Ông Putin đã ký văn bản về các biện pháp để đảm bảo an ninh quốc gia tại Liên bang Nga và bảo vệ công dân Nga chống tội phạm, các hoạt động bất hợp pháp, và áp đặt những biện pháp kinh tế đặc biệt đối với Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, cơ quan báo chí điện Kremlin nêu rõ. Một phần chế độ miễn thị thực giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đình chỉ từ ngày 1/1/2016. Ngày 27/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, chính phủ Nga đã đình chỉ chế độ miễn thị thực do lo ngại về vấn đề an ninh.
Theo Kremlin, các đơn vị du lịch Nga sẽ chính thức dừng bán tour đến Thổ Nhĩ Kỳ. “Các nhà khai thác và cơ quan du lịch nên ngưng bán các gói sản phẩm du lịch cho công dân Nga đi đến Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ”, điện Kremlin khuyến cáo.
Tổng thống Vladimir Putin còn yêu cầu cấm các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ. Các hãng lữ hành sẽ không được đề nghị các tuyến đi nghỉ đến Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là một trong những điểm đến ưa thích nhất của người Nga. Các hãng hàng không và các hãng vận chuyển Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chấp nhận một sự kiểm soát gắt gao hơn trên lãnh thổ Nga. Nga cũng sẽ hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng của Thổ Nhĩ Kỳ, trừ một số sản phẩm thiết yếu được quy định trong Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Ngoài ra, lao động nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị hạn chế, người sử dụng lao động Nga sẽ không được phép thuê nhân công từ Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 1/1/2016.
Không khí căng thẳng khiến Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ phải cảnh báo công dân không tới Nga “cho tới khi tình hình trở nên rõ ràng”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan ước rằng, giá như vụ bắn hạ Su-24 đừng xảy ra. Một ngày trước đó, ông Erdogan còn cao giọng tuyên bố, Nga “không nên đùa với lửa”.
Ngày 29/11, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu thông báo, thi thể phi công Su-24 là trung tá Oleg Peshkov bị phiến quân bắn chết đã được chuyển về Ankara và sẽ được đưa về Nga. Phát biểu trên kênh truyền hình France 2 (Pháp), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói rằng, sự cố bắn hạ Su-24 rất đáng tiếc. Ông kêu gọi hai bên giải quyết khác biệt thông qua đối thoại, nhấn mạnh rằng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là những thành viên chủ chốt trong cuộc chiến chống IS.
Bài toán lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ
Trong khi đó, trang tin Defense One (Mỹ) nhận định, Tổng thống Putin đã đúng khi nói rằng, trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đang ủng hộ IS. Theo Defense One, sở dĩ Mỹ và phương Tây cố tình phớt lờ những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là vì nước này cho phép NATO sử dụng lãnh thổ, không phận và căn cứ không quân của mình để tiến hành các cuộc không kích IS ở Syria. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng lợi nhiều từ hoạt động kinh doanh dầu lậu của IS từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi năm IS kiếm khoảng 500 triệu USD từ hoạt động này, tờ Financial Times ước tính.
Denfense One cũng đồng tình với tuyên bố của ông Alexei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga, rằng IS sử dụng lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ làm nơi trung chuyển vũ khí và đưa người từ các nước khác đến Syria để gia nhập hàng ngũ của chúng. Báo Mỹ khẳng định, không giống như phương Tây vốn cần sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ nên đành phải im lặng, Nga đã công khai những hành động “không mấy chân thành” của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Theo Tiền Phong