Cá tiêm thuốc gây mê độc hại thế nào?

Chủ nhật, 19/10/2014, 14:25
Theo các chuyên gia, với cá quả, người dân nên mua loại sống, bơi khỏe, không có đốm. Bởi cá khỏe chứng tỏ một phần nào đó thuốc mê không còn tồn dư trong não, thần kinh, máu.

Cá "ngủ" nhờ thuốc

Mấy ngày nay, người dân lo lắng khi nghe thông tin cá quả Trung Quốc bị đánh thuốc gây mê chuyển về Việt Nam bán nhiều tại các chợ ở Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Hòa (Lý Thường Kiệt, Hà Nội) thấy bất an vì thông tin cá quả Trung Quốc bị đánh thuốc gây mê bán tại chợ. Trước đó, gia đình bà vừa mua con cá quả to, giá rẻ để chế biến. Bà chia sẻ, các bà nội trợ kháo nhau rằng cá quả Trung Quốc màu ngả vàng, bụng mổ ra nhiều ruột, nhiều mỡ. Bà cũng mua con cá như thế. Tuy nhiên, khi mua cá còn sống tươi. Vì thế, không rõ khi ăn vào có hại gì không, nhất là hai đứa cháu đang ở tuổi lớn.

Thạc sĩ Ngô Sỹ Vân, Phòng Nguồn lợi và Khai thác nội địa, Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản 1 cho hay, gây mê cá được áp dụng khá rộng rãi trong buôn bán, nuôi trồng thủy hải sản. Điều này nhằm mục đích đặt cá ở trạng thái "ngủ" giúp vận chuyển, thụ tinh, bắt hoặc chống sốc khi chuyển môi trường sống. Nguyên lý gây mê được áp dụng bằng cách hòa tan thuốc trong nước, đặt cá vào. Thuốc sẽ ngấm vào mang, chuyển vào máu, tác động lên não và thần kinh làm cá mê man. Trong quá trình này, chỉ cần ướp lạnh cá nhẹ, duy trì lượng oxy cá sẽ sống lại bình thường. Tùy vào loại cá sẽ có loại thuốc và liều lượng khác nhau. Nhìn chung, liều gây mê không quá cao nhằm hạn chế tình trạng cá chết.

Hiện trên thị trường có hai nhóm thuốc để đánh mê cá. Một là dùng cho cá thực phẩm với các thuốc như MS222... Đây là thuốc được cho phép dùng. Còn cá cảnh dùng loại Aquacalm... Loại này không được dùng cho cá thực phẩm. Ngoài ra, người ta có thể dùng xyanua hoặc nhóm thuốc ete. Thuốc ete tác động lên thần kinh, còn xyanua làm mang cá không tiếp xúc với oxy nên nổi lên mặt nước. Khi hết thuốc, cá sẽ tỉnh lại, các chất thuốc cũng đào thải ra môi trường.

Cá kém khoẻ với biểu hiện lờ đờ hoặc không có biểu hiện bề ngoài nhưng về lâu dài không tốt cho người ăn.
Cá kém khoẻ với biểu hiện lờ đờ hoặc không có biểu hiện bề ngoài nhưng về lâu dài không tốt cho người ăn.

Chớ ăn mỡ cá

Theo các chuyên gia, về nguyên lý các thuốc trên sẽ bốc hơi trong quá trình cá được chuyển sang nước sạch và sục khí. Tuy nhiên, đó là sử dụng các loại thuốc được phép của các cơ quan chức năng. Còn đối với cá được nhập qua đường tiểu ngạch, không qua kiểm duyệt của các cơ quan chức năng, việc người buôn dùng thuốc gì, chất thuốc có tồn dư trong thịt hay không thì đến nay chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ.

"Nhập lậu nên không thể nói cho ăn thuốc gì, ảnh hưởng thế nào. Nhất là nhập lậu từ Trung Quốc, bởi nguy cơ vì lợi nhuận người ta có thể sử dụng nhiều mánh khóe. Điều này là có thật trong thực tế. Đây cũng là điều tôi lo sợ", Thạc sĩ Ngô Sỹ Vân cho hay.

Đối với các thuốc có hại, thông thường sẽ bị tích lũy trong mô mỡ và phân hủy chậm. Điều này khiến cá kém khoẻ với biểu hiện lờ đờ hoặc không có biểu hiện bề ngoài nhưng về lâu dài không tốt cho người ăn.  Vì thế, theo các chuyên gia, để an toàn, đối với loại thực phẩm này, người dùng nên chọn mua cá sống, bơi khỏe, màu sáng mướt, không có đốm. Bởi cá khỏe chứng tỏ một phần nào đó thuốc không còn tồn dư trong não và thần kinh, máu. Cá không bị nấm, màu sắc sáng thể hiện môi trường nuôi cá sạch. Khi chế biến cần bỏ ruột và mỡ cá. Điều này nhằm hạn chế ảnh hưởng của thuốc cũng như các chất độc do môi trường như thủy ngân...

"Không thể phân biệt cá quả Trung Quốc và cá quả Việt Nam thông qua màu sắc. Bởi màu sắc thể hiện môi trường nuôi. Nếu nước nuôi sạch cá sẽ có màu sáng. Môi trường nước bẩn như đầm, kênh, rạch cá sẽ có màu đen".

Thạc sĩ Ngô Sỹ Vân

Theo Kiến Thức

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn