Ngân hàng lại nóng chuyện “cổ đông lớn lũng đoạn”

Thứ sáu, 12/12/2014, 13:40
Mới đây, đơn tố cáo với nội dung được cho là chuyện nội bộ của một ngân hàng đã được gửi đến nhiều cơ quan báo chí, trong đó đưa ra những cáo buộc về sai phạm trong hoạt động cho vay và biển thủ của một nhóm cổ đông.

Thực trạng về lợi ích nhóm đã được Ngân hàng Thế giới (WB) phản ánh trong báo cáo cập
nhật tình hình kinh tế Việt Nam mới đây - Minh họa: VNN.

Lá đơn cũng cáo buộc nhóm cổ đông này đã vì “lợi ích nhóm” mà xét duyệt hồ sơ cho vay ẩu, bảo lãnh phát hành trái phiếu không đúng…

Đau đầu với lợi ích nhóm

Chuyện về lá đơn trên đã được phóng viên phản ánh với đại diện Ngân hàng Nhà nước. Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ làm việc với cơ quan thanh tra để làm rõ những cáo buộc này, và sẽ có câu trả lời cụ thể.

Trước đó, vấn đề lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng từng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thừa nhận. Trong một lần trả lời đại biểu Quốc hội, Thống đốc nêu việc một số tổ chức tín dụng hoạt động thiếu công khai, minh bạch hoặc bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông lớn, đặc biệt là trong việc cho vay, đầu tư tài chính phục vụ cho các công ty con của cổ đông lớn hoặc đáp ứng cho lợi ích riêng của cổ đông lớn và người có liên quan…

“Có những sai phạm xảy ra ở một số tổ chức tín dụng còn do hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, lãnh đạo của tổ chức tín dụng buông lỏng quản lý, các chính sách, quy định quản lý, kiểm soát nội bộ, các quy trình, thủ tục nghiệp vụ ngân hàng có nhiều bất cập, sơ hở, đặc biệt là trong các hoạt động cấp tín dụng, thẩm định cho vay, đầu tư tài chính, thanh toán, chuyển tiền...”, Thống đốc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận tình trạng lợi ích nhóm của nhiều ngân hàng đang khiến cơ quan này đau đầu, bởi việc xử lý nó không hề đơn giản và cần phải có thời gian.

“Trước hết, Ngân hàng Nhà nước cần phải có khung pháp lý và quy định rõ ràng về những tỷ lệ cổ phần sở hữu của cá nhân, tổ chức, điều kiện mua bán cổ phần… sau đó mới bắt đầu đưa những nhóm lợi ích vào khuôn khổ”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.

Thực trạng này cũng đã được Ngân hàng Thế giới (WB) phản ánh trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam mới đây.

Theo WB, hệ thống ngân hàng Việt Nam có đặc điểm là mức độ sở hữu chéo cao giữa các ngân hàng với nhau và giữa các ngân hàng và doanh nghiệp. Mức độ sở hữu này bao gồm sở hữu các ngân hàng cổ phần bởi các ngân hàng khác và bởi các tập đoàn kinh tế (gồm cả DNNN) với cấu trúc chưa hiểu rõ được.

“Cơ cấu cổ đông phức tạp đã gây ra những quan ngại sâu sắc về xung đột lợi ích và hoạt động cho vay bên có quan hệ/liên quan nhằm tài trợ cho các dự án thiếu minh bạch. Cơ cấu này cũng đã dẫn đến tình trạng phóng đại vốn do cho vay mua cổ phần lẫn nhau và đã tạo điều kiện lách các quy định an toàn như giới hạn tập trung tín dụng”, chuyên gia của WB đánh giá.

“Liều thuốc” Thông tư 36

Không chỉ phản ánh về tình trạng lợi ích nhóm lũng đoạn ngân hàng, WB còn quan ngại về việc xác định giá trị các tài sản phi tín dụng lớn trên bảng cân đối của các ngân hàng, đặc biệt là xác định chưa đầy đủ các khoản đầu tư (một số khoản liên quan đến các nghiệp vụ nhằm báo cáo thấp nợ xấu) và thiếu minh bạch khi báo cáo về các hạng mục khác như các khoản phải thu.

Do tình trạng sở hữu chéo phổ biến nên hoạt động cho vay góp vốn mua cổ phần lẫn nhau cũng là nội dung cần lưu ý.

Theo World Bank, ROA bình quân của tất cả các ngân hàng giảm từ 1,8% năm 2007 xuống 0,5% năm 2012, trong đó con số 0,5% có vẻ là đã bị phóng đại do chất lượng số liệu tài chính còn thấp.

“Nói một cách khái quát hơn thì chất lượng số liệu tài chính thấp đã ảnh hưởng đến việc đo lường một cách chính xác hầu hết các chỉ số hiệu quả hoạt động như ROA (lợi nhuận ròng/tài sản), tỷ lệ nợ xấu và các hệ số vốn.

Yếu kém về số liệu bắt nguồn từ một số yếu tố như các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng còn chưa thỏa đáng (bao gồm cả việc phân loại các khoản nợ được tái cơ cấu), định giá tài sản thế chấp không đáng tin cậy và phân loại một số tài sản nhất định là thanh khoản cần đặt dấu hỏi”, nhóm chuyên gia của WB bình luận.

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh tình trạng này sẽ sớm chấm dứt. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết cơ quan này đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, vi phạm pháp luật.

“Thực tế, tình trạng sở hữu chéo, cổ đông lớn chi phối ngân hàng đã giảm nhiều so với hai năm trước. Nhiều vụ việc tham nhũng, tội phạm trong ngành Ngân hàng được phát hiện và xử lý nghiêm minh, điển hình như các vụ việc xảy ra tại Công ty Tài chính II - Agribank, Ngân hàng Cổ phần Xây dựng Việt Nam, OceanBank...”, Thống đốc bình luận.

Bên cạnh đó, là việc ban hành Thông tư 36 về việc khống chế mức độ sở hữu của một ngân hàng này tại ngân hàng khác không quá 5%, nhằm giảm chi phối, sở hữu chéo và thao túng của các cổ đông lớn trong hệ thống ngân hàng hiện nay.

Bình luận về Thông tư 36, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng Thông tư 36 sẽ giúp hệ thống ngân hàng minh bạch hơn về cơ cấu cổ đông.

“Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang qua quá trình tái cơ cấu, tức là chữa những khuyết tật, căn bệnh của hệ thống này. Bởi vậy, không chỉ “trích thuốc” mà còn phải lên một liệu pháp điều trị đầy đủ cho từng giai đoạn khác nhau. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không thể bỏ qua bước sắp xếp lại trật tự cơ cấu lại cổ đông”, ông Phước bình luận.

Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng cho rằng quy định siết sở hữu chéo tại Thông tư 36 sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường tài chính, trong đó có các ngân hàng, đặc biệt là các yếu tố sở hữu chéo và lợi ích nhóm.

Theo Bizlive

Các tin cũ hơn