lượng hydrocarbon như mong đợi nên Bắc Kinh cho kéo giàn khoan sớm, theo The Diplomat.
Theo Thanh Niên