Từ phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền, phí cấp mã PIN, phí đóng tài khoản, và có những khoản “trời ơi đất hỡi” mà khách hàng không biết là phí gì vì không có trong biểu phí của ngân hàng.
Trong thời kỳ mà các ngân hàng đang cạnh tranh hết sức khốc liệt, việc chạy đua chỉ tiêu cuối năm về số lượng mở thẻ đang khiến các nhân viên ngân hàng phải áp dụng đủ mọi “chiêu trò” mời gọi khách hàng đăng ký mở thẻ, với những lời mời chào hết sức hấp dẫn đại loại như “mở thẻ không mất phí” hay “Ưu đãi khi mở thẻ với nhiều quà tặng hấp dẫn, tặng phiếu giảm giá khi mua hàng..”. Tuy nhiên, việc mở thẻ có thật sự “ưu đãi” như lời các ngân hàng quảng cáo?
Anh Trung Hiếu, một nhân viên trong phòng cho biết, anh thường xuyên nhận được điện thoại tư vấn mời sử dụng dịch vụ, mở thẻ của các ngân hàng, mặc dù đã sở hữu không dưới 5 thẻ của các ngân hàng, và hiện tại không có nhu cầu nhưng những cuộc gọi như vậy ngày càng gia tăng.
Theo thống kê, hàng năm ước tính có khoảng 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng được áp dụng trên tất cả các giao dịch tài khoản cá nhân. Từ phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền, phí cấp mã PIN, phí đóng tài khoản hay mới đây nhất theo Thông tư số 35/2012/TT-NHNN thì ngân hàng thương mại được phép thu phí rút tiền mặt đối với các giao dịch nội mạng, từ 0 - 2.000 đồng/giao dịch trong năm 2014 và từ 0 – 3.000 đồng/giao dịch từ năm 2015 trở đi.
Vậy tính ra để sở hữu một chiếc thẻ ngân hàng, khách hàng phải "gánh" một loạt các phí như phí mở thẻ ( 100.000 VND), phí thường niên (60.000 VND), phí rút tiền mặt (2.000 VND), phí chuyển tiền cùng hệ thống (10.000 VND), phí cấp bản sao hóa đơn giao dịch (80.000 VND)…Cá biệt có một số ngân hàng còn thu những phí rất “trời ơi đất hỡi” như phí đóng tài khoản (20.000VND) hay thu phí “rà soát” khi khách hàng chẳng may khiếu nại sai! (80.000VND). Đó là còn chưa kể khoản thu thuế VAT 10%. Tính sơ bộ, hàng tháng khách hàng phải trả những khoản phí không hề “rẻ” chút nào!
Một số ngân hàng tung ra các chiêu kiểu như “mở thẻ không mất tiền” nhưng thực ra khi mở thẻ đó khách hàng buộc phải duy trì một số dư tối thiểu trong đó từ 50.000 đến 100.000 VND. Một hình thức “Bình mới rượu cũ” trong chiêu trò tận thu phí của khách hàng. Với một người sở hữu 4-5 thẻ ngân hàng như anh Hiếu, sẽ “lãng phí” một số tiền không hề nhỏ, khi mà hầu như anh chỉ sử dụng duy nhất một thẻ cho việc … rút tiền lương về đưa cho vợ.
Đành rằng việc thu phí là xu hướng cần thiết của các ngân hàng để duy trì hoạt động cũng như nâng cao chất lượng phục vụ cho các “thượng đê” thế nhưng việc tận thu hàng loạt các loại chi phí như vậy không phải là việc mà các ngân hàng nên làm. Rất nhiều khách hàng phàn nàn về việc thu phí nhiều nhưng chất lượng phục vụ lại đi xuống. Anh Nguyễn Thiếu Sơn (Cầu Giấy, HN) cho biết anh thường xuyên phải rút tiền từ ATM. Tuy nhiên, tình trạng cây ATM đang trong tình trạng hỏng hoặc hết tiền rất phổ biến.
Tình trạng thẻ ATM hết tiền hay nuốt thẻ thường xuyên đến nỗi Chính phủ buộc phải ra Nghị định 96 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó từ ngày 12/12/2014, ngân hàng nào để máy giao dịch tự động (ATM) hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng sẽ bị phạt 15 triệu đồng.
Thiết nghĩ, để thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm của mình, các ngân hàng cần có hướng đi mới trong cách tiếp cận. Thay vì các chiêu trò câu khách như “khuyến mại khủng” các ngân hàng nên chú trọng hơn vào chất lượng dịch vụ, phục vụ lợi ích cho các “thượng đế” của mình. Dù biết rằng các ngân hàng trước đây phải bỏ ra rất nhiều chi phí để có được lượng khách hàng cũng như hệ thống như ngày nay, nhưng nếu cứ tiếp tục tận thu mà ATM vẫn trục trặc, hệ thống chuyển khoản online giờ cao điểm lại nghẽn mạng...thì liệu rằng các ngân hàng có thể giữ chân được khách hàng của mình hay không?
Theo ANTT