Theo anh Kiếm, trước đây anh làm nghề nuôi tôm. Nhưng nghề nuôi tôm khá vất vả, năm được năm mất, không ổn định. Năm 1998, một người dân địa phương ra Nam Định thấy người dân ở đó nuôi ngao rất nhiều và cho lợi nhuận cao nên đưa ngao về Đà Nẵng. Thấy họ làm nên anh cũng “bắt chước” làm theo. Tuy nhiên, làm được mấy năm thì Nhà nước thu hồi đất để xây Cầu Thuận Phước, anh cũng như nhiều hộ nuôi ngao khác phải ra Lăng Cô (TT Huế) để thuê diện tích nuôi ngao.
Ra đây, anh thuê 5ha và đầu tư 300 triệu ngao giống. Tuy nhiên, do nước ở đây mặn, không phù hợp với con ngao nên ngao chết hết. Đặc biệt là vào tháng 3 - tháng 4, không có mưa.
Quay trở về Đà Nẵng với hai bàn tay trắng, anh Kiếm phải đi làm công nhân cho một công ty bao bì 2 năm trời để kiếm sống và nuôi gia đình.
Trong một lần gặp lại người bạn từ nước ngoài về, người bạn này đã cho anh 500 USD. Với số tiền nay, anh Kiếm quyết định quay lại nghề nuôi ngao trên Vịnh Đà Nẵng. Lúc đầu vốn còn ít nên anh chỉ đầu tư nhỏ, dần dần làm ăn có lãi, anh Kiếm mở rộng diện tích nuôi ngao lên.
Hiện bãi ngao của anh Kiếm có diện tích 2ha. Giống ngao mà anh Kiếm đang nuôi là cát pha bùn. Bãi ngao của anh được chia làm ba ô. Cứ 4 tháng anh đổ giống một lần và làm theo hình thức cuốn chiếu. Vì thế, bãi ngao của anh có thu hoạch quanh năm.
Anh Kiếm cho biết, ngao Đà Nẵng được đánh giá là ngao ngon nhất nước. So với ngao các tỉnh, thành khác thì ngao Đà Nẵng có giá cao hơn và được nhiều người ưa chuộng hơn đặc biệt là khách nước ngoài.
Bãi ngao của anh cũng như các hộ nuôi ngao khác chủ yếu cung cấp cho thị trường Đà Nẵng vì Đà Nẵng rất nhiều quán ăn, nhậu. Mùa này, mỗi ngày, bãi ngao của anh bán 3 – 4 tạ, còn mùa hè có khi bán cả tấn. Chỉ những ngày bán nhiều, anh mới thuê thêm công nhân từ khoảng 8 – 10 người, còn những ngày nào bán ít thì chỉ có hai vợ chồng anh làm thôi. Trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi năm, bãi ngao của anh thu khoảng 1 tỷ đồng.
Hỏi bí quyết để nuôi ngao thành công, anh Kiếm cười bảo: “Thực ra nuôi ngao không khó, so với nuôi cá, nuôi tôm… thì nuôi ngao khỏe hơn nhiều vì nó ăn thức ăn tự nhiên. Tuy nhiên, yêu cầu phải biết kỹ thuật. Biết cách chọn nước, chọn giống, chọn đất sao cho phù hợp. Không thả ngao vào những ngày mưa gió, chọn giống ngao có địa chỉ tin cậy”.
Anh Kiếm cũng khuyến cáo: “Ngao rất mẫn cảm với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, nguồn nước bị ô nhiễm. Nếu nước ô nhiễm thì ngao sẽ chết ngay. Vì thế, cần theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời”.
Trao đổi với ông Bùi Sửu, chủ tịch Hội nông dân phường Nại Hiên Đông cho biết, hiện trên địa bàn phường có 24 hộ nuôi trong đó anh Kiếm là hộ có diện tích nuôi ngao lớn nhất, thu nhập ổn định và lợi nhuận cao.
Theo Dân Trí