Dầu thô giảm giá kỷ lục: Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn?
Thứ tư, 03/12/2014, 16:05
Dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm trở lại, tác động đến các nền kinh tế trong đó có Việt Nam. Dầu thô giảm 1 USD, ngân sách có thể thất thu 1.000 tỷ đồng tuy nhiên đánh giá những điểm tích cực do giá dầu thô giảm mang lại sẽ khiến thiệt hại giảm đi đáng kể.
Giá dầu giảm tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: TL.
Giảm thu ngân sách
Trước diễn biến giá dầu thế giới giảm mạnh tác động đến kinh tế Việt Nam như thế nào, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, giá dầu thô giảm đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách từ bán dầu.
TS. Doanh dẫn chứng số liệu 20% nguồn thu ngân sách đến từ việc xuất khẩu dầu thô, gần đây mặc dù con số này đã giảm nhưng vẫn ở mức trên 10%.
“Do vậy giá dầu thô giảm từ mức dự toán 100 USD/thùng đến nay là 70 USD/thùng, thậm chí có thể xuống mức dưới 70 USD/thùng là thiệt thòi lớn cho ngân sách”, TS. Doanh nói.
Đồng quan điểm, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cũng cho biết, thu ngân sách sẽ chịu ảnh hưởng lớn do hoạt động xuất khẩu dầu thô cũng như hoạt động kinh doanh xăng dầu nội địa đều bị ảnh hưởng.
Hiện theo tính toán của Bộ Tài chính, giá dầu thế giới cứ giảm 1 USD thì ngân sách hụt khoảng 1.000 tỷ đồng. Nếu giá giảm về 85 USD thì ngân sách hụt khoảng 20.000 tỷ đồng.
Song, thu ngân sách sau 11 tháng do Bộ Tài chính công bố cũng cho thấy, nguồn thu tới nay đã vượt 100% dự toán với tổng số tiền đạt khoảng 789.600 tỷ đồng, tương đương 100,9% dự toán cả năm.
Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều hơn?
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, nhìn nhận về ảnh hưởng từ việc giá dầu thô giảm cần có nhìn toàn diện và đầy đủ cả mặt thiệt - lợi. “Cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ vừa qua mới chỉ nhấn mạnh một chiều về việc thất thu ngân sách nhưng chưa chỉ ra được những mặt tích cực. Việc tính toán những điểm tích cực sẽ thấy thiệt hại giảm đáng kể”, TS. Doanh nói.
Theo đó, TS. Doanh phân tích, Việt Nam nhập nhiều xăng dầu và chất dẻo, sợi tổng hợp, phân bón, thuốc sâu... những sản phẩm được sản xuất từ dầu lửa. Nếu giá dầu lửa giảm thì nhập khẩu của Việt Nam về mặt giá trị sẽ giảm, giảm việc phải sử dụng nhiều ngoại tệ nhập khẩu đây là khoản lợi đáng kể.
Thêm nữa, giá dầu giảm dẫn tới chi phí vận tải trong nước sẽ giảm, hàng hóa trong nước sẽ giảm và nền kinh tế vĩ mô sẽ ổn định và rất có thể lạm phát sẽ được kiềm chế.
Ngoài ra, nền kinh tế Nga gặp khó khăn, có thể bị rơi vào suy thoái, tăng trưởng kém, đồng Rúp mất giá trong khi nền kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản sẽ được lợi nhờ việc giá dầu thô xuống thấp vì đây là những nền kinh tế nhập khẩu dầu rất nhiều.
Vì vậy, TS. Doanh khuyến nghị doanh nghiệp cần chuyển hướng thị trường khai thác thêm những yếu tố biến động của kinh tế để các doanh nghiệp có thể được hưởng lợi nhiều hơn.
TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, với tình hình hiện nay nên khuyến khích doanh nghiệp trong nước tái cơ cấu, thành lập những doanh nghiệp mới để tận dụng cơ hội giá dầu giảm, nguyên vật liệu giảm.
Nhìn nhận về những mặt tích cực do giá dầu thô giảm mạnh, ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới cũng cho rằng việc giá xăng dầu thế giới giảm đã tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam do Việt Nam là quốc gia chịu áp lực lớn về lạm phát và chi phí vận tải rất lớn, chính trong rổ tính CPI giá xăng dầu đã chiếm vị trí quan trọng, ảnh hưởng mạnh đến tăng, giảm của chỉ số.
Bằng chứng, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 11 vừa qua đã giảm mạnh mà nguyên nhân chính được đề cập đến là do tác động của giảm giá xăng dầu.
“Việc giảm giá xăng dầu đã đỡ đần cho nền kinh tế, giảm chi phí và việc giảm chi phí cho nguyên liệu sẽ bù đắp cho phần cầu ở những lĩnh vực khác”, ông Sơn nhận định.
GS.TS Đặng Đình Đào cũng chia sẻ, trong điều kiện thu nhập còn hạn chế, giá xăng dầu giảm sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động hiện nay, doanh nghiệp có điều kiện để hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ…
"Với doanh nghiệp xăng dầu khi giá xăng dầu giảm cũng sẽ có những khó khăn nhất định nhưng họ luôn được bù đắp chi phí kinh doanh và hưởng lợi nhuận định mức tính ngay trong giá cơ sở. Điều mà các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác trên thị trường không bao giờ có được", GS. TS Đặng Đình Đào phân tích.