Lao động Việt Nam làm thêm giờ ít nhất khu vực

Thứ tư, 03/12/2014, 08:26
Các nhà đầu tư nước ngoài đang lo lắng về rào cản thời gian làm thêm giờ tại Việt Nam. Nhóm công tác Nguồn Nhân lực của VBF khuyến nghị Chính phủ nên tăng mức trần lên gấp 4 lần so với hiện nay.

Báo cáo tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) hôm 2/12, ông Colin Blackwell - Trưởng tiểu nhóm công tác Nguồn Nhân lực cho biết Việt Nam có mức làm thêm giờ thấp nhất trong khu vực và nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng điều này sẽ làm giảm mạnh hiệu quả kinh doanh.

dn-lam-them-gio-3194-1417486531.jpg

Nhà đầu tư nước ngoài khuyến nghị tăng thời gian làm thêm giờ gấp 4 lần so với hiện nay.

Theo Luật Lao động hiện hành, thời gian làm thêm giờ tại Việt Nam không được quá 200 giờ một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt nhưng không quá 300 giờ. Ông Blackwell nhận định: "Giới hạn làm thêm giờ hiện nay tại Việt Nam thấp hơn mức trung bình thế giới và thấp hơn các nước khác trong khu vực châu Á. Việc cải thiện mức làm thêm giờ này sẽ đặc biệt hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán".

Cụ thể, nếu một nhà máy ở Trung Quốc hay Thái Lan có mức làm thêm giờ là 1.872 giờ một năm và Việt Nam là 300 giờ, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc khi ra quyết định đầu tư. Một khảo sát của nhóm công tác với 400 doanh nghiệp nước ngoài cũng cho thấy, 55% doanh nghiệp cho rằng họ đã có các phương thức xử lý linh hoạt đối với hạn mức làm thêm giờ, tuy nhiên 13% doanh nghiệp cho rằng vấn đề này gây cản trở cho hoạt động kinh doanh và có tới 31% cho rằng vấn đề này làm giảm hiệu suất sản xuất.

"Mức làm thêm giờ thấp gây bất lợi cho những người lao động mong muốn và tự nguyện làm thêm giờ để nâng cao thu nhập. Chúng tôi đề nghị tăng mức làm thêm giờ lên 800 giờ cho tất cả các ngành công nghiệp và 1.200 giờ cho các ngành công nghiệp đặc biệt", vị này nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài phản ánh tăng lương tối thiểu đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu của họ tại Việt Nam. Khi được hỏi nếu mức tăng lương theo đề xuất của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (tăng 26-34%), rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất cho biết họ đã xem xét chuyển hoạt động đầu tư sang một nước khác, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu cạnh tranh trên thị trường quốc tế về giá.

Chấp nhận một mức tăng từ 13-15% theo Nghị định mới được Chính phủ ban hành về lương tối thiểu vùng, song cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài cũng kiến nghị cần cân nhắc kỹ khi đưa ra các quyết định này. "Nền kinh tế đang trong giai đoạn nhạy cảm khi sự cạnh tranh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mới. Do đó, đề xuất mức tăng lương cơ bản trong tương lai chỉ nên cao hơn mức lạm phát. Ví dụ như các thành viên của phòng thương mại Hàn Quốc thấy mức lương cơ bản tăng thêm 10% là hợp lý nhất", vị này đề xuất.

Bên cạnh đó, nhóm công tác cũng khuyến nghị Việt Nam cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, những người có thể nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động. "Việc thiếu các kỹ thuật viên có khả năng là vấn đề nhức nhối nhất hiện nay bởi Việt Nam đang đặt mục tiêu công nghiệp hóa đất nước, mà quá trình này lại rất cần những quy trình sản xuất chất lượng cao cộng với công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ hơn", nhóm công tác Giáo dục và Đào tạo nhận xét.

Ông Gaurav Gupta - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) cũng cảnh báo lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam đang giảm đi bởi sản lượng bình quân đầu người còn yếu kém. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng năng suất lao động bình quân ở khu vực sản xuất của Việt Nam chỉ bằng xấp xỉ 7% năng suất bình quân ở Trung Quốc.

"Thách thức về năng suất lao động này, cùng với sự phát triển chậm chạp của lực lượng lao động lành nghề, có thể đe dọa đến sự tăng trưởng liên tục của Việt Nam. Hàng loạt các nghiên cứu cho thấy chương trình giảng dạy đã lỗi thời, giáo viên có khả năng nhưng lương được trả chưa tương xứng, và sinh viên ra trường còn thiếu những kĩ năng cần thiết mà các công ty đa quốc gia tìm kiếm", vị này nhấn mạnh.

Để tiếp tục thu hút đầu tư và nâng cao trình độ của lực lượng lao động, ông Gupta khuyến nghị Chính phủ nên có thêm nhiều hành động để hiện đại hóa và nâng cấp chương trình giáo dục quốc gia, đặc biệt ở cấp độ đại học và trung cấp. Điều này sẽ đảm bảo Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động lành nghề với các quản lý, kĩ sư và kĩ thuật viên máy móc giúp nâng cao chuỗi giá trị trong bối cảnh chi phí lao động đang ngày càng tăng lên.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích