Năm 2015, GDP cả nước ước tăng trên 6,5%, cao hơn mục tiêu 6,2% đăng ký với Quốc hội và cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Ngày 5/10/2015, Việt Nam cùng 11 đối tác đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây được coi là hiệp định của thế kỷ 21, tạo ra những tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu ở cấp cao nhất.
Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016 của WB cho thấy, Việt Nam tăng 3 bậc so với năm ngoái. Hai năm qua, cải cách môi trường kinh doanh đã được Chính phủ thực hiện quyết liệt theo Nghị quyết 19 trên mọi lĩnh vực.
Cú trượt dốc của giá dầu thô thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, hiện gần chạm đáy 30 USD/thùng. Giá xăng trong nước đã 12 lần được điều chỉnh giảm.
Giá dầu xuống thấp kỷ lục khiến nguồn thu ngân sách thâm hụt. Ngân sách TƯ gặp vấn đề lớn với các khoản nợ, chi cải cách tiền lương, chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. 50 địa phương "nhận" viện trợ hàng năm cũng bị “đói kém” theo.
Cú sốc phá giá 4,6% đồng NDT của Trung Quốc bắt đầu từ 11/8 buộc Việt Nam phải điều chỉnh tỷ giá mạnh, nới tỷ giá tăng 2 lần và nới rộng biên độ, đưa mức tăng tối đa VND lên +5%.
Năm 2015, Chính phủ cho phép SCIC thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn như Vinamilk, FPT và FPT Telecom,... Tuy nhiên, dù liên tục thúc ép nhưng cổ phần hóa DNNN vẫn chậm và không đạt như kỳ vọng.
Hết năm 2015, những chính sách cụ thể nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa đâu vào đâu, khiến cho các DN cũng loay hoay, chưa rõ sẽ phải làm thế nào. Trong khi đó, sức ép giảm thuế theo lộ trình hội nhập, các quyết định tăng giảm thuế càng khiến cho thị trường ôtô liên tục biến động.
Nửa đầu năm, hai vụ mua lại ngân hàng với giá 0 đồng, những vụ sáp nhập, hợp nhất cuối cùng được thực hiện. Đến cuối năm, các đại gia, cổ đông lớn NH dồn dập bán ra cổ phiếu để giải quyết sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng. Những yêu cầu cơ bản trong lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được rốt ráo dứt điểm.
Nông sản Việt lại rớt giá thảm hại trong năm 2015. Những cuộc giải cứu dưa hấu, hành tím, chuối,... là minh chứng rõ nhất về một nền sản xuất manh mún và thiếu liên kết.
Theo VietnamNet