Điêu đứng vì tiền đô tăng giá
Trong gần 1/3 thế kỷ làm ăn và sinh sống tại Liên bang Nga, người Việt đã trải qua nhiều cơn thăng trầm, dâu bể. Sau 5 năm vật vã trong nền kinh tế thị trường Nga vừa được khai sinh (1992), khi chưa kịp hoàn hồn với đợt kiểm tra thu gom hàng hóa kinh hoàng trong chiến dịch phong tỏa năm 1994, thì cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1998 đã khiến cộng đồng người Việt gần như đến chỗ trắng tay.
Chợ Vòm người Việt thời xa vắng.
Nói đến người Việt ở Nga là nói đến kinh tế chợ. Mảng kinh doanh truyền thống và chủ đạo của người Việt là buôn bán hàng vải. Người Việt đảm nhận vai trò phân phối mặt hàng này từ thời các thương xá hình thành, đến khi chợ Vòm phát triển và trong 5 năm qua tại các chợ bán buôn đầu mối Liublino, Xadovod và ở các thành phố lớn như Volgagrat, Kazan, Xvedlov, Krasnodar, Piachigorxk…
Mặc dù hệ thống siêu thị Nga phát triển với tốc độ chóng mặt, mặc dù các chủ chợ bán lẻ cho thuê quầy bán hàng với giá rất cao nhưng do chủ động đáp ứng các mặt hàng của người tiêu dùng Nga, cộng với kinh nghiệm kinh doanh nhiều năm, đại đa số các cửa hàng Việt đều làm ăn có lãi, tuy không cao bằng thời chợ Vòm còn tồn tại. Một thói quen và đồng thời là sự tính toán, cân đối trong kinh doanh, mọi thu chi, giao nhận hàng hóa, người Việt đều quy ra tỷ giá đồng đô la Mỹ.
Vào đầu tháng 7, tháng buôn bán khó khăn nhất, khi tỷ giá đô la biến động chút ít, giá hàng hóa bằng rúp cũng có sự xê dịch phù hợp, hầu như thu nhập của người Việt cũng vẫn có sự đảm bảo.
Nhưng mấy tháng gần đây, đặc biệt là từ trung tuần tháng 11.2014, đồng rúp mất giá từng ngày, thậm chí từng giờ từ 37 rúp/đô la; sau đó là 40, 41, 42, 45, 47, 50, 54 rúp/đô la làm cho việc kinh doanh của người Việt gần như đình trệ. Càng buôn bán, tính ra đô la càng lỗ. Nhiều chủ hàng lớn, từ đầu mùa hè đã chi ra một khoản tiền lớn để đặt hàng từ Trung Quốc, trong khi tính ra giá đô la ở thời điểm này, cộng với hàng tồn kho không bán được, họ đã gánh một khoản lỗ rất nặng.
Kinh doanh nông nghiệp sẽ lên ngôi?
Trong lúc đó, lượng khách hàng giảm đi rõ rệt, phần thì đồng lương của người Nga càng eo hẹp, phần thì họ chú trọng hơn vào thực phẩm và nhu cầu cuộc sống hàng ngày, nên giảm sự chi tiêu cho quần áo. Hàng ngàn quầy hàng của chợ Liublino hầu như chưa bao giờ trống chỗ, nhất là các dẫy hàng quần bò, giày dép là những mặt hàng bán chạy, thế nhưng những ngày này, lác đác đã có những quầy bỏ trống.
Do châu Âu cấm vận, hàng hóa thực phẩm nước ngoài vào Nga giảm hẳn, trong lúc này, chính quyền Nga đề ra khẩu hiệu phát huy nội lực, tăng cường sản xuất thực phẩm nội địa. Trong lĩnh vực này, người Việt tham gia không đáng kể. Một vài chủ người Việt ở Volgagrat, ngoại ô Mátxcơva có đất canh tác và có điều kiện nhà kính ấm áp, trại chăn nuôi, thì có thể trồng rau mùa đông, nuôi gia súc. Còn các chủ trồng rau ruộng thì công nhân không thể canh tác vào mùa đông băng giá, nên chỉ cho công nhân làm công cho các chủ nước ngoài trong các trang trại của họ.
Vào mùa hè, khách du lịch sang Nga đông, các công ty du lịch Việt đã phát huy hết công suất đưa đón khách từ trong nước sang và khách Nga về. Nhưng từ đầu mùa đông, thời tiết khắc nghiệt, khách Việt sang Nga chậm lại, còn khách Nga sang nghỉ ở Việt Nam đang thưa đi do thu nhập của họ giảm đi rõ rệt.
Một mặt, nước Nga đang phải đối đầu với sự suy thoái, nhưng mặt khác, chính quyền Nga khuyến cáo người dân về sự ổn định tương đối từ đầu năm cho đến giữa năm 2015, bất chấp giá dầu giảm sụt. Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, trong những giai đoạn nước Nga khó khăn nhất, là lúc người Việt phát huy hết khả năng sáng tạo và tiềm năng kinh doanh của mình.
Một số chủ hàng có thâm niên trên thương trường nhận định rằng, khoảng đầu năm sau, nguồn dự trữ hàng hóa của Nga sẽ cạn, hàng giá rẻ lên ngôi. Hàng giá rẻ sẽ phù hợp với túi tiền người nghèo ở Nga, thị phần mà người Việt chiếm ưu thế nhất. Nếu các xưởng may kiên trì bám trụ, nhằm vào đối tượng này, sẽ duy trì và phát triển được thế mạnh của mình. Hơn nữa, khi qua mùa đông, các chủ trang trại sẽ thâm canh ngắn hạn, đáp ứng được nhu cầu thực phẩm rất lớn của người Nga.
Thành ngữ Việt Nam có câu, “nước nổi thì bèo nổi”; tình hình nước Nga nếu biển đổi tích cực, thì cộng đồng người Việt sẽ làm ăn ổn định.
Không bán được hàng, hậu quả người Việt gánh chịu là tạo nên một dây chuyền nợ nần lẫn nhau. Không hiếm trường hợp một số chủ hàng lớn và chủ hàng nhỏ đã “bùng tiền”, ôm một đống tiền hoặc một đống hàng rồi bỏ trốn. Các cơ quan chức năng Nga và Sứ quán đã nhận được nhiều đơn từ về loại tội phạm kiểu này.
Nga chính thức thừa nhận suy thoáiBộ Phát triển kinh tế Nga ngày 2.12, đã điều chỉnh dự báo GDP trong năm 2015 từ mức tăng trưởng 1,2% giảm xuống mức 0,8%. Đây là lần đầu tiên, Chính phủ Nga thừa nhận rằng nước này có khả năng sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới, do tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như sự sụt giảm giá dầu xuất khẩu của nước này. Đồng rúp rớt giá mạnh cũng làm dấy lên lo ngại lạm phát tăng ảnh hưởng tới chi tiêu. Trong một sắc lệnh được Tổng thống Putin ký ngày 2.12, lương công chức ở văn phòng tổng thống, chính phủ cùng các cơ quan công quyền khác sẽ không được chỉnh sửa theo sự lạm phát trong năm 2015. |