Hàng ăn trên phố Hạ Đình vẫn đông khách, chủ yếu là công nhân, dù liền kề với đó là rãnh nước thải.
Rẻ, tiện lợi, nhưng… bẩn
Nhiều người tính toán và lý giải rằng nếu vài người mà nấu ăn với nhau thì chẳng rẻ hơn ăn quán là bao, thậm chí là đắt đỏ hơn vì thế đi ăn hàng vừa đỡ mất thời gian đi chợ búa, nấu nướng vừa không phải dọn dẹp nhà, lau rửa bát đĩa… Tuy nhiên, khi tận mắt chứng kiến nơi xử lý đồ ăn tại các quán ăn này, nhiều người đã không khỏi giật mình vì sợ. Chưa kể, cách chế biến đồ ăn ở hầu hết các quán cơm bụi đều rất qua quýt và không đảm bảo vệ sinh. Rau quả dùng để chế biến được bày bán tại nhiều quán ăn bình dân đều khá rẻ tiền, thậm chí là kém chất lượng.
Có mặt tại phiên chợ sớm Ngã Tư Sở, chứng kiến những bao tải thịt gà, vịt mổ sẵn được bày bán, nhiều người không khỏi giật mình vì giá bán của chúng chỉ dao động ở mức 30.000 - 35.000 đồng/kg. Giá rẻ, đồng nghĩa với các sản phẩm thịt bày bán tại đây đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không đảm bảo. Khu vực cổng sau Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn buổi trưa chật cứng các hàng, quán ăn nằm dọc hai bên đường. Với sự hiện diện của gần chục hàng quán, nhưng quán nào cũng đông khách ăn.
Đáng nói, nhiều hàng quán chỉ bày tạm đôi bộ bàn, ghế tràn lan ra lòng đường và liền kề với nơi chứa rác thải. Do bán với giá cả phải chăng, nên các quán này vẫn đông khách. Nguyễn Thu Lan - SV ĐH Hà Nội tâm sự: “Những quán phục vụ SV với giá cực rẻ, chỉ 15.000 đồng/suất, tuy đồ ăn thì không được ngon cho lắm nhưng SV vẫn tới ăn rất đông do điều kiện kinh tế hạn chế…”.
Phó mặc sức khỏe của công nhân
Nhiều khách hàng đều có ý thức rằng, ăn cơm bụi không bao giờ đảm bảo chất lượng và không thể ngon bằng cơm nấu. Thế nhưng, nhiều người vẫn chấp nhận sử dụng thức ăn sẵn này, đâu là lý do? Trong khi mọi thứ đều tăng giá, điều kiện sống của công nhân, người lao động thu nhập thấp lại khá eo hẹp nên việc tự nấu ăn trong điều kiện ít người sẽ khá tốn kém. Vì thế, đồ ăn sẵn, giá rẻ cũng được nhiều người hướng đến.
Một số khu vực tập trung nhiều dịch vụ cơm bình dân như: Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung), phố Tạ Quang Bửu (phường Bách Khoa)... Tại các quán ăn này luôn tập trung đông khách, trong đó chủ yếu là sinh viên, công nhân và người lao động thu nhập thấp. Khu vực phố Hạ Đình hiện là một trong những địa điểm tập trung đông các nhà máy, xí nghiệp tại nội thành nhất với sự hiện diện của các công ty: Cty giày Thượng Đình, Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, Cty Động lực…
Tuy nhiên, giải quyết nhu cầu ăn uống của công nhân vẫn trông chờ chủ yếu vào các hàng quán ven đường. Trong khi đó, theo chứng kiến của PV, các hàng quán tại đây, đặc biệt là quán hàng ăn rong bày bán hai bên đường, sự không đảm bảo vệ sinh có thể cảm nhận bằng mắt thường.
Đáng chú ý, mức giá được các chủ hàng đưa ra đều khá mềm. Tuy nhiên, nếu nhân với số lượng người ăn lớn, thì số lãi các chủ hàng thu được không hề nhỏ. Đại bộ phận khách ăn là SV, công nhân, người lao động thu nhập thấp nên các chủ hàng phải tính toán mua thực phẩm ở mức phù hợp, giá rẻ nhất. Tất nhiên, các nguyên liệu được mua chủ yếu là nguyên liệu loại 2, loại 3... thậm chí, nguyên liệu còn không đảm bảo chất lượng.
Anh Nguyễn Văn Bốn - công nhân may của Công ty giày Thượng Đình nhẩm tính, trung bình mỗi ngày, nếu nấu ăn, chi phí cho mỗi người cũng phải mất 50.000 đồng. Chưa kể, đi làm về mệt mỏi nên càng ngại nấu nướng. “Cũng biết là ăn quán thì không đảm bảo vệ sinh, nhưng nhiều người vẫn ăn được đấy thôi. Cũng hoàn cảnh như mình, đành chịu thôi”.
Theo Laodong