Sáng 22/12, trao đổi với Zing.vn, ông Lương Thạch Vỹ, Trưởng Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP.Đà Nẵng bức xúc khi có thông tin cho rằng những sai phạm của Công ty Đầu tư Phát triển Môi trường SFC Việt Nam, liên quan đến dự án Trạm xử lý nước thải (XLNT) Hòa Xuân tại TP.Đà Nẵng.
Ông Vỹ cho biết, ông đã nghe thông tin về việc Ngân hàng thế giới xử phạt đối với SFC Việt Nam.
“Trước khi chấp nhận đơn vị thực hiện dự án, chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ. Những sai phạm cụ thể của họ như thế nào thì chúng tôi không biết. Đến giờ cũng chưa có một cơ quan chức năng nào kết luận về việc này”, ông Vỹ nói.
Trước đó, ngày 18/12, Ngân hàng thế giới (WB) phát đi thông cáo báo chí về việc xử phạt với SFC Việt Nam do những sai phạm khi tham gia các dự án do WB cấp vốn.
Thông cáo cho hay, SFC và các chi nhánh của công ty này sẽ bị WB cấm tham gia thầu tối thiểu là 10 năm. Cá nhân Tổng Giám đốc Nguyễn Phương Quý và bất kỳ thực thể mà ông trực tiếp điều hành bị cấm tối thiểu 11 năm.
Đây là quyết định được đưa ra bởi Hội đồng xử phạt độc lập của Ngân hàng thế giới, dựa trên bằng chứng của ngân hàng này về hành vi lừa đảo và thông thầu thuộc hai dự án: Dự án Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị tại Việt Nam và Dự án đầu tư hạ tầng ưu tiên ở thành phố Đà Nẵng.
Theo ông Vỹ, cuối năm 2012, SFC được lãnh đạo TP.Đà Nẵng giao thực hiện Trạm XLNT Hòa Xuân để xử lý nước thải sinh hoạt cho thành phố.
Chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải và được Đại diện bởi Ban Quản lý Dự án Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Ưu tiên (PIIP). Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 190 tỷ đồng với sự tài trợ của Ngân hàng thế giới (WB).
“Trước khi được WB rót vốn, chúng tôi đã tiến hành đấu thầu công khai theo quy định để chọn đơn vị thực hiện dự án. Trên 20 đơn vị mua hồ sơ dự thầu nhưng chỉ có 7 đơn vị tham gia đấu thầu. Kết quả, SFC Việt Nam đã trúng thầu theo đúng quy định của pháp luật”, ông Vỹ cho hay.
Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP.Đà Nẵng đã gửi toàn bộ hồ sơ xét thầu, kết quả đấu thầu và các hồ sơ liên quan cho lãnh đạo Ngân hàng thế giới thẩm định.
Sau đó, ông Đặng Đức Cường, Trưởng đoàn công tác của Ngân hàng thế giới (WB) có thư phúc đáp. “Trong thư, ông Cường không phản đối việc Công ty SFC Việt Nam được thực hiện dự án”, ông Vỹ khẳng định.
Ngày 6/12/2012, dự án được chính thức triển khai và chính thức hoàn thành ngày 30/9/2014. Trong quá trình thi công, dự án này được giám sát chặt chẽ bởi Công ty Black and Veatch internationnal (Mỹ).
“Kết quả nghiệm thu của các cơ quan chức năng cũng đánh giá công trình xây dựng đạt yêu cầu so với thiết kế. Thực tế, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trạm XLNT Hòa Xuân đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng nước thải sau xử lý, đạt tiêu chuẩn đầu ra loại A.
Theo ông Vỹ, Trạm XLNT Hòa Xuân được đánh giá là một trong những dự án đầu tư hiệu quả từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng thế giới. Ảnh: SFC Việt Nam. |
Công suất xử lý trung bình đạt 20,000m3/ngày. Với công nghệ hoàn toàn tự động, đội ngũ kỹ thuật viên quản lý chặt chẽ tất cả các sự cố xảy ra trong quá trình vận hành và đến nay chưa có sự cố nào đáng kể”, ông Vỹ cho biết,
Sở Giao thông Vận tải TP.Đà Nẵng cũng đã lập tổ giám sát, hằng ngày, cán bộ của Tổ thường xuyên kiểm tra TXLNT Hòa Xuân và có đánh giá kết quả hoạt động hàng tuần. Bên cạnh đó, hoạt động của Trạm cũng có sự giám sát độc lập của Ngân hàng thế giới.
Theo Zing