Babetta: 'Cô gái quý tộc' thành ‘hung thần đường phố'

Thứ tư, 19/11/2014, 15:15
Sau vài chục năm lăn bánh, "cô gái quý tộc" Babetta một thời đã trở thành “hung thần đường phố”.

Cô gái quý tộc một thời

Babetta là thương hiệu xe máy lừng lẫy của Tiệp Khắc. Với hình dáng sang trọng, thanh lịch và lãng mạn, chiếc xe được mệnh danh “Cô gái bước ra từ thế giới” nhanh chóng nổi tiếng. Thậm chí, trong giai đoạn 1974 – 1978, Babetta được cả người Đức và người Mỹ “sủng ái”.

Không lâu sau đó, tới những năm 80 của thế kỷ trước, Babetta chạm ngõ Việt Nam. Cũng như Super Cub 50, Simson hay Minsk, Babetta sớm chinh phục được khách hàng Việt. Chiếc xe trở thành niềm mong ước cũng như tự hào của đại bộ phận người dân.

Nhiều người mê Babetta nhưng không phải ai cũng có cơ hội sở hữu “cô gái đến từ Tiệp Khắc”. Giá rẻ hơn Super Cub rất nhiều nhưng so với ngân sách gia đình thuở đó, vài chỉ vàng vẫn là con số rất lớn. Vì vậy, chỉ những gia đình khá giả mới được trải nghiệm trên Babetta – xe quý tộc thời bao cấp.

Thậm chí, một số gia đình khá giả cũng không dễ dàng gì để mua Babetta vì xe về Việt Nam chủ yếu qua đường “xách tay”. Những gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc mới có nhiều cơ hội mua được loại xe này.

Babetta: 'Cô gái quý tộc' thành ‘hung thần đường phố'
"Cô gái quý tộc" Babetta hiếm hoi giữ được "xuân sắc"

Quý tộc là vậy nhưng Babetta lại không mang đến cho người lái hình ảnh sang trọng khi khởi động. Babetta là dòng mopet - xe máy có bàn đạp. Ưu điểm của loại xe này là khi xe bất ngờ hết xăng giữa đường, người lái không phải lo lắng vì có thể đạp xe thay dùng xăng.

Tuy nhiên, yếu điểm của xe cũng nằm ở bàn đạp. Babetta không có đề, không có cần khởi động. Vì thế, mỗi khi chuẩn bị lên đường, người lái phải co chân đạp phành phạch. Nhiều khi xe gặp trục trặc, tài xe đạp toát mồ hôi xe mới chạy được.

Sau hình ảnh khởi động không mấy đẹp đẽ, người lái lại trở nên lịch lãm khi chiếc xe chính thức lăn bánh. Vì vậy, dù sở hữu không ít khuyết điểm, Babetta vẫn được yêu mến, vẫn được đánh giá là “cô gái quý tộc” thời bao cấp.

“Hung thần đường phố”

Trong các “huyền thoại” hai bánh ở Việt Nam, Babetta là dòng xe nhanh tã nhất. Bên cạnh ưu điểm lớn là quý tộc, xe sở hữu cả tá rắc rối. Xe hỏng vặt là “chuyện thường ngày ở huyện”. Từ dây cua-roa, phanh, … tất cả các bộ phận có thể giở chứng bất cứ lúc nào. Nhiều khi muốn ra ngoài nửa tiếng, chủ nhân mất cả tiếng để sửa xe.

Khi mới về Việt Nam, xe đã hay gặp trục trặc nên không có gì ngạc nhiên khi sau nhiều năm “khoe” dáng quý tộc trên đường phố, xe xuống cấp kinh khủng. Ngoài việc hỏng vặt, xe không còn giữ được hình ảnh lung linh ban đầu nữa.

Dù vậy, điểm đáng ghi nhận của Babetta là “sức khỏe”. Xe có xấu xí, “bệnh tật” đến đâu, xe vẫn cõng được cả tạ đồ trên mình. Vì thế, thay vì được nâng niu, “cô gái quý tộc” ngày nào đã bị biến thành xe chở hàng. Và Babetta được thay thế bằng cái tên ấn tượng hơn: "Ba bét nhè".

Người ta có thể chất đủ thể loại hàng hóa lên Babetta, từ sắt thép, gạo, ngô đến cả… rác. Từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, hình ảnh quen thuộc trên đường phố chính là bác công nhân hay người lao động đang gắng sức điều chỉnh tay lái để cả tạ hàng di chuyển an toàn.

Babetta: 'Cô gái quý tộc' thành ‘hung thần đường phố'
Babetta thành "Ba bét nhè"

Sở dĩ Babetta bị ghẻ lạnh một phần vì xe nhanh xuống cấp. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều dòng xe máy mới nhiều tính năng hơn, chất lượng cao hơn như Dream hay Cub 82 đã khiến Babetta không còn phù hợp với nhịp sống ngày càng nhanh hơn nữa của người dân.

Thế nên, trên đường phố Hà Nội, cuối những năm 90, số lượng Babetta lưu thông trên đường giảm mạnh. Dù là để chở hàng, người dân cũng đã chọn được phương tiện thay thế an toàn hơn. Những chiếc còn lại, mỗi khi ra đường thường đem đến… nỗi sợ hãi cho người tham gia giao thông.

Thời điểm này, Babetta được xem là “hung thần đường phố”. Xe không có đèn, không còi, thậm chí không có cả phanh. Nếu đang di chuyển, xe gặp sự cố cần phải dừng gấp, người lái không còn cách nào khác phi cả hai chân xuống đường để… phanh. Ngồi trên chiếc xe chất lượng kém mà lại chở nhiều hàng nặng nề, cồng kềnh, người lái rất dễ mất tay lái và gây tai nạn.

Trước sự “đe dọa” của Babetta, năm 2006, Sở Giao thông công chính Hà Nội có văn bản đề nghị Bộ Giao thông cấm lưu hành, thu hồi các loại xe cũ kỹ, mất an toàn, thường xuyên chở hàng cồng kềnh gây cản trở và tai nạn giao thông. Trong các loại xe được nêu tên, Babetta là gương mặt “nổi bật” nhất.

Bị ghẻ lạnh ở thành phố, Babetta “dạt” về nông thôn. Ngay cả khi Babetta bị người Hà Nội quay lưng, một số thanh niên nông thôn vẫn rất hãnh diện khi sở hữu “cô gái quý tộc” này.

“Thời trẻ trâu, chúng tôi tự hào lắm khi có Babetta. Mặc kệ người ta đi ‘Rim’, đi Cub, đám con trai cứ thấy Babetta là mê tít. Xe thì bé, chân con trai thì dài thành ra mỗi khi đi xe, chân đứa nào cũng khuỳnh khuỳnh nhìn rất khệnh khạng. Người lớn chê bai nhưng chúng tôi thích lắm.

Đấy là chưa kể, ngay cả khi thồ hàng, cứ thấy chị em phụ nữ là chúng tôi lại đánh võng vài vòng rồi nhả khói mù mịt cả đường” – Anh Nguyễn Văn Thành (Thường Tín – Hà Nội) kể về những năm “cuối đời” của Babetta.

“Thế nhưng rốt cuộc chúng tôi phải giã từ Babetta vì sự "chạy tốt, ổn định" tới mức thỉnh thoảng đang trên đường, tôi lại thấy người ta xúm đông, xúm đỏ kéo một ai đó từ dưới mương hoặc dưới ruộng lên bờ. Một lúc sau, Babetta được kéo lên nốt. Nói chung là ở quê, chuyện Babetta lao xuống ruộng hoặc đâm vào bờ tường, hàng rào không còn hiếm” – Anh Thành kể thêm.

Vì độ nguy hiểm cao nên cuối cùng Babetta cũng không trụ được lâu ở nông thôn. Bây giờ, tại Việt Nam, Babetta hiếm hoi lắm mới xuất hiện trong một vài bộ sưu tập của những tay chơi mê đồ cổ hoặc bảo tàng.

Theo VTCNews

Các tin cũ hơn