Ngày 29/11, đại diện Công ty TNHH MTV Duyên Hải (đơn vị thi công) cho biết đã sửa xong những phần bị hư hỏng tại cây cầu treo ở thôn 2, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Cầu treo thôn 2 trước và sau khi được sửa chữa. |
Theo ghi nhận, phần nền đường trên cầu bị sụt lún, gãy đổ trước đó đã được đơn vị thi công đập bỏ và đầm nền đất trước khi đổ xi măng gia cố. Phần bê-tông hai bên mố cầu cũng đã được đập bỏ và thay bằng một lớp bê-tông khác.
Phía dưới chân cầu, nhà thầu thi công đã gia cố bằng một mảng tường bê tông kiên cố dày 50cm chạy bám xung quanh chân trụ. Phía ngoài mảng tường bê tông chân khay trụ này cũng được gia cố bổ sung thêm phần móng và một rọ sắt đá để cho chắc chắn tránh nước mưa từ trên núi đổ xuống xâm nhập.
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Duyên Hải, do trụ cầu nằm ngay chính khe suối, để không xảy ra tình trạng sụt lún sau này, đơn vị thi công phải phối hợp với chính quyền địa phương thương lượng với người dân giải tỏa thêm mặt bằng để điều chỉnh dòng chảy tránh xa phía chân cầu.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, chỉ sau khi khánh thành đưa vào sử dụng được khoảng 10 ngày thì cây cầu treo ở thôn 2 được đầu tư với kinh phí hơn 3,17 tỷ đồng đã bị sụt lún, hư hỏng nặng khiến người dân địa phương rất bất an và bức xúc. Sau khi báo chí phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã có công văn chỉ đạo khắc phục, đồng thời rà soát lại các cầu treo được khánh thành cùng đợt với cây cầu treo trên.
Được biết, cầu treo thôn 2 có chiều dài 50m, rộng 1,5m do Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) làm chủ đầu tư. Đây là một trong những cây cầu nằm trong Đề án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực miền Trung và Tây Nguyên của Bộ GTVT.
Theo lý giải của Tổng cục Đường bộ, trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng nền đường đầu cầu, để tiết kiệm chi phí, chủ đầu tư đã chủ trương cho phép tận dụng tối đa vật liệu tại chỗ như: sỏi suối lẫn cát để đắp lòng mố, trụ cầu.
Mặc dù đã cơ bản tuân thủ quá trình đào đắp để đảm bảo chất lượng nhưng trên thực tế, nền đắp sau mố chưa đảm bảo chất lượng (chưa đảm bảo độ chặt yêu cầu). Sau thời gian khai thác, kết hợp với mưa lũ, nền đường đầu cầu bắt đầu nứt vỡ mặt đường sau mố...
Theo NLĐ