Cà phê sữa đá Sài Gòn được Bloomberg ca ngợi

Thứ tư, 26/11/2014, 17:15
Trang Bloomberg đã chọn ra 10 món cà phê ngon và độc đáo nhất thế giới, trong đó cà phê sữa đá của Việt Nam được ca ngợi là "đậm đà và ngon tuyệt".

Cà phê sữa đá – Việt Nam:Món đồ uống phổ biến này có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng đây là món bạn không nên bỏ qua khi tới quốc gia này. Cà phê rang xay được cho vào dụng cụ pha chế truyền thống – phin cà phê, sau đó nước cà phê được cho thêm sữa và đá, tạo ra hương vị đậm đà, ngon tuyệt và mới lạ. Món đồ uống này được phục vụ tại hầu hết các hàng cà phê ở Sài Gòn. Ảnh: See-Vietnam

Cà phê Frappe – Hy Lạp:Món cà phê độc đáo của Hy Lạp này được pha trộn từ cà phê hòa tan, đường và nước, đôi khi có thêm chút sữa đặc. Bạn có thể thưởng thức món đồ uống nổi tiếng này ở các bãi biển hoặc các quán cà phê ở Cyprus, nhất là vào mùa hè. Loại cà phê này có nhiều mức ngọt khác nhau: glykós (nghĩa là "ngọt" trong tiếng Hy Lạp, với khoảng 4 thìa đường), métrios (ngọt vừa, khoảng 2 thìa đường) và skétos (không đường). Ảnh: Gettyimages

Cà phê Manhattan Special - Mỹ:Cà phê Manhattan Special bắt nguồn từ Brooklyn, New York, bao gồm cà phê espresso pha tay, nước khoáng Seltzer và đường mía. Đây là món đồ uống ưa thích của người dân New York từ năm 1895. Bạn có thể thưởng thức ở các quầy bán rong hay các hàng cà phê khắp New York. Ảnh: Bloomberg

Cà phê Olla — Mexico:Thơm mùi quế và Piloncillo (một loại đường mía chưa được tinh luyện có mùi như mật), cốc cà phê Olla có mùi vị vô cùng ngọt ngào và ấm áp. Nó được phục vụ trong các cốc gốm đỏ tại các quán cà phê trên khắp Mexico. Ảnh: Gettyimages

Cà phê Eiskaffee – Đức: Món đồ uống đặc biệt của Đức này gồm cà phê đậm đặc pha với kem vani, hấp dẫn cả những du khách khó tính nhất. Bạn có thể thưởng thức món này tại các quán cà phê hoặc các tiệm kem trên khắp nước Đức. Ảnh: Germanytour

Cà phê Pharisaer – Nordstrand, Đức: Ngoài mùi vị ấn tượng tới từ sự hòa trộn giữa cà phê đậm đặc, rượu rum và kem tươi, cà phê Pharisaer còn nổi tiếng nhờ câu chuyện thú vị về nguồn gốc của nó. Truyền thuyết kể rằng từ rất lâu rồi, trên đảo Nordstrand ở miền Bắc nước Đức, một mục sư kiêng rượu tới dự lễ rửa tội. Để vị mục sư không biết tính chất của món đồ uống được phục vụ ở buổi lễ, rượu rum được trộn với cà phê và phủ một lớp kem tươi lên trên. Tuy nhiên khi vị mục sư phát hiện ra, ông kêu lên: "Ôi các Pharisees", vì thế món đồ uống này được đặt tên như vậy. Cà phê Pharisaer rất phổ biến ở đảo Nordstrand nhưng cũng được phục vụ ở các nhà hàng và quán cà phê khắp bờ Bắc nước Đức. Ảnh: Bloomberg


Cà phê Turk Kahvesi — Thổ Nhĩ Kỳ:Món cà phê truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ được pha chế từ cà phê rang xay và đường, đôi khi thêm chút hương liệu. Hỗn hợp được đun sôi trong ấm trước khi rót vào các cốc nhỏ có trang trí họa tiết độc đáo. Cách pha cà phê này rất phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Trung Đông. Ảnh: Bloomberg

Cà phê Touba — Senegal:Rất phổ biến ở thủ đô Dakar của Senegal, món cà phê này được cho thêm tiêu Guinea, một loại gia vị Tây Phi có mùi như bạch đậu khấu. Cà phê Toube còn được cho thêm rất nhiều đường, khiến món đồ uống ngọt ngào và thơm phức này đánh thức giác quan của mọi du khách. Ảnh: Gettyimages

Tiệc cà phê của người Ethiopia – Ethiopia: Nếu bạn được mời tới dự tiệc cà phê của người Ethiopia thì đó là một may mắn lớn. Cốc chén sẽ được đặt trên cỏ thơm, hạt cà phê được rang tay và giã bằng cối. Bột cà phê được chế thêm nước trong một ấm màu đen truyền thống có tên Jebena và được đun trên bếp. Khi hỗn hợp bắt đầu bốc hơi, cà phê được rót ra. Theo truyền thống, cà phê Ethiopia được dùng với đường hoặc muối và vài món ăn nhẹ. Hãy nhớ, theo phép lịch sự, bạn sẽ phải ở lại và uống ít nhất 3 chén, vì chén thứ 3 được coi là một lời chúc phúc. Ảnh: Ethiopiantea


Cà phê phô mai Kaffeost – Phần Lan và Thụy Điển:Phô mai Phần Lan được dùng trong cà phê Kaffeost, một món đồ uống nóng ở Bắc Phần Lan và Thụy Điển. Khi nhúng một miếng phô mai vào cốc cà phê đen, cà phê sẽ có vị bơ nhè nhẹ và miếng bơ sẽ có mùi cà phê thơm phức. Bạn có thể thưởng thức Kaffeost khi chiêm ngưỡng khung cảnh lộng lẫy của vùng biên giới Thụy Điển – Phần Lan. Ảnh: Gettyimages

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích