Hàng năm cứ vào khoảng tháng tháng 9 (âm lịch) kéo dài đến Tết, mùa đánh bắt cá cơm lại đến. Ngư dân vùng ven biển Tây Cà Mau lại chuẩn bị ngư cụ lên đường đánh bắt. Đây là hình thức đánh bắt gần bờ, phù hợp với những ghe tàu công xuất nhỏ, đi về trong ngày.
Vùng chuyên đánh bắt loại cá này tập trung tại các cửa biển ở thuộc huyện U Minh, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau). Trong đó cửa biển Sông Đốc huyện Trần Văn Thời và cửa biển Khánh Hội huyện U Minh là hai điểm được người dân tập trung trao đổi mua bán mặt hàng này.
Cá cơm được giá giúp ngư dân đánh bắt tăng thu nhập. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Theo một số ngư dân đánh bắt tại thị trấn Sông Đốc, năm nay đầu ra con cá cơm rộng hơn. Ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, cá cơm còn được các doanh nghiệp chế biến thu mua để xuất khẩu. Hiện nay giá cá cơm tươi dao động từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng tốt xấu, cao hơn năm trước khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Anh Trần Thanh Quang, ngư dân chuyên đánh bắt cá cơm, bán tươi cho các doanh nghiệp chế biến tại thị trấn Sông Đốc chia sẻ, cá cơm được người dân khai thác bằng hình thức đẩy chủ (có hai cây sào dài và miệng chủ, lưới chủ phải nhỏ hơn kích thước của cá cơm để cá khỏi lọt ra ngoài). Theo anh Quang, năm nay người dân có thu nhập cao hơn mấy năm trước, nhờ sản lượng đánh bắt khá, giá cá cao.
Ông Nguyễn Văn Huyến, một ngư dân đã “săn” con cá cơm này nhiều năm cho hay năm nay mùa cá cơm đến sớm hơn mọi năm, người dân chuyển qua đánh bắt đối tượng này đã hơn tháng nay. Giá cả năm nay khá cao, nên nhiều người đánh bắt phấn khởi vì có thể mang lại nguồn thu nhập tốt.
Gia đình ông Huyến ở xã Khánh Hải, ở huyện Trần Văn Thời, cứ đến mùa này lại đưa ghe biển nhà mình ra neo đậu tại cửa biển Sông Đốc để đón những con nước lên, biển êm chờ “săn” loài cá nhỏ. Đang đợt lặng biển, hằng ngày ông cùng một người bạn đi cùng lại rẽ sóng ra biển từ 3 đến 4h sáng, đánh cá đến gần chưa lại vận chuyển về cửa biển tiêu thụ.
Phân loại cá cơm để chuẩn bị bán cho thương lái. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Theo ông Huyến, có những ngày trúng, người dân đánh bắt được cả tấn cá tươi, còn nhiều ngày không có gì thì trắng tay ra về. Nếu được ít thì ông mang về phơi khô bán sẽ lời hơn. Những người đánh bắt cá cơm địa phương tính toán, khoảng 4 kg cá cơm tươi sau khi phơi sẽ được 1 kg cá khô. Giá cá cơm khô được thương lái thu mua tại nơi phơi với giá trung bình từ 45.000 đến 50.000 đồng/kg.
Theo người đánh bắt, cá cơm có 3 loại phổ biến, cá cơm bún (là loại nhỏ và trắng như cộng bún), loại này hiếm và đắt nhất, giá lên tới 90.000 đồng/kg cá khô. Cá cơm đầu nhọn là loại cá phổ biến nhất được bán với giá 50.000 đồng/kg khô và loại cá cơm đầu bằng, loại cá này dẹp và ít thịt hơn lên giá bán chỉ khoảng 35.000 đồng/kg khô.
Nhờ giá chênh lệch cao hơn so với năm trước khoảng 10.000 đồng/kg mà người đánh bắt cá đang có thu nhập khá. Ông Nguyễn Văn Hùng một ngư dân đánh bắt tại cửa biển Khánh Hội (thuộc xã Khánh Hội, huyện U Minh) kể, mỗi ngày thu nhập của ông lên đến 3 - 4 triệu đồng là chuyện thường. Nhiều gia đình có phương tiện đánh bắt lớn, có thể thu được sản lượng đến vài tấn/ngày, tương đương mấy chục triệu đồng. "Tuy nhiên, làm biển là nghề bấp bênh chung, săn bắt loại nào cũng thế, nhiều ngày thu bạc triệu, nhưng nhiều ngày tay trắng lỗ vài trăm ngàn hay có lúc biển động cả tháng không thể đánh bắt được cũng là bình thường", ông nói.
Ông Phạm Văn Tình, một thương lái thu mua cá cơm khô cung cấp cho thị trường Miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cho biết năm nay giá cao hơn nhưng thị trường tiêu thụ hiện nay khá kén chọn. Người mua chỉ thích loại cá cơm bún và cá cơm đầu nhọn. Hiện nay, mới vào mùa cá chưa lâu nên thị trường còn hút hàng. Đặc biệt, vùng Tây Nguyên đang là thị trường dễ tiêu thụ loại cá này nhất.
Phương tiện đánh bắt cá cơm của ngư dân. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Theo đánh giá của đa số thương lái thu mua, đầu ra mặt hàng này đã thoáng hơn và ổn định hơn nhiều so với những năm trước, giá cá cơm đang ở mức cao vì một số lượng lớn cá được các doanh nghiệp thu mua tươi chế biến. Sau đó, cá xuất khẩu đi thị trường các nước trong khu vực (chủ yếu là Trung Quốc), chứ không như trước chỉ được phơi khô tiêu thụ nội địa và một phần dùng chế biến nước mắm.
Bên cạnh đó nguyên nhân không nhỏ là đang đầu vụ, cá chưa bị “dội hàng” nên vẫn giữ giá. Dù vậy, các ngư dân đánh bắt vẫn lo lắng, thời gian tới sản lượng khai thác có thể tăng thêm và giá sẽ đi theo chiều ngược lại, do nhiều nguyên nhân. Trong đó không loại trừ khả năng họ bị người mua ép giá như mọi năm vẫn diễn ra.
Ông Đỗ Văn Sử, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho bi, mùa cá cơm thường bắt đầu từ tháng 9 âm lịch hàng năm. Tùy theo thời tiết, từng năm mùa cá cơm dài ngắn khác nhau. Thường thì khoảng gần tết sẽ hết mùa, người dân lại chuyển qua khai thác loại khác. Năm nay cá cơm được giá, sản lượng đánh bắt cũng tương đối nhiều hơn so với các năm trước, chính vì vậy giúp bà con bám biển gần bờ có nguồn thu nhập khá ổn định.
Theo Zing