Việt Nam cận kề bẫy thu nhập trung bình

Thứ sáu, 12/12/2014, 15:26
Các dấu hiệu bẫy thu nhập trung bình đã xuất hiện từ 2008 và ngày càng rõ nét hơn, theo chuyên gia Nhật Bản - Kenichi Ohno.

"Một quốc gia rơi vào bẫy thu nhập nếu không tạo được giá trị giá tăng từ những lợi thế sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, thương mại, FDI, ODA… đều được coi đã rơi vào bẫy", tiến sĩ Kenichi Ohno nói tại Hội thảo Tiếp cận bẫy thu nhập trung bình và gợi ý chính sách công nghiệp cho Việt Nam, do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức sáng nay tại Hà Nội. Ông Kenichi Ohno là chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản.

Năm 2008, Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình đầu người trên 1.000 USD và trở thành nước có thu nhập trung bình thấp theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, theo chuyên gia đến từ Nhật Bản, sau 6 năm các dấu hiệu "bẫy thu nhập trung bình" tại Việt Nam đang ngày càng rõ ràng hơn như tăng trưởng chậm, năng suất kém, chuyển dịch cơ cấu chỉ mang tính hình thức, trì trệ trong các chỉ số xếp hàng toàn cầu, nhiều vấn đề nảy sinh từ tăng trưởng.

FDI-2161-1418357575.jpg

Việt Nam đã đạt thu nhập trung bình 1.000 USD từ năm 2008.

"Đáng chú ý nhất tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu là do đầu tư dẫn dắt, rất ít cải thiện về năng suất, trong khi lương tăng nhanh hơn năng suất lao động. Bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam đang ở ngay đây", ông Kenichi lo ngại.

Indonesia là nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam trong đó, tăng trưởng kinh tế đều không xuất phát từ năng suất mà từ "một số yếu tố khác", vị chuyên gia kinh tế đến từ Nhật Bản nói. Thu nhập trung bình của Indonesia đang ở mức trên 3.500 USD nhưng lợi thế dân số đông (250 triệu người) nhu cầu trong nước lớn đã giúp quốc gia này thu hút nhiều vốn FDI về sản xuất ôtô và hàng tiêu dùng.

Nhưng hiện nay Indonesia không phải là cứ điểm sản xuất cho xuất khẩu. Tỷ lệ công nghiệp chế biến và xuất khẩu trong GDP đều đã giảm, các chính sách thu hút FDI đã chặt chẽ thay vì mở rộng. Indonesia đang dần mất đi dấu hiệu sự công nghiệp hóa và đã bước vào bẫy thu nhập trung bình gần thập kỷ nay.

Hiện Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình (mức 1.730 USD) nhưng việc tạo ra giá trị gia tăng trong nước vẫn trì trệ, thiếu khả năng thúc đẩy công nghiệp hóa, chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ đang yếu.

"Việt Nam liệu có tiếp bước Indonesia sau vài thập kỷ hay không phụ thuộc vào sự thay đổi chính sách. Và trên thực tế bẫy thu nhập trung bình tại Việt Nam đã bắt đầu", ông Ohno tái khẳng định.

Theo chuyên gia, với Việt Nam điều quan trọng lúc này không phải tranh cãi xem đã rơi vào bẫy hay chưa mà bắt đầu có những hành động quyết liệt hơn. Đã có nhiều hội thảo diễn ra nhưng vẫn chưa đưa ra chính sách cụ thể nào cho Việt Nam. "Tạo dựng giá trị bởi nguồn nhân lực và từ các doanh nghiệp trong nước được xem là mục tiêu đầu tiên", ông nói.

Ông cũng đề nghị hoàn thiện chính sách FDI, hỗ trợ doanh nghiệp trong các thủ tục hành chính, tăng cường sự liên kết ngành, nghề cũng nâng cao chất lượng đào tạo hiện nay là hướng đi giúp Việt Nam thoát được ranh giới bẫy thu nhập trung bình.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn