Sau khi xây dựng nên một trong những tập đoàn sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, ông Morris Chang, nhà sáng lập Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), nghỉ hưu vào năm 2005. Nhưng 4 năm sau đó, khi việc kinh doanh của TSMC bị sa sút, ông đã quay trở lại lèo lái tập đoàn này qua cơn khó khăn. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, ông Chang, nay đã 83 tuổi, cho biết lần gần đây nhất, ông tính về hưu nhưng cũng không được.
Hiện giờ, ông Chang đang cố gắng đào tạo hai người kế vị là CC Wei, 61 tuổi và Mark Liu, 60 tuổi. Hai vị này đều đi lên từ kỹ sư, và ông Chang muốn đào tạo họ trở thành những doanh nhân giỏi. Vậy “thời gian huấn luyện” là bao lâu? Câu trả lời của ông Chang là: “Có thể phải mất 10 năm. Họ đang có tiến bộ”.
Đối với nhiều ông chủ tập đoàn công nghệ của châu Á, buông tay khỏi những công ty mà họ đã sáng lập là chuyện cực kỳ khó khăn. Đó là lý do tìm người kế vị luôn là một vấn đề nhức nhối. Samsung Electronics Co., Foxconn Technology Group và Canon Inc., chẳng hạn, đều rơi vào trường hợp này. Các nhà sáng lập tại đây đều đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nên cần phải tìm người kế vị càng sớm càng tốt để cuộc chuyển giao được suôn sẻ. Bởi lẽ, chỉ cần các cuộc chuyển giao này có trục trặc gì thì sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn trong bức tranh cạnh tranh của ngành phần cứng châu Á.
Không chỉ châu Á, các công ty khác trên thế giới cũng gặp phải vấn đề này. Theo cuộc khảo sát các nhà điều hành Mỹ trong năm nay do Đại học Stanford thực hiện, chỉ 1 trong 4 người cho biết đã có sẵn ứng cử viên thích hợp cho vị trí tổng giám đốc (CEO). Tại châu Âu, tập đoàn dầu khí Anh BG Group PLC gần đây đã phải hoạt động mà không có CEO dẫn dắt trong 7 tháng, sau khi CEO của tập đoàn này từ chức.
Thế nhưng, vấn đề đối với các tập đoàn công nghệ châu Á lại mang tính cấp bách hơn rất nhiều. Nhiều trong số các công ty này hiện vẫn được các nhà sáng lập, hoặc các nhà điều hành đã giúp định hình nên công ty, điều hành. Những người này đều đến từ thời công nghiệp hóa nhanh của thập niên 1960 và 1970.
Năm trong số 10 công ty đại chúng lớn nhất lĩnh vực công nghệ của châu Á (theo xếp hạng của S&P Capital IQ) có các CEO ít nhất đã 60 tuổi, gồm Samsung, Foxconn, TSMC, Canon và Hitachi Ltd. Tại Samsung, mặc dù 2 trong số các vị CEO đã hơn 60 tuổi, nhưng quyền lực thực sự nằm ở vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lee Kun-hee. Ông Lee năm nay đã 72 tuổi, là con trai của người sáng lập nên Samsung.
Ông chủ châu Á gian nan tìm người kế vị. |
Nếu làm phép so sánh, tại Mỹ, chỉ 1 trong 10 công ty đại chúng lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ - Cisco Systems Inc. - hiện do một nhà điều hành hơn 60 tuổi dẫn dắt. Hầu hết thế hệ lãnh đạo đầu tiên của các tập đoàn công nghệ tại Thung lũng Silicon đều đã có ít nhất một người để họ trao quyền kế vị.
Một tập đoàn công nghệ châu Á khác phải chuẩn bị chuyển giao quyền lực là tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies Co., vì nhà sáng lập kiêm CEO Ren Zhengfei đã 70 tuổi. Huawei cho biết, người kế vị ông Ren có thể là một nhóm người nhưng Tập đoàn vẫn đang trong quá trình “khai phá”.
Tại hãng sản xuất máy tính cá nhân Acer (Đài Loan), tình hình hoạt động của doanh nghiệp đã sa sút sau khi nhà sáng lập công ty này về hưu, cuối cùng họ buộc phải quay trở lại để vực dậy công ty. Tại Canon (Nhật), ông Fujio Mitarai 79 tuổi, một thành viên của gia đình sáng lập, đã quay trở lại vị trí Chủ tịch vào năm 2012.
“Tôi đã mất gần 6 tháng nhưng vẫn không tìm được một Chủ tịch Hội đồng Quản trị mới, vì thế tôi phải trở lại cầm cương”, nhà sáng lập 69 tuổi Stan Shih của Acer, cho biết. Acer đã có 3 năm thua lỗ khi ngành máy tính cá nhân chuyển hướng từ laptop sang thiết bị di động. Đối với ông Shih, khó lòng mà ngồi yên khi chứng kiến đế chế một tay ông dựng nên bị lụn bại. Vì thế ông đã quay trở lại dẫn dắt Acer vào năm ngoái.
Theo Willy Shih, Giáo sư Kinh doanh của Trường Harvard, một vấn đề đối với phần lớn công ty châu Á, là doanh nghiệp được điều hành theo kiểu công ty gia đình nhiều hơn bởi một nhà lãnh đạo chuyên quyền, thậm chí sau khi doanh nghiệp đã bành trướng thành những tập đoàn toàn cầu. Điều đó có nghĩa là cách điều hành theo kiểu từ trên xuống, tức nhà sáng lập đưa ra mệnh lệnh và cấp dưới phải phục tùng. Một số nhà sáng lập đã không hề phân quyền dù doanh nghiệp của họ ngày một lớn.
“Đó là một căn bệnh tại châu Á. Nhiều công ty đã trở nên rất lớn và rất thành công nhờ sự dẫn dắt của các nhà sáng lập, nhưng nhà sáng lập vẫn không muốn từ bỏ việc điều hành. Cách quản lý là nhà sáng lập đưa ra tất cả mọi quyết định. Vậy khi nào cấp dưới mới học hỏi được kinh nghiệm?”, ông Willy Shih nói.
Vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Terry Gou 64 tuổi của Foxconn nổi tiếng là một người nghiện việc, và luôn tự tay giám sát hầu hết đế chế công nghệ của ông. Vẫn chưa rõ người kế nhiệm ông là ai, mặc dù ông Gou nói xa nói gần rằng, có thể không chỉ là một người. Hồi tháng 10, Foxconn cho biết ông Gou chưa có kế hoạch rút khỏi vai trò lãnh đạo, và đang phát triển một “nhóm điều hành mạnh và sâu”.
“Khi một công ty bành trướng lên một mức độ nào đó, dần dần phải có một hệ thống điều hành kiểu liên hiệp”, ông Gou cho biết. Ông còn cho biết thêm, ông đang có kế hoạch chia tách các bộ phận của công ty để trau dồi kinh nghiệm quản lý cho các nhà quản lý trẻ tuổi hơn.
Allen Tsai, đang điều hành một hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan gọi là Taiwan Institute of Directors, cho biết huấn luyện một người kế vị đòi hỏi phải mất nhiều năm, giao cho người đó quản lý nhiều bộ phận chủ chốt cũng như giao cho các nhiệm vụ ở nước ngoài và quyền lãnh đạo. “Từ các nghiên cứu của chúng tôi, có thể phải mất 10 năm mới đào tạo được một người kế vị đúng nghĩa. Chúng tôi chưa thấy công ty nào làm điều này tại Đài Loan”, ông Tsai nói.
Tại Hàn Quốc, Samsung cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chuyển giao quyền lực, sau khi Chủ tịch Lee Kun-hee lên cơn đau tim vào tháng 5/2014. Có thể ông Lee sẽ chuyển giao quyền lực cho người con trai duy nhất Jay Y. Lee, người đang nắm giữ vị trí Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Theo NCĐT