Các luật sư cho rằng, xét về đạo đức, công khai danh tính người mua dâm về cơ quan, chính quyền địa phương là không nên. Nhưng về pháp lý và hiệu quả phòng chống, đề xuất của Hà Nội vẫn cần được nghiên cứu, xem xét.
Không công bằng
Luật sư Phạm Thanh Bình (Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc - Hà Nội) phân tích: Pháp lệnh Phòng chống mại dâm từ năm 2003 và những hướng dẫn kèm theo đều không quy định công khai danh tính người mua dâm.
Pháp lệnh chỉ quy định, nếu người mua dâm là cán bộ, công chức hoặc thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, ngoài việc bị xử phạt còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để giáo dục và kỷ luật.
LS Phạm Thanh Bình cho rằng, nhìn ở góc pháp lý và xã hội, đề xuất công khai danh tính người mua dâm cho cơ quan, chính quyền địa phương là có cơ sở.
Vị luật sư phân tích: Mại dâm cũng như hoạt động kinh doanh, có cả bên mua và bên bán. Lâu nay, danh tính người bán dâm vẫn bị công khai nhưng người mua dâm thì không. Như vậy là không công bằng.
Công khai danh tính phụ nữ mà giấu tên nam giới là không phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giới trong pháp luật.
Luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng Luật Ánh sáng công lý - Hà Nội). |
Rất nhiều người mua dâm là đàn ông đã có gia đình. Họ không những vi phạm Pháp lệnh Phòng chống mại dâm mà còn vi phạm Luật Hôn nhân & Gia đình. Như vậy, công bố danh tính những người này không những phòng ngừa mà còn có tính răn đe cao.
"Nếu anh sợ hạnh phúc gia đình tan vỡ, anh đừng đi mua dâm." - Ông Bình nói.
Theo luật sư Bình, đây là đề xuất của Hà Nội nhằm nâng Pháp lệnh Phòng chống mại dâm lên thành Luật Phòng chống mại dâm. Đề xuất này nên được Quốc hội nghiên cứu, xem xét.
Luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng Luật Ánh sáng công lý - Hà Nội) nhận định, công khai danh tính người mua dâm về cho người đứng đầu cơ quan, chính quyền địa phương có thể sẽ phát huy hiệu quả. Nhưng Hà Nội muốn đưa việc công khai danh tính người mua dâm vào luật, phải nghiên cứu quy định cụ thể. Trong đó, luật phải nói rõ trách nhiệm của người gửi và nhận thông báo.
"Sau khi gửi thông báo về cơ quan, hoặc địa phương, ai dám chắc thông tin không bị công bố rộng rãi hoặc vô tình lọt ra ngoài, đến tai những thân. Điều này sẽ gây ra hậu quả khôn lường." - Luật sư Kiên e ngại.
Trừng phạt hay ngăn chặn?
Theo LS Phạm Thanh Bình, về mặt đạo đức, việc công khai danh tính người mua dâm về cơ quan, địa phương là không nên. Thông tin này có thể đến với người thân, quen, bạn bè và gây mất danh dự, tan vỡ hạnh phúc gia đình. Chưa kể, vợ con họ bị sốc và điều đó dẫn đến những hành vi đáng tiếc.
Ông Bình lấy ví dụ về vụ việc một cán bộ có chức vụ khá cao đi mua dâm, bị công khai danh tính. Ông này mất chức là xứng đáng. Nhưng con gái ông ta vì xấu hổ quá nên đã tự sát.
Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Trưởng Văn phòng Luật Hằng Nga) còn cho rằng, không nên công khai danh tính kể cả người mua dâm lẫn bán dâm.
Bà luật sư giải thích, mại dâm là sự thỏa thuận giữa hai bên. Luật hiện nay quy định chỉ phạt hành chính chứ không xử lý hình sự. Nộp phạt hành chính nghĩa là người mua dâm hay bán dâm đều đã chịu trách nhiệm về hành vi đó rồi. Người mua dâm không nhất thiết phải chịu một hình thức xử lý về mặt danh dự.
Công khai danh tính rất dễ gây ảnh hưởng hạnh phúc gia đình. Công khai danh tính người mua dâm chỉ phát huy tính trừng trị nhưng hạn chế tính giáo dục. Có người sẽ tiếp thu được cách giáo dục đó. Nhưng nhiều người không tiếp thu được. Việc công khai sẽ tác động rất xấu tới tâm lý. Người đó sẽ cảm thấy xấu hổ với người khác và dễ dẫn tới con đường tội lỗi khác.
Danh tính người bán dâm bị công khai nhưng người mua dâm thì không (Ảnh minh họa).
Ở nhiều nước, mại dâm được hoạt động hợp pháp. Ở Việt Nam, hành vi này chưa được hợp pháp hóa nên cơ quan chức năng vẫn phải xử lý hành chính. Điều đó đã cho thấy sự răn đe, không cần thiết có thêm hình thức nặng nề hơn nữa.
"Nhưng muốn xử lý, nâng mức phạt tiền lên là hiệu quả nhất. Mức phạt như hiện nay không ăn thua gì." - LS Hằng Nga đề xuất.
Nhưng luật sư Hằng Nga cũng cho rằng, trong xã hội, nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt như: đàn ông chết vợ, đàn bà chết chồng, đi làm ăn xa, vợ không làm thỏa mãn,...
Để giải quyết triệt để vấn đề này, Nhà nước nên thành lập một tổ chức hợp pháp dành cho hoạt động này. Như vậy, Nhà nước vừa dễ quản lý lại thu được thuế, làm lợi cho ngân sách nhà nước. Cũng như nhiều nước, mại dâm nên được hoạt động theo tổ chức, có cơ sở, địa điểm, có chế độ quản lý, khám bệnh, kiểm tra định kỳ,... Người nào hoạt động không theo tổ chức, quy định sẽ bị xử lý nghiêm.
Theo Khampha